Điều kiện làm việc của nghị sỹ: Bộ máy giúp việc cánh tay đắc lực của các nghị sỹ

- Thứ Sáu, 21/09/2007, 00:00 - Chia sẻ
Trong quá trình triển khai các hoạt động của mình, để đảm bảo cho các quy trình và thủ tục vận hành có hiệu quả, Nghị viện nào cũng cần có cơ quan giúp việc như Văn phòng, Thư viện, các bộ phận giúp việc trong các ủy ban, chịu trách nhiệm bảo đảm các điều kiện về vật chất-kỹ thuật, thông tin, tổ chức và hành chính cho Nghị viện.

      Hàng năm bộ máy giúp việc của Nghị viện các nước phát triển phải xử lý một khối lượng công việc khổng lồ, với hàng trăm, có khi hàng ngàn dự luật, văn bản, đơn thư của công dân. Công việc của họ bao gồm ba mảng chính: cung cấp thông tin, dịch vụ nghiên cứu; Bảo đảm cho quy trình, thủ tục hoạt động của Nghị viện và các ủy ban diễn ra thông suốt, suôn sẻ; Phụ trách hành chính, quản trị, tài chính. Ở hầu hết các nước, các chuyên viên của Văn phòng Nghị viện có chế độ tuyển dụng, lương bổng riêng, không giống như công chức của các cơ quan Chính phủ. Mối quan hệ giữa chuyên viên văn phòng Nghị viện với các nghị sỹ, dù đó là nghị sỹ thường, vị Chủ nhiệm ủy ban, hay Chủ tịch Hạ viện đều không phải là mối quan hệ phục tùng hành chính giữa nhân viên-lãnh đạo, mà là quan hệ hợp tác để hỗ trợ về chuyên môn, nghiên cứu.

      Ở những nước mà thời lượng hoạt động của đại biểu không lớn và các kỳ họp Nghị viện không thường xuyên hoặc kinh phí hạn hẹp, Nghị viện thường chỉ tổ chức một văn phòng phục vụ chung. Ở những nước phát triển có số lượng đại biểu chuyên trách lớn, ngoài văn phòng chung còn có Ban thư ký cho các đảng phái. Nghị viện các nước này cũng dành một khoản kinh phí đáng kể để các nghị sỹ lập văn phòng riêng ở đơn vị bầu cử. Điều này giúp bảo đảm tính chất hoạt động thường xuyên và độc lập của nghị sỹ cũng như hoạt động của các nhóm đảng trong Nghị viện.  Một số nước như Mỹ,  Canada, Australia, Anh... chú trọng đến việc tổ chức văn phòng riêng của nghị sỹ. Các nhân viên giúp việc riêng của nghị sỹ thường gồm có ba nhóm: nhóm thứ nhất phụ trách phân tích và soạn thảo các dự luật, soạn các bài phát biểu, chuẩn bị những tài liệu giải trình quan điểm của nghị sỹ về một vấn đề nào đó; Nhóm thứ hai chịu trách nhiệm giữ quan hệ của nghị sỹ với đồng nghiệp, cử tri, các nhóm vận động hành lang; Nhóm thứ ba phụ trách quan hệ với truyền thông, báo chí, soạn thông cáo báo chí, tổ chức họp báo. 
      Một trong những nhiệm vụ quan trọng của bộ máy giúp việc là hỗ trợ hoạt động của các ủy ban. Tại những nước như Australia, Mỹ, mỗi ủy ban có một Ban thư ký riêng. Ngược lại, cũng có nước như Đan Mạch, Pháp, Nhật chỉ có một đơn vị phục vụ chung cho các ủy ban, đó là Vụ các ủy ban. Vụ này phân công chuyên viên phục vụ cho từng ủy ban. Luật Nghị viện một số nước quy định các ủy ban được quyền lựa chọn nhân sự cho Ban thư ký của mình, nhưng cũng có những Nghị viện lại giao cho Văn phòng Nghị viện tuyển chọn và tổ chức Ban thư ký phục vụ các ủy ban. Nhưng tựu trung lại, Ban thư ký các ủy ban đều nằm dưới sự phân công của các ủy ban về công việc và chịu sự quản lý của Văn phòng về nhân sự và chế độ.

Minh Thy