Điều chỉnh độ “vênh” giữa các quy định

- Thứ Năm, 06/08/2020, 05:33 - Chia sẻ
Để giảm thiểu chấn thương do tai nạn giao thông, việc thắt dây an toàn trên xe ô tô là rất quan trọng, nhất là khi mạng lưới đường cao tốc ngày càng được mở rộng, hạ tầng được cải thiện, tốc độ xe chạy tăng. Song, với những gì đang diễn ra trên thực tế, bên cạnh việc nâng cao ý thức của người điều khiển xe và người ngồi trên xe, cần thiết phải rà soát và sửa đổi lại các quy định, tránh tình trạng quy định này làm khó quy định kia.

Quy định bắt buộc 

Khi trang bị dây an toàn ở các vị trí người phía sau tài xế là nhà sản xuất đã có chủ đích nhằm bảo đảm an toàn cho người ngồi trên xe khi lưu thông. Ở các nước trên thế giới, quy định tất cả người ngồi trên xe phải thắt dây an toàn là yêu cầu bắt buộc khi tham gia giao thông.

Người điều khiển và người ngồi trên xe ô tô bắt buộc phải thắt dây an toàn.
Nguồn: ITN

Thông thường các dòng xe ô tô đời mới được trang bị hệ thống cảnh báo thắt dây an toàn, hệ thống này có thể phát ra âm thanh báo hiệu khi chưa thắt dây an toàn khi lên xe. Tuy nhiên, nhiều người sử dụng xe ô tô đã mua chốt cắm thay thế dây an toàn để lắp thẳng vào khe cắm có sẵn trên ô tô. Khi đó, hệ thống điện trên ô tô sẽ “bị đánh lừa”, nhận diện là dây an toàn đã được cắm và dừng phát cảnh báo.

Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới cũng cho thấy, thắt dây an toàn khi ngồi ở ghế trước giảm được tới 45 - 50% nguy cơ tử vong và từ 20 - 45% nguy cơ bị thương nghiêm trọng; thắt dây an toàn ở vị trí ghế sau giảm được từ 25 - 75% nguy cơ tử vong và bị thương khi tai nạn giao thông xảy ra; người ngồi trên xe không thắt dây an toàn có nguy cơ bật khỏi xe cao gấp 30 lần khi va chạm. Như vậy, khi tham gia giao thông, dù ngồi ở ghế trước hay ghế sau, khi xe xảy ra va chạm đều sẽ bị ảnh hưởng, thậm chí người ngồi ở hàng ghế sau lại bị ảnh hưởng nhiều hơn vì những người ngồi trước có thể chủ động và thấy được tình huống va chạm.

Việc thắt dây an toàn trên ô tô ở tất cả vị trí có trang bị dây đã được luật hóa từ năm 2008 tại Luật Giao thông đường bộ áp dụng cho người ngồi ở hàng ghế trước; sau đó, bổ sung áp dụng cho tất cả vị trí có trang bị dây an toàn trên xe. Tại Khoản 7, Điều 80 Nghị định 46/2016/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt cũng quy định, từ năm 2018, trong trường hợp người được chở ở hàng ghế phía sau trên xe ô tô không thắt dây an toàn (tại vị trí có trang bị dây an toàn) khi xe đang chạy thì tài xế bị phạt tiền từ 100.000 - 200.000 đồng.

Đặc biệt, Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt tiếp tục điều chỉnh tăng mức phạt đối với cả người điều khiển xe và người ngồi trên xe ô tô, nếu không chấp hành quy định này. Cụ thể, Khoản 5, Điều 11 nêu rõ, trong trường hợp người được chở trên xe ô tô không thắt dây an toàn (tại vị trí có trang bị dây an toàn) khi xe đang chạy thì bị phạt từ 300.000 - 500.000 đồng; nếu như chở người ngồi trên xe taxi không thắt dây an toàn, cả tài xế và người ngồi trên xe đều bị xử phạt.

Rà soát các quy định

Quy định pháp luật là vậy, nhưng trên thực tế thì còn nhiều vấn đề phải bàn. Đơn cử, dù đã có quy định xử phạt các trường hợp phải thắt dây an toàn tại các vị trí có trang bị dây, song hầu hết người điều khiển xe, đặc biệt là người ngồi trên xe ô tô ít khi chấp hành. Đặc biệt vẫn còn một bộ phận không nhỏ người đi ô tô chưa ý thức hết được tầm quan trọng của việc thắt dây an toàn và lỗi không thắt dây an toàn ở hàng ghế sau cũng ít được các lực lượng chức năng để ý hơn so với các hành vi là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông như tốc độ, rượu bia, ma túy, tránh vượt…

Điều này càng thấy rõ hơn khi số liệu xử lý vi phạm không thắt dây an toàn khi ngồi ở hàng ghế sau ít khi xuất hiện trong công tác thống kê về vi phạm giao thông. Đơn cử, trong số gần 2 triệu hành vi vi phạm bị cảnh sát giao thông xử lý trong 6 tháng đầu năm 2020, hành vi không thắt dây an toàn không có thống kê và cũng không hề được đề cập. Trong khi đó, theo ghi nhận, đa phần các nhà xe hay tài xế xe khách, xe hợp đồng chỉ nhắc nhở khách ngồi ở hàng ghế đầu phải thắt dây an toàn để đối phó với sự kiểm tra, còn hàng sau thì “kệ”.

Trong khi đó, liên quan đến vấn đề này, nhiều quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn. Chẳng hạn Nghị định 100/2019/NĐ-CP  quy định, xe 9 chỗ chở quá 2 người trở lên sẽ bị xử phạt từ 400 - 600.000 đồng mỗi người vượt quá. Điều này có nghĩa, nếu chở quá 1 người sẽ không bị xử phạt. Tương tự, xe chở quá từ 4 người trở xuống trên xe trên 30 chỗ sẽ không bị xử phạt. Nói cách khác, đối với những trường hợp chở quá số người này chắc chắn không có dây an toàn, chưa kể, khi chỗ ngồi bị xô lệch, các dây an toàn khác nhiều khả năng có cũng như không.

Phó Vụ trưởng Vụ An toàn giao thông, Tổng cục Đường bộ Việt Nam Phạm Minh Tâm cho rằng, bên cạnh việc người ngồi trên ô tô chưa ý thức hết được tầm quan trọng của việc thắt dây an toàn, khiến quy định thắt dây an toàn ở hàng ghế sau trên xe ô tô thường bị bỏ quên; chính độ “vênh” nhất định giữa các quy định khiến người dân khó thực hiện, như khi trên những xe chở vượt quá một số lượng trong giới hạn cho phép. Do đó, cùng với việc nâng cao ý thức của người ngồi trên xe, cần rà soát và sửa đổi, bổ sung các quy định cho phù hợp, tránh tình trạng quy định này làm khó quy định kia.

Hiểu Lam