Diện mạo mới, tâm thế mới

- Thứ Bảy, 02/11/2019, 08:46 - Chia sẻ
Diện mạo từng ngày “thay da, đổi thịt”, chất lượng cuộc sống người dân không ngừng được nâng cao là minh chứng cho sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước dành cho vùng DTTS và miền núi trong thời gian qua. Tại Kỳ họp thứ Tám, QH Khóa XIV lần này, sự quan tâm ấy tiếp tục được thể hiện sâu sắc, cụ thể hơn thông qua Đề án tổng thể phát triển KT - XH cho các vùng, địa phương đặc thù này với tầm nhìn chiến lược, dài hơi, có trọng tâm, trọng điểm. Với cử tri, kỳ vọng về một tương lai tươi sáng, một ngày mai những khoảng cách với vùng đồng bằng, thành thị được rút ngắn lại cũng đang dần hiện hữu.

Khép lại một giai đoạn với nhiều dấu ấn

Những ngày này, ở bản Lý Quáng (xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà, Quảng Ninh) nụ cười luôn hiện hữu trên môi từ cụ già đến em nhỏ. Nhờ sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, của tỉnh Quảng Ninh, hàng trăm hộ dân trong bản đã có nước sạch và điện lưới để sinh hoạt. Ông Chíu Chăn Thống (người dân trong bản) cho biết: Từ ngày có nước sạch đến tận nhà, điện lưới thắp sáng choang, cuộc sống người dân như bước sang trang mới. Cuộc sống bớt khó khăn, người dân trong bản đang tập trung nghiên cứu, học hỏi các mô hình chăn nuôi, phát triển kinh tế ở các địa phương trong tỉnh để áp dụng để cải thiện cuộc sống.

Niềm vui của người dân Lý Quảng có lẽ cũng là niềm vui chung của rất nhiều thôn, bản vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng có điều kiện ĐBKK không chỉ ở Quảng Ninh mà còn ở rất nhiều địa phương trong cả nước. Trong những năm qua, với sự quan tâm, đầu tư của Đảng, Nhà nước, vùng đồng bào DTTS và miền núi, vùng có điều kiện ĐBKK đang ngày càng có những sự phát triển vượt bậc, đời sống nhân dân không ngừng được nâng cao, khoảng cách chênh lệch vùng miền cũng có những sự thu hẹp đáng kể.

Khép lại một giai đoạn cả nước dồn lực cho khu vực miền núi, vùng ĐBKK phát triển, trong phiên thảo luận hội trường tại Kỳ họp thứ Tám sáng qua, các ĐBQH đã thảo luận, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết nhằm hoàn thiện Đề án tổng thể phát triển KT - XH vùng có điều kiện đặc thù này trong giai đoạn mới. Tinh thần, mục tiêu cao nhất mà các đại biểu hướng đến là: Định hình các giải pháp tổng thể, khắc phục những tồn tại, hạn chế, tập trung nguồn lực đầu tư phát triển toàn diện vùng DTTS và miền núi. Phiên thảo luận, được phát thanh, truyền hình trực tiếp không chỉ thu hút sự quan tâm của người dân vùng đồng bào DTTS, miền núi mà còn nhận được sự theo dõi sát sao của đội ngũ lãnh đạo chính quyền, những người làm công tác dân tộc ở các địa phương.

Theo dõi toàn bộ phiên thảo luận, cử tri Phạm Nghị (xã Ia Krai, huyện Ia Grai, Gia Lai) chia sẻ: Theo Đề án, đến hết năm 2025,  thu nhập bình quân của người DTTS tăng gấp 2,0 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm từ 3% đến 5%; tất cả các xã có đường ô tô đến trung tâm; 70% thôn, bản có đường ô tô đến trung tâm được cứng hóa; 80% thôn, bản có nhà sinh hoạt cộng đồng… “Nếu kết quả này đạt được thì thực sự khu vực miền núi và đời sống của đồng bào DTTS sẽ khác lắm. Mong sao, các chủ trương, định hướng của Nhà nước sẽ sớm được triển khai vào cuộc sống”, cử tri Phạm Nghị nói.

Cử tri Nguyễn Duy Hùng (xã Trung Môn, Yên Sơn, Tuyên Quang) thì cho biết: Những mục tiêu mà đề án đưa ra là hết sức ấn tượng. Tuy nhiên, muốn đạt được thì rất cần các giải pháp hiệu quả nhằm giúp đồng bào khơi dậy được nội lực, sự tự giác trong làm giàu, làm chủ. Muốn như vậy, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ bà con xây dựng các mô hình kinh tế hộ gia đình gắn với đặc thù của vùng miền núi… Song song đó, có các giải pháp huy động các nguồn lực nhằm đầu tư cơ sở hạ tầng; đào tạo, nâng cao trình độ sản xuất; triển khai áp dụng KH - CN vào canh tác, chăn nuôi.


Dạy nghề cho đồng bào DTTS được xem là một trong những giải pháp quan trọng trong phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi  
Ảnh: P. Nam

Cần có trọng tâm, trọng điểm và tầm nhìn dài hạn

Trước khi phiên thảo luận của QH về Đề án diễn ra, nhiều địa phương trong cả nước đã tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS các cấp. Báo cáo tại các Đại hội cho thấy, việc thực hiện Quyết tâm thư của Đại hội Đại biểu các DTTS; thực hiện công tác dân tộc và các phong trào thi đua yêu nước trong vùng đồng bào DTTS đã phát huy rất hiệu quả tinh thần, nội lực của các địa phương cũng như sự tự giác thoát nghèo, làm giàu trong người dân. Những thành tựu đạt được là vô cùng to lớn; khối đại đoàn kết toàn dân tộc không ngừng được củng cố, tăng cường. Dẫu vậy, phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi, vùng ĐBKK là một nhiệm vụ quan trọng, cần có trọng tâm, trọng điểm và tầm nhìn dài hạn.

Theo dõi phiên thảo luận, đại biểu HĐND tỉnh Quảng Ninh Sén Thị Hỷ đồng tình với quan điểm, cần thiết phải rà soát các chính sách còn chồng chéo để tháo gỡ. “Hiện nay, chúng ta có đến hơn 100 chính sách đang còn hiệu lực, trong đó có nhiều chính sách lớn. Chính vì vậy, việc đánh giá tác động cụ thể, sâu sắc về các chính sách hiện đang thực thi; xem xét có chính sách nào còn vướng mắc, chồng chéo, kém hiệu quả để có biện pháp khắc phục là vô cùng cần thiết”, bà Hỷ nhấn mạnh.

Cũng theo bà Hỷ, đề xuất của ĐBQH Đinh Thị Bình (Phú Thọ) tại phiên thảo luận nêu đề xuất “Chính phủ nên quy định chính sách khung, còn những chính sách cụ thể thì giao địa phương tự chủ nhằm có chính sách phù hợp với từng đối tượng khác nhau” cũng là một nội dung góp ý rất cần lưu tâm. Chia sẻ từ thực tế tại Quảng Ninh vừa qua, bà Hỷ cho biết: Cùng với việc triển khai, thực hiện các cơ chế, chính sách của Trung ương thông qua các chương trình 135, xây dựng NTM , chương trình giảm nghèo bền vững…, trên cơ sở thực tế địa phương, tỉnh Quảng Ninh cũng chủ động đề xuất và vận dụng linh hoạt các nguồn lực, dành cơ chế đặc biệt để thực hiện một số chính sách dân tộc trên địa bàn. Trong đó, Đề án 196 của tỉnh về nhiệm vụ, giải pháp đưa các xã, thôn ra khỏi diện ĐBKK, xuất phát từ chính mong muốn của người dân và các cấp ủy đảng, chính quyền, đã tạo sự đồng thuận lớn trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở, đã tạo sức bật mạnh mẽ về cơ sở hạ tầng và diện mạo kinh tế - xã hội tại khu vực các xã vùng khó khăn, DTTS và miền núi. Quan trọng nhất là đã nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân, qua đó kéo giảm khoảng cách giữa vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa với thành thị, nông thôn.

MẠNH TUÂN