Hệ thống ủy ban của Nghị viện Ấn Độ

Diễn đàn mở

- Thứ Bảy, 30/07/2016, 08:11 - Chia sẻ
Các ủy ban giám sát bộ, ngành hoạt động như một diễn đàn mở, nơi không chỉ nội bộ ủy ban mà cả các chuyên gia, nhiều thành phần trong xã hội có thể tham gia trao đổi ý kiến. Đây là cơ sở tạo nên những khuyến nghị chất lượng trình Nghị viện khiến Chính phủ không thể phớt lờ.

 Thành viên Chính phủ
không được nằm trong ủy ban

 Mỗi ủy ban thường trực giám sát bộ, ngành không có quá 31 thành viên, trong đó 10 thành viên do Chủ tịch Thượng viện lựa chọn và đề cử trong số các thượng nghị sĩ, 21 thành viên còn lại Chủ tịch Hạ viện đề cử trong số các hạ nghị sĩ. Các thành viên được lựa chọn theo nhiều nguyên tắc, trong đó có tỷ lệ số ghế của đảng mà nghị sĩ đó là thành viên nắm giữ, có tính tới việc phân bổ số lượng ghế phù hợp cho các nghị sĩ tự do. Thành viên Chính phủ đương nhiệm không thể là thành viên ủy ban.

Các ủy ban giám sát bộ, ngành hoạt động như một diễn đàn mở, trong đó các nghị sĩ có thể tự do thể hiện quan điểm của mình, cũng như lắng nghe ý kiến của nhiều thành phần trong xã hội để có cái nhìn toàn diện hơn và suy xét đến nhiều khía cạnh của một đề xuất chính sách. Bên cạnh đó, các ủy ban có quyền và thường tổ chức các chuyến làm việc trên thực địa tới cả những vùng xa xôi nhất, trực tiếp trao đổi với các bên có quyền lợi liên quan, nhằm đưa ra đánh giá toàn diện nhất. Đây cũng là cách hiệu quả để đối chiếu kết quả triển khai các chương trình và quyết sách của Chính phủ giữa báo cáo và thực tế.

Theo luật, sau khi ủy ban đã trình báo cáo giám sát lên Nghị viện, Chính phủ phải có động thái phản hồi rõ ràng. Trong vòng 3 tháng, bộ, ngành là đối tượng của báo cáo phải trình Nghị viện bản Động thái trả lời. Văn bản này sẽ được Ban Thư ký xem xét kỹ. Nếu phát hiện bộ, ngành đó thiếu quan tâm tới các khuyến nghị, hay không đưa ra lý do hợp lý cho việc tại sao phớt lờ các khuyến nghị, vấn đề sẽ được trả lại cho ủy ban xem xét. Quan điểm phản hồi của ủy ban sẽ được hợp thành Báo cáo về động thái trả lời, trình lên Nghị viện.

Để tránh trường hợp bộ, ngành phớt lờ khuyến nghị của các ủy ban, trong đợt cải cách hệ thống ủy ban của Nghị viện tháng 9.2004, Nghị viện đã bổ sung quy định các bộ trưởng, trong vòng 6 tháng, phải báo cáo trước Nghị viện về tình hình thực hiện các khuyến nghị trong báo cáo của ủy ban giám sát bộ đó. Điều này không chỉ giúp bảo đảm trách nhiệm của nhánh hành pháp trước Nghị viện, mà còn giúp Nghị viện và người dân biết phản ứng của Chính phủ trước các khuyến nghị của các ủy ban.

Tuy nhiên, sau nhiều năm hoạt động, hiện Nghị viện cũng nhận ra nhược điểm trong cách hoạt động của các ủy ban giám sát bộ, ngành: báo cáo của các ủy ban chủ yếu dựa khá nhiều vào ý kiến của các chuyên gia, và ít có khả năng tập hợp được toàn bộ quan điểm của người dân. Đó là do các ủy ban hiện nay thiếu nhân lực, vật lực để tiến hành những nghiên cứu ở tầm vĩ mô. Đã có nhiều nỗ lực nhằm phát triển đội ngũ hỗ trợ cho các nghị sĩ, với mục tiêu là mỗi nghị sĩ đều nhận được sự trợ giúp cá nhân, nhưng hiện đây vẫn là trở ngại khá lớn trong hoạt động của các ủy ban.

Băng Tâm