Diễn đàn đối thoại quốc gia về hỗ trợ tài chính dựa vào dự báo

- Thứ Hai, 04/11/2019, 17:18 - Chia sẻ
Ngày 4.11, tại Hà Nội, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam phối hợp với Hội Chữ thập đỏ Đức, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) tổ chức Diễn đàn đối thoại quốc gia về hỗ trợ tài chính dựa vào dự báo (Forecast-based Financing - FbF).

Diễn đàn năm nay được tổ chức nhằm quy tụ, thiết lập một mạng lưới các cơ quan, ban, ngành, các chuyên gia, nhà khoa học, để cùng đạt được nhận thức chung về cách thức FbF có thể đóng góp cho việc nâng cao khả năng chống chịu của cộng đồng trước thiên tai. Diễn đàn cũng nhằm chia sẻ, trao đổi những kinh nghiệm về FbF giữa các cơ quan, tổ chức trong nước và quốc tế. Thông qua các phiên thảo luận, các đại biểu sẽ cùng xây dựng lộ trình hướng đến thể chế hóa cách tiếp cận hỗ trợ tài chính dựa vào dự báo tại Việt Nam. 


Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm tại diễn đàn.
Hỗ trợ tài chính dựa vào dự báo là cách tiếp cận mới - dựa trên thông tin dự báo và phân tích rủi ro thiên tai có thể sử dụng nguồn kinh phí để thực hiện hành động sớm cho hoạt động nhân đạo. Cách tiếp cận FbF hướng tới tối ưu hóa việc ứng dụng công nghệ, dữ liệu, thông tin dự báo thời tiết từ mạng lưới toàn cầu và trong nước để triển khai hành động, ứng phó sớm trước khi thảm họa xảy ra, nhằm bảo vệ tính mạng, tài sản, sinh kế của các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương. FbF được coi là cách tiếp cận hiệu quả góp phần nâng cao khả năng chống chịu của cộng đồng trước thiên tai; giúp thúc đẩy sự hợp tác giữa các nhà khoa học, chính phủ các quốc gia, các viện nghiên cứu và khối tư nhân nâng cao tính hiệu quả trong công tác dự báo, chuẩn bị sẵn sàng, ứng phó với các rủi ro thiên tai ngày càng gia tăng. 

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam Nguyễn Thị Xuân Thu cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia thường xuyên chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi thiên tai và biến đổi khí hậu toàn cầu. Hằng năm, có khoảng 300 người chết và mất tích bởi thiên tai, thiệt hại về kinh tế khoảng 1-1,5% GDP (tổng thu nhập quốc dân). Diễn biến thiên tai ngày càng phức tạp với tần suất và cường độ ngày càng nhiều, dẫn đến số lượng người cần trợ giúp tăng lên, trong khi nguồn lực có xu hướng giảm.

Hội luôn xác định công tác tác phòng ngừa, ứng phó thảm họa là một trong những nhiệm vụ trọng tâm chiến lược. Những năm qua, Hội đã tham gia tích cực, hiệu quả vào đề án 1002 của Chính phủ về "Nâng cao nhận thức cộng đồng về quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng"; thành lập đội ứng phó thảm họa quốc gia, 33 đội ứng phó thảm họa cấp tỉnh, 330 đội ứng phó thảm họa cấp xã. Hội đã trồng, chăm sóc 24.000 ha rừng ngập mặn tại 11 tỉnh, thành; xây dựng trên 30.000 nhà chữ thập đỏ và nhà phòng chống bão lũ; duy trì 44 trung tâm phòng ngừa ứng phó thảm họa và 26 trạm ứng phó khẩn cấp…

Kể từ Diễn đàn đối thoại Khu vực châu Á-Thái Bình Dương lần đầu tiên được tổ chức tại Hà Nội vào năm 2017, số lượng các dự án FbF đang được triển khai trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương tăng lên đáng kể. FbF đã, đang được triển khai tại 16 quốc gia trên thế giới, riêng tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương có 6 quốc gia đang thực hiện thí điểm gồm: Bangladesh, Mông Cổ, Nepal, Philippines, Quần đảo Solomon, Việt Nam...
 
Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã và đang áp dụng thí điểm cách tiếp cận FbF trong dự án "Sẵn sàng với FbF" (từ năm 2017 đến nay), nhằm triển khai hoạt động sớm ứng phó với nắng nóng ảnh hưởng tới các nhóm dễ bị tổn thương (người cao tuổi, trẻ em, thợ xây, xe ôm, người bán hàng rong, ...) ở Hà Nội và Đà Nẵng. Các hoạt động ứng phó sớm là: Thiết lập điểm trú tránh nắng, xe buýt tránh nắng có trang bị khăn mát, quạt, nước uống miễn phí...
 
Hội cũng xây dựng Khung kế hoạch hành động về hỗ trợ tài chính dựa vào dự báo, hỗ trợ 21 tỉnh, thành Hội xây dựng bản đồ dự báo tác động của thiên tai. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam cũng đang hoàn thiện khung kế hoạch hành động về hỗ trợ tài chính dựa vào dự báo và đưa cách tiếp cận FbF vào trong định hướng chiến lược phát triển Hội đến năm 2030.

Theo TTXVN