Chính trường Áo

Diễn biến bất ngờ

- Thứ Tư, 29/05/2019, 08:20 - Chia sẻ
Hôm qua, 28.5, Tổng thống Áo Alexander Van der Bellen đã bãi nhiệm Chính phủ liên bang. Chính phủ tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ của mình dưới sự lãnh đạo tạm thời của Phó Thủ tướng Hartwig Loger cho đến khi Nội các mới ổn định. Tổng thống cũng sớm chỉ định Thủ tướng mới để thành lập Chính phủ cho đến khi diễn ra cuộc bầu cử dự kiến vào tháng 9 tới.

Nhanh nở có chóng tàn?

Động thái trên của Tổng thống Áo diễn ra sau cú ngoặt bất ngờ trên chính trường nước này. Vừa qua, Quốc hội đã bỏ phiếu thông qua bản kiến nghị bất tín nhiệm đối với Chính phủ của Thủ tướng Sebastian Kurz, người trở thành lãnh đạo trẻ nhất thế giới khi mới 31 tuổi. Bản kiến nghị trên đã nhận được sự ủng hộ của các nghị sĩ thuộc đảng Dân chủ xã hội và đảng Tự do Áo (FPO) cực hữu từng liên minh với ông Kurz. Sau khi Chủ tịch FPO đồng thời là Phó Thủ tướng trong Chính phủ liên minh, ông Heinz-Christian Strache, buộc phải từ chức vì bê bối chính trị, Thủ tướng Kurz đã chấm dứt liên minh với FPO và dẫn đầu một Chính phủ thiểu số chỉ nắm giữ 1/3 số ghế Quốc hội. Được biết, Chính phủ mới có thể được chỉ định vào thứ Sáu tới.

Ông Sebastian Kurz đã ghi tên mình là Thủ tướng đầu tiên của Áo từ sau Thế chiến thứ 2 bị phế truất bằng bỏ phiếu bất tín nhiệm. Từng giữ kỷ lục là nhà lãnh đạo trẻ nhất nhưng nay ông tiếp tục lại phá kỷ lục là Thủ tướng tại vị ngắn nhất, vỏn vẹn 525 ngày. Trên thực tế, bỏ phiếu bất tín nghiệm diễn ra phổ biến trong nền chính trị nước này, nhưng đây là lần đầu tiên biện pháp đó thành công ở lịch sử hiện đại… Trước đây, các đảng phái đối lập từng nỗ lực và thất bại tới 185 lần trong việc “lật đổ” Chính phủ hoặc buộc Thủ tướng phải từ chức.

Đây quả là sự thật phũ phàng đối với một chính trị gia trẻ trung có sự thăng tiến nhanh chóng trên chính trường như ông Kurz. Thông minh, lôi cuốn và ăn nói lưu loát, ông Kurz đã lọt vào mắt xanh của các nhà lãnh đạo Đảng Nhân dân Áo (OVP) khoảng một thập kỷ trước khi được bầu làm chủ tịch khối thanh niên của đảng khi còn ở trường luật. Không lâu sau đó, cựu sinh viên luật đã vụt lên thành ngôi sao sáng và tiến tới nắm giữ vị trí Ngoại trưởng trẻ nhất trong lịch sử khi mới 27 tuổi. Đến cuối năm 2017, ông trở thành Thủ tướng trẻ nhất Áo, cầm quyền trong liên minh với FPO.

Mặc dù vừa bị “truất ngôi”, nhưng ông Kurz vẫn tỏ ra mạnh mẽ, đồng thời tuyên bố ông và OVP sẽ nỗ lực chiến đấu để giành lại vị trí của mình trong cuộc bầu cử tới. Phát biểu trước đám đông cổ vũ bên ngoài văn phòng đảng ở Vienna, ông cam kết “những thay đổi mà chúng tôi bắt đầu hai năm trước sẽ không kết thúc vào hôm nay”. Hiện tại, chính trị gia trẻ tuổi này đang mất đi lợi thế trong chiến dịch tranh cử sắp tới với tư cách là Thủ tướng đương nhiệm. Tuy nhiên, ông vẫn còn được nhiều sự ủng hộ, thể hiện qua việc OVP trong cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu vừa qua nhận được 34,9% phiếu bầu, tăng gần 8 điểm phần trăm so với năm 2014. Trong khi đó, Đảng Dân chủ xã hội chỉ giành được 23,6% và Đảng Tự do đạt 17,2%. Điều này có nghĩa ông Kurz vẫn có khả năng trở lại ghế sau cuộc bầu cử tháng 9 nếu OVP vẫn giữ vững phong độ là đảng mạnh nhất nước Áo.

Nguyên nhân sâu sa

Lý do khiến Thủ tướng Kurz bị phế truất là vụ bê bối video liên quan đến Phó Thủ tướng Heinz Christian Strache, lãnh đạo FPO cực hữu thuộc liên minh cầm quyền, và cháu gái nhà tài phiệt Nga. Hôm 17.5, các báo Đức Suddeutsche Zeitung và Spiegel đã đăng đoạn video quay ở một villa sang trọng tại hòn đảo nghỉ dưỡng Ibiza (Tây Ban Nha) trong thời điểm chỉ vài tháng trước khi Áo bước vào cuộc bầu cử Quốc hội năm 2017. 

Trong video đó, ông Strache thảo luận và hứa hẹn chính trị với một phụ nữ Nga tự xưng là Alena Makarova và dường như là cháu gái của một tài phiệt Nga. Cụ thể là, ông Strache đề nghị người phụ nữ trên đầu tư nhiều triệu euro vào Kronen Zeitung, tờ báo bình dân có nhiều người đọc nhất nước Áo, để định hướng cho tờ này thân FPO. Đáp lại, ông Strache hứa hẹn sẽ dành các dự án công cho đối tác này, một khi FPO tham gia Chính phủ. Scandal cực lớn đó lập tức gây chấn động toàn nước Áo, khiến Thủ tướng phải chấm dứt liên minh với FPO, đồng thời trình đề nghị Tổng thống cho bầu cử sớm. Hồi tháng 4, Chính phủ liên minh Áo từng lao đao trước bê bối cũng liên quan đến FPO khi thành viên của đảng này là Christian Schilcher viết một bài thơ ví người nhập cư với… chuột. Và chỉ 10 ngày đất nước rơi vào khủng hoảng chính trị sau “vụ áp phe Ibiza”, kiến nghị bất tín nhiệm Chính phủ đã được phe đối lập Dân chủ xã hội trình lên Quốc hội.

Mặc dù bản thân ông Kurz không liên quan đến vụ bê bối, nhưng điều đó đã khiến phe đối lập đặt ra câu hỏi về phán quyết lạnh lùng của ông với liên minh phe cực hữu. Thủ tướng cũng phải đối mặt với nhiều chỉ trích vì đã không tìm kiếm một giải pháp liên đảng cho cuộc khủng hoảng. Trong khi đó, nhiều nhà phân tích lại tin rằng, nguyên nhân thực sự khiến đảng Dân chủ xã hội muốn “loại bỏ” ông Kurz ngay lập tức bằng biện pháp bất tín nhiệm thay vì chờ đến bầu cử sớm là vì họ lo lắng vị thế của một Thủ tướng sẽ khiến ông có lợi thế không công bằng trong chiến dịch bầu cử sắp tới.

Ngọc Minh