Dự án Khu Du lịch văn hóa và nghỉ dưỡng Lạc Thủy

Điểm nhấn trong kết nối và phát triển du lịch

- Thứ Năm, 24/10/2019, 08:34 - Chia sẻ
Với tiềm năng phát triển du lịch lớn, huyện Lạc Thủy, Hòa Bình chủ trương chuyển dịch cơ cấu nông lâm nghiệp sang dịch vụ du lịch, phấn đấu đến năm 2025 đưa nơi đây trở thành khu du lịch quốc gia. Phát triển du lịch bền vững được đánh giá là bước phát triển, giúp nâng cao đời sống kinh tế xã hội của địa phương.

Lạc Thủy là huyện trung du của tỉnh Hòa Bình với diện tích trên 31 nghìn hecta, có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch địa phương bởi tập trung nhiều tín ngưỡng tâm linh gắn với cội nguồn của người Mường và người Việt cổ. Trong đó, xã Phú Lão có nhiều di tích văn hóa, tín ngưỡng, lễ hội của người Mường, người Thái, đặc biệt là Quần thể di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh hang động Chùa Tiên, có thể trở thành điểm nhấn trong phát triển dịch vụ, du lịch của huyện.


Phối cảnh Dự án Khu du lịch văn hóa và nghỉ dưỡng Lạc Thủy

Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Thủy Dương Văn Hào cho biết, huyện chủ trương tạo điều kiện phát triển, chuyển dịch cơ cấu nông lâm nghiệp sang dịch vụ du lịch chiếm khoảng 40%. “Chúng tôi quyết tâm đến 2025 trở thành khu du lịch quốc gia vì địa phương rất thuận lợi kết nối các tour du lịch, các điểm du lịch lớn như chùa Hương, chùa Bái Đính, chùa Vân Long, Tam Chúc, khu du lịch Kim Bôi...”.

Hiện nay, mỗi năm có khoảng 600 nghìn du khách tới thăm quần thể di tích chùa Tiên ở xã Phú Lão. Tuy nhiên, thời gian lưu trú của du khách ngắn, chủ yếu là trong ngày do chưa có hệ thống cơ sở hạ tầng đáp ứng đủ nhu cầu ăn nghỉ.  “Chúng tôi đang đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ lưu trú để tạo điều kiện cho khách du lịch đến lưu trú, ăn nghỉ, tham quan học tập”, ông Dương Văn Hào cho biết.

“Từ chủ trương, định hướng như thế, các công ty, đi đầu là Tập đoàn Thái Bình Dương đang vào đầu tư sẽ là khởi nguồn tạo điều kiện giải quyết lao động nhàn rỗi cho địa phương. Chúng tôi đồng hành với các công ty, doanh nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp đầu tư kinh doanh để đưa Lạc Thủy phát triển”, ông Hào khẳng định. 

Dự án Khu du lịch văn hóa và nghỉ dưỡng Lạc Thủy tại xã Phú Lão do Công ty TNHH MTV Pacific - Hòa Bình (thành viên Tập đoàn Thái Bình Dương) đầu tư nhằm phục vụ nhu cầu tìm hiểu văn hóa, tham quan lễ hội, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, chăm sóc sức khỏe, thương mại dịch vụ của khách du lịch và nhân dân địa phương. Theo quy hoạch được duyệt, toàn bộ các hạng mục của Dự án đều tập trung vào lĩnh vực văn hóa và nghỉ dưỡng, bao gồm những khu chính như: Công viên Một thoáng Việt Nam, Bảo tàng Nguồn cội, Khu phục hồi sức khỏe kiểu Nhật, Khu khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng (Dự án không có hạng mục liên quan đến tâm linh)...  Khi đi vào hoạt động, dự án sẽ đón khoảng 10 nghìn lượt khách/ngày, tương đương 3 triệu lượt khách/năm, giúp thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển.

Cùng với Khu du lịch văn hóa và nghỉ dưỡng Lạc Thủy, dự án Tuyến cáp treo Hương Bình cũng đang hình thành để nối liền hai vùng lễ hội có bề dày về văn hóa và các lễ hội truyền thống của Hà Nội và Hòa Bình, giúp kéo gần không gian địa lý, rút ngắn thời gian đi lại và tạo cơ hội cho khách du lịch khám phá sự độc đáo của cảnh sắc thiên nhiên và nét đặc trưng trong văn hóa của hai địa phương, góp phần thúc đẩy sự kết nối về văn hóa, phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch của Hà Nội, Hòa Bình và vùng lân cận.   


Toàn bộ hạng mục của Dự án Khu du lịch văn hóa và nghỉ dưỡng Lạc Thủy đều tập trung vào lĩnh vực văn hóa và nghỉ dưỡng, gồm những khu chính như: Công viên Một thoáng Việt Nam, Bảo tàng Nguồn cội, Khu phục hồi sức khỏe kiểu Nhật, Khu khách sạn, biệt thự nghỉ dưỡng (Dự án không có hạng mục liên quan đến tâm linh)

Nhiều năm qua, đời sống của đa số người dân tại xã Phú Lão còn gặp khó khăn do thu nhập chính vẫn trông chờ vào 1 - 2 vụ lúa và hoạt động kinh doanh phục vụ lễ hội 3 tháng đầu năm. Thu nhập từ sản xuất nông nghiệp không cao nên nhiều diện tích đất hiện bị người dân bỏ hoang. Ông Giang Đức Minh, Bí thư Đảng Ủy, Chủ tịch UBND xã Phú Lão thông tin thêm: “Phú Lão là xã miền núi, thuần nông, có nhiều khó khăn. Đất lúa mỗi năm chỉ làm được 2 vụ, có năm chỉ được 1 vụ nhưng năng suất rất thấp. Thậm chí có năm các hộ để hoang vì canh tác còn bị lỗ, thu nhập của người dân còn thấp”. Bà Nguyễn Thị Linh, sống gần khu vực chùa Tiên, chia sẻ: “Trong năm có 3 tháng lễ hội thôi. Nếu có những khu du lịch về đây mở rộng chúng tôi cũng tham gia cải thiện đời sống thì mừng quá”.

Tại Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ 24 nhiệm kỳ 2015 - 2020, Lạc Thủy đề ra mục tiêu đến hết nhiệm kỳ, thu nhập bình quân của người dân đạt 52 triệu/người/năm. Với sự góp mặt của ngành dịch vụ du lịch, người dân sẽ có thêm nhiều việc làm và nâng cao thu nhập, từ đó góp phần làm thay đổi diện mạo kinh tế xã hội của địa phương có nhiều tiềm năng như Lạc Thủy. 

Lê Hùng