Ngành công nghiệp ô tô Việt Nam

Đi sau Thái Lan, Indonesia 20 năm

- Thứ Sáu, 25/10/2019, 07:45 - Chia sẻ
Ngành công nghiệp ô tô nước ta hiện đi sau các nước trong khu vực khoảng 20 năm, nếu không có chính sách hỗ trợ đột phá và cụ thể thì 10 năm nữa họ vẫn đi trước, Trưởng ban chính sách của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA) Nguyễn Trung Hiếu nhận xét.

Cả nước có 358 doanh nghiệp liên quan đến ô tô

Tại hội thảo “Hoàn thiện chính sách thuế và hỗ trợ tài chính thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô và phụ tùng ô tô” vừa diễn ra, ông Nguyễn Trung Hiếu, Trưởng ban chính sách của VAMA, cho biết vài năm trở lại đây ngành công nghiệp ô tô nước ta phát triển khá nhanh. Tốc độ tăng trưởng trung bình xe sản xuất lắp ráp trong nước giai đoạn 2015 - 2018 đạt 10%. Hết năm 2018, cả nước có 358 doanh nghiệp sản xuất liên quan đến ô tô, trong đó có 50 doanh nghiệp lắp ráp, 45 doanh nghiệp sản xuất khung gầm, thân xe, 214 doanh nghiệp sản xuất linh kiện, phụ tùng ô tô… Tuy vậy, những con số này vẫn thấp hơn so với các nước trong khu vực. Hơn nữa, ngành sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước vẫn chưa đạt được tiêu chí của ngành sản xuất ô tô thực sự vì phần lớn mới ở mức độ lắp ráp đơn giản. Dây chuyền sản xuất chủ yếu chỉ gồm 4 công đoạn chính là hàn, sơn, lắp ráp, kiểm tra. Sự hợp tác, liên kết và chuyên môn hóa giữa các doanh nghiệp trong sản xuất, lắp ráp ô tô và sản xuất phụ tùng linh kiện chưa có và cũng chưa hình thành được hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện quy mô lớn. So với các nước như Thái Lan, Indonesia, ngành công nghiệp ô tô nước ta đang đi sau khoảng 20 năm, ông Hiếu nhận xét.

Theo đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), các doanh nghiệp trong ngành công nghiệp ô tô rất khó khăn trong tiếp cận các nguồn lực, nhất là vốn tín dụng. Theo quy định hiện hành, doanh nghiệp nhỏ và vừa có dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển khi vay vốn tại các tổ chức tín dụng sẽ được bảo lãnh tín dụng bởi một số tổ chức bảo lãnh tín dụng được quy định, trong đó có Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB). Tuy nhiên đến nay, không có doanh nghiệp nào được bảo lãnh vay và vay vốn qua VDB. Trong khi đó, doanh nghiệp FDI hoạt động trong cùng lĩnh vực thường vay vốn từ công ty mẹ hoặc ngân hàng nước ngoài với lãi suất chỉ 1 - 3%, còn doanh nghiệp trong nước phải vay với lãi suất 8 - 10%. Mức chênh lệch lãi suất lớn như vậy cũng triệt tiêu sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước.

Tương tự, Nghị định 111/2015/NĐ-CP quy định những ưu đãi về miễn giảm tiền thuê đất, tiền thuê mặt nước cũng như việc xử lý ô nhiễm, bảo vệ môi trường của các dự án sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ thuộc Danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển, đặc biệt là cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tuy nhiên, trong pháp luật về đất đai và môi trường không có các quy định đặc thù và rõ ràng về các ưu đãi này nên chưa có doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ nào tiếp cận được.

Bên cạnh đó, theo phản ánh của Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Hỗ trợ Việt Nam Trương Thị Chí Bình, chất lượng các chính sách phát triển công nghiệp trong thời gian qua chưa cao, chưa phù hợp với doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ. Ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước đang gặp bất lợi về giá thành do chi phí sản xuất cao hơn các nước - mà nguyên nhân là công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển, chủ yếu nhập khẩu linh kiện ở nước ngoài... Nếu tự sản xuất được linh kiện sẽ vừa góp phần giảm giá thành sản xuất, vừa giúp tạo giá trị gia tăng cho ngành phụ trợ ô tô trong nước, bà Bình nói.

Đề xuất gói tín dụng ưu đãi 100 nghìn tỷ đồng

Trưởng ban chính sách của VAMA cho rằng, nếu ngành công nghiệp ô tô nước ta không có được những chính sách khuyến khích đột phá, hỗ trợ cụ thể và thiết thực thì 10 năm nữa vẫn đi sau các nước trong khu vực.

Một trong những cách hỗ trợ theo đề xuất của đại diện Cục Công nghiệp, Bộ Công thương là nên hình thành gói tín dụng ưu đãi khoảng 100 nghìn tỷ đồng với cơ chế tương tự như gói tín dụng phát triển nông nghiệp công nghệ cao để phát triển ngành công nghiệp, trong đó ưu tiên về tín dụng cho phát triển công nghiệp hỗ trợ. Cùng với đó, khuyến khích các tổ chức tín dụng có những sản phẩm phù hợp với doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, tư vấn các giải pháp tài chính phù hợp với đặc thù của những doanh nghiệp này.

Ngoài ra, đại diện Bộ Tài chính cho rằng cần thiết xây dựng chính sách ưu đãi thuế nhập khẩu đối với nguyên liệu, vật tư, linh kiện để sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ, ưu tiên phát triển cho ngành sản xuất, lắp ráp ô tô giai đoạn 2019 - 2023. Bên cạnh đó, cần sớm xây dựng các trung tâm kỹ thuật hỗ trợ công nghiệp tại các vùng kinh tế trọng điểm, hỗ trợ đổi mới sáng tạo cho các doanh nghiệp. Mở rộng các hoạt động hợp tác quốc tế, đặc biệt là với các tập đoàn đa quốc gia có trụ sở lắp ráp tại Việt Nam, để xúc tiến kết nối chuỗi giá trị.

An Thiện