Đề xuất nâng tuổi đại biểu Quốc hội chuyên trách

- Thứ Sáu, 15/11/2019, 08:37 - Chia sẻ
Phát biểu tại phiên thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội, ĐBQH Ngọ Duy Hiểu (TP Hà Nội) đề xuất hai nội dung hết sức quan trọng, đó là việc nâng tỷ lệ số lượng ĐBQH chuyên trách và nghiên cứu việc chia nhỏ số kỳ họp trong năm.

Tránh công chức hóa ĐBQH chuyên trách

Phát biểu tại hội trường, ĐBQH Ngọ Duy Hiểu bày tỏ sự đồng tình với sự cần thiết của việc sửa đổi Luật Tổ chức Quốc hội để thể chế hóa tinh thần Nghị quyết 18 của Ban Chấp hành Trung ương về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Từ đó khắc phục những hạn chế, bất cập của thực tiễn thi hành luật và đặc biệt hướng tới mục tiêu đó là đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội. Nếu như muốn đạt được mục tiêu trên, ĐB cho rằng cần nâng cao tỷ lệ ĐBQH chuyên trách.


Đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu phát biểu tại hội trường Ảnh: Q. Khánh

Để có thể giải được “bài toán” về nguồn ĐBQH chuyên trách liệu có bảo đảm được không, ĐB Ngọ Duy Hiểu cho rằng vấn đề này chúng ta không cần phải lo lắng bởi nếu chúng ta phải hình thành được những cơ chế, chính sách hấp dẫn thì sẽ thu hút được những người có trình độ, năng lực và đủ tiêu chuẩn làm ĐBQG. Muốn làm được điều này, ĐBQH Ngọ Duy Hiểu đề xuất 2 giải pháp. Trước hết, cần nghiên cứu cơ chế để không công chức hóa ĐBQH chuyên trách - điều này giúp chúng ta thu hút được lực lượng những người trí thức, nhà khoa học giỏi, luật sư có trình độ, có tâm huyết... muốn đóng góp cho Quốc hội để họ có thể về làm ĐBQH chuyên trách. “Một giáo sư đại học sau khi về hưu có mong muốn đóng góp cho Quốc hội thì có thể trở thành ĐBQH chuyên trách. Chúng ta có chế độ trả công, khi họ không bảo đảm yêu cầu thì họ có thể bãi nhiệm, miễn nhiệm, thay bằng việc hiện nay chúng ta đang công chức hóa nó thành một rào cản để thu hút những người thực sự giỏi, tâm huyết muốn xây dựng đất nước. Đây là khía cạnh chúng ta phải quan tâm trong bối cảnh chúng ta lo về nguồn” - ĐB Ngọ Duy Hiểu nhấn mạnh.

Ngoài ra, ĐB cho rằng cần phải nâng tuổi ĐBQH chuyên trách bởi trên thực tế, nhiều ĐBQH chuyên trách hiện nay tuy lớn tuổi nhưng lại được mọi người đánh giá rất cao về trình độ, kinh nghiệm, sự thẳng thắn, trải nghiệm rất sâu sắc ở nghị trường. Khi những ĐB này nghỉ sẽ là một sự hẫng hụt, vì thế cần phải hình thành cơ chế để thu hút những ĐB lớn tuổi này ở lại làm việc. “Đề nghị Quốc hội nghiên cứu để có giải pháp thu hút được những ĐBQH còn tâm huyết, năng lực, uy tín và sức khỏe để phục vụ Quốc hội, phục vụ nhân dân. Theo tôi đây là tài sản vốn quý của Quốc hội, cũng là những chỗ tin cậy của cử tri” - ĐB Ngọ Duy Hiểu đề xuất.

Chia nhỏ số kỳ họp trong một năm

Liên quan đến đề xuất về số kỳ họp trong một năm của một số đại biểu, ĐB Ngọ Duy Hiểu cho rằng cần nghiên cứu để có thể thiết kế 4 kỳ họp trong một năm, mỗi kỳ có thể khoảng 2 tuần. Theo ĐB, với phương thức này có thể giải quyết và xử lý kịp thời những nhiệm vụ của Đảng, Quốc hội và Chính phủ trong bối cảnh hiện nay, nhất là sự phát triển rất mau lẹ của tình hình chính trị, kinh tế - xã hội. Đồng thời, ngay khi xuất hiện những vấn đề bức xúc của cử tri thì chúng ta có thể đưa ngay ý kiến này đến diễn đàn nghị trường bởi có những vấn đề bức xúc vào đầu tháng 7 nhưng phải đến 5 tháng sau Quốc hội mới họp, vào đến nghị trường lại xuất hiện những vấn đề khác nổi cộm hơn, khiến nội dung này bị cũ và “nguội”.

Ngoài ra, do hầu hết các ĐBQH hiện chủ yếu kiêm nhiệm, mà đã kiêm nhiệm thì nhiệm vụ chuyên môn đương nhiên phải là chủ yếu. Vì vậy, khi chúng ta thiết kế kỳ họp diễn ra khoảng 2 tuần thì các ĐBQH cũng sẽ dễ dàng trong việc sắp xếp, bố trí, thiết kế thời gian để thực hiện công việc của mình, tránh việc ĐB phải vắng mặt nhiều ở các kỳ họp của Quốc hội. “Tôi cho rằng việc thiết kế kỳ họp cần được cũng nghiên cứu sao cho khoa học,phù hợp trong mối quan hệ với các Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương để sau đó chúng ta còn thực hiện các nhiệm vụ của các Hội nghị Trung ương đặt ra” - ĐB Ngọ Duy Hiểu lưu ý.

LONG HUỲNH