Giảm 30% thuế thu nhập cho tất cả doanh nghiệp

“Đề xuất không thực tế”

- Thứ Năm, 17/09/2020, 08:54 - Chia sẻ
Chỉ có 2% doanh nghiệp chưa bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân đề xuất giảm 30% thuế thu nhập năm 2020 cho các doanh nghiệp thay vì chỉ áp dụng với doanh nghiệp có doanh thu dưới 200 tỷ đồng. Các chuyên gia cho rằng, đề xuất này phải được xem xét cẩn trọng dựa trên khảo sát, điều tra khách quan, nghiêm túc, bởi ngân sách đang eo hẹp, nếu miễn giảm thuế tràn lan thì lấy gì để chi?

Ngân sách sẽ tổn thất rất lớn

Sau khi dịch Covid-19 bùng phát trở lại vào cuối tháng 7, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính khảo sát lần 3 với gần 400 doanh nghiệp và 15 hiệp hội về những khó khăn đang phải gánh chịu để trình Thủ tướng. Kết quả cho thấy, 20% doanh nghiệp đã dừng hoạt động, 76% doanh nghiệp không cân đối được thu chi và 2% doanh nghiệp đã giải thể, chỉ có 2% doanh nghiệp tạm thời chưa bị ảnh hưởng do đại dịch.

Cũng theo Ban IV, những khó khăn lớn nhất doanh nghiệp phải đối mặt trong hiện tại và những tháng tới là: không có khách hàng, đơn hàng, hợp đồng tiêu thụ sản phẩm, dịch vụ (chiếm 81% câu trả lời); bảo đảm tiền trả lương, đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, kinh phí công đoàn (72%); trả tiền vay ngân hàng cả gốc và lãi (53%); trả tiền điện nước - nhiên liệu đầu vào (45%) và trả tiền thuê kho bãi, nhà xưởng, văn phòng, thiết bị (42%).

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa vĩnh viễn hoặc tạm thời. Những doanh nghiệp tồn tại cũng gặp nhiều khó khăn. Nếu có hỗ trợ, doanh nghiệp sẽ vượt lên mạnh mẽ hơn và chuẩn bị sẵn sàng cho thời kỳ phát triển mới trong thời gian tới. Tuy nhiên phải nhìn vào thực tế, năm nay chi nhiều mà thu được rất ít, Chính phủ đang phải tăng thâm hụt, tăng vay nợ để bù đắp. Việc giảm 30% thuế thu nhập cho tất cả doanh nghiệp năm 2020 sẽ gây tổn thất rất lớn cho ngân sách. Trong khi ngân sách không chỉ để hỗ trợ doanh nghiệp mà còn phục vụ những nhu cầu khác, như hỗ trợ đối tượng nghèo, dễ bị tổn thương; hỗ trợ lĩnh vực y tế, giáo dục…

Cùng quan điểm, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương TS. Lê Đăng Doanh nhấn mạnh, trong khi ngân sách còn đang rất eo hẹp, nếu miễn giảm thuế tràn lan thì lấy nguồn thu ở chỗ nào để chi? “Cần phải xem xét đề xuất này một cách cẩn trọng, dựa trên những khảo sát, điều tra khách quan, nghiêm túc.

Nhìn nhận biện pháp hỗ trợ ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp là không hiệu quả và không thực chất, TS. Phạm Thế Anh Kinh tế trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) chỉ ra rằng, kết quả khảo sát của Ban IV cho thấy chỉ có 2% doanh nghiệp tạm thời chưa bị ảnh hưởng do đại dịch. Như vậy có thể hiểu ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp chỉ làm lợi cho nhóm 2% này. “Vẫn có thể đóng thuế thu nhập nghĩa là doanh nghiệp đó hoạt động vẫn có lãi, không gặp khó khăn, vậy sao phải hỗ trợ họ? Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn thật sự lại không được ưu đãi. Đây là cách hỗ trợ chưa đúng cách, làm lãng phí nguồn lực và tạo ra bất bình đẳng giữa doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ”.

Nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn khi phải buộc dừng sản xuất do dịch Covid-19  

Không thể cứu tất cả doanh nghiệp

Tại Kỳ họp thứ 9 vừa qua, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết giảm thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020. Theo đó, Quốc hội quyết giảm 30% thu nhập cho doanh nghiệp có doanh thu dưới 200 tỷ đồng. Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đánh giá, đây là cách tiếp cận phù hợp. Dịch bùng phát đợt 2 khiến nhiều doanh ở một số lĩnh vực gặp khó khăn hơn. Vì vậy, nếu có thêm gói hỗ trợ thì có thể tính thêm đối với những lĩnh vực, ngành nghề mà khả năng phục hồi cực kỳ khó, ví dụ như du lịch, may mặc - số hợp đồng đang tính theo tuần làm ảnh hưởng đến hàng triệu người lao động và ảnh hưởng tới khả năng tồn tại của ngành may mặc Việt Nam.

Theo bà Phạm Chi Lan, ngay lúc này cần cứu những doanh nghiệp có đông người lao động, cam kết rằng họ không sa thải lao động. “Phải xác định rõ những doanh nghiệp đó đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Nếu họ tồn tại sẽ lan tỏa đến nhiều vấn đề an sinh xã hội khác. Với những doanh nghiệp này mặc dù doanh thu lớn hơn 200 tỷ đồng nhưng vẫn cần hỗ trợ”.

Ông Phạm Thế Anh cho rằng, chính sách hỗ trợ đầu tiên mà Nhà nước nên hướng đến là hỗ trợ người lao động bị mất việc, hoặc thông qua việc hỗ trợ cho doanh nghiệp có đông lao động để giữ được việc làm. Chính sách hỗ trợ nên tập trung giảm chi phí cho doanh nghiệp như giảm lãi suất ngân hàng, thuê nhà xưởng, điện, nước... Đã hỗ trợ là phải có tiêu chí rõ ràng, bất kể doanh nghiệp nhỏ hay lớn đều có thể nhận hỗ trợ với điều kiện là chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Những doanh nghiệp có lãi nghĩa là không bị ảnh hưởng hoặc ảnh hưởng ít thì không nên hỗ trợ. “Trong khi nguồn ngân sách đang ngày càng cạn thì các biện pháp hỗ trợ của Chính phủ chủ yếu chỉ nên mang tính động viên, khuyến khích”, ông Phạm Thế Anh nói.

“Ngân sách nhà nước không phải là "bầu sữa" mà ai khó cũng có thể cho mỗi người một ít”, PGS.TS. Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ tư vấn Kinh tế của Thủ tướng nói. Ông cho rằng trong điều kiện nguồn lực hạn chế, Nhà nước không thể cứu tất cả doanh nghiệp mà cần xác định cứu những doanh nghiệp có tác động lan tỏa, có sức kéo với nền kinh tế. Phải cứu doanh nghiệp còn khỏe để sau đó chính những doanh nghiệp này sẽ cứu những doanh nghiệp yếu hơn trong hệ sinh thái.

Tuệ Anh