Thảo luận tại Kỳ họp thứ 15, HĐND tỉnh Hà Tĩnh Khóa XVII

Đề xuất giải pháp thúc đẩy tăng trưởng

- Chủ Nhật, 26/07/2020, 00:52 - Chia sẻ
Bên cạnh nhất trí cao đối với báo cáo phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của UBND tỉnh, tại phiên thảo luận, các đại biểu đã thẳng thắn chỉ rõ nhiều yếu kém tồn tại, từ đó để xuất nhiều giải pháp trọng tâm đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư, xây dựng nông thôn mới… nhằm hoàn thành tốt nhiệm vụ trong những tháng cuối năm.

“Khó khăn 1, quyết tâm phải 2-3”

Đánh giá cao nỗ lực cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện các nhiệm vụ 6 tháng đầu năm, song tốc độ tăng trưởng đạt thấp (0,1%) là vấn đề khiến không ít đại biểu trăn trở. Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Trần Tiến Hưng cho rằng: Ngoài nguyên nhân khách quan do dịch bệnh Covid-19, còn do vai trò trách nhiệm của người đứng đầu, công tác chỉ đạo, điều hành trên một số lĩnh vực của các sở, ngành, địa phương còn hạn chế; việc kiểm tra, đôn đốc, giám sát chưa được thường xuyên... “Tỉnh đã có hướng đi đúng, có định hướng phát triển chiến lược, lâu dài. Song, cần tập trung giải quyết các “nút thắt”, điểm “nghẽn” để giải phóng nguồn lực. Trước mắt, năm 2020 phải đạt mục tiêu tăng trưởng cao nhất có thể”, - ông Hưng nhấn mạnh.

 Theo người đứng đầu UBND tỉnh, UBND tỉnh sẽ chỉ đạo Sở KH - ĐT chủ trì, phối hợp Cục Thống kê, Sở Công thương, Sở NN - PTNT, Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh và các ngành liên quan kịp thời xây dựng phương án, kịch bản tăng trưởng những tháng cuối năm và cả năm 2020. Trong đó, yêu cầu tập trung rà soát dư địa tăng trưởng, làm rõ khả năng đóng góp của từng ngành, lĩnh vực kinh tế; đồng thời, xác định khu vực công nghiệp và đầu tư là yếu tố chính thúc đẩy tăng trưởng 6 tháng cuối năm.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Đình Sơn nhấn mạnh: Hà Tĩnh phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, “khó khăn 1, quyết tâm phải 2-3”. Trong đó, phấn đấu tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn bình quân cả nước; thu ngân sách hơn 15.000 tỷ đồng; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công và các nguồn lực đầu tư xã hội… “Cần kịp thời xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế; có giải pháp cụ thể, hữu hiệu, phân công trách nhiệm cho các thành viên UBND tỉnh điều hành thông suốt”, ông Sơn nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Thị Nữ Y điều hành phiên thảo luận tổ  

Ảnh:  Hải Phong

Không lệ thuộc vào một doanh nghiệp mạnh, một dự án lớn

Đây cũng là vấn đề nhận được nhiều quan tâm của các đại biểu tại phiên thảo luận và đang là thách thức của các địa phương. Theo đánh giá, thu hút đầu tư những tháng đầu năm chỉ bằng 41% so với cùng kỳ; chỉ số PCI năm 2019 mặc dù tăng điểm (từ 63,99 lên 65,46 điểm) nhưng vẫn giảm 4 bậc (xếp  thứ 27/63). Đại biểu Nguyễn Thị Nguyệt đề nghị UBND tỉnh cần tổ chức hội thảo cấp tỉnh; mạnh dạn có giải pháp phát triển du lịch, đặc biệt là kinh tế biển... Đại biểu Đặng Văn Thành cho rằng, sau khi các nhà đầu tư quan tâm tìm hiểu, cần có những chỉ đạo sát sao để giữ chân nhà đầu tư; những dự án đã có chủ trương đầu tư cần sớm hoàn thành thủ tục để khởi công...

Còn theo đại biểu Đoàn Đình Anh, tỉnh cần có chính sách khuyến khích đầu tư tốt hơn để thu hút các dự án lớn, các doanh nghiệp mạnh nhằm giúp tăng trưởng kinh tế không lệ thuộc vào một doanh nghiệp mạnh, một dự án lớn. “Việc thu hút đầu tư, triển khai các dự án đã được khảo sát cũng sẽ giúp người dân ổn định sinh kế, tăng thu nhập, ổn định đời sống…”, ông Anh nhấn mạnh. Còn ở góc nhìn khác, đại biểu Nguyễn Hữu Dực kiến nghị UBND tỉnh tập trung rà soát các dự án còn vướng mắc thuộc ngành nào, cấp nào để tháo gỡ ngay; cán bộ nào, cấp nào, ngành nào còn biểu hiện chậm trễ, thậm chí là cản trở phải được xử lý; đồng thời, tăng cường đầu tư về gia công, chế biến, bảo quản gắn với tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Tập trung nguồn lực, ưu tiên nông thôn mới

Không ngạc nhiên khi nói về sự đi đầu trong phong trào nông thôn mới ở Hà Tĩnh. Chính tâm huyết của lãnh đạo tỉnh cùng sự đồng lòng chung sức của Nhân dân đã tạo nên thành công đó. Đặc biệt, phong trào xây dựng khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu và chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) tiếp tục lan tỏa và góp phần tạo sự ổn định và phát triển chung của tỉnh.

Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều đại biểu, xây dựng NTM là quá trình thường xuyên và liên tục. Bên cạnh phát huy những kết quả đáng ghi nhận, Hà Tĩnh còn phải cố gắng khắc phục những hạn chế, yếu kém. Cụ thể: Tiến độ làm đường giao thông nông thôn theo cơ chế hỗ trợ xi măng, thực hiện chính sách hỗ trợ OCOP tại các địa phương còn chậm; nhận thức của cán bộ các cấp về OCOP vẫn đang còn hạn chế; một số địa phương chưa thật sự quyết liệt trong tuyên truyền, hướng dẫn tham gia OCOP 2020… Đại biểu Đoàn Đình Anh kiến nghị bên cạnh xây dựng NTM, NTM kiểu mẫu, đô thị văn minh, giảm nghèo bền vững, Chương trình OCOP đi vào chiều sâu, hiệu quả và thực chất hơn… cần ưu tiên nguồn kinh phí bố trí cho các xã đạt chuẩn NTM và các khu dân cư mẫu đạt chuẩn theo quy định tại các nghị quyết của HĐND tỉnh đã ban hành.

Đồng quan điểm, đại biểu Lê Ngọc Huấn đề nghị tỉnh cần tập trung nguồn lực, ưu tiên hỗ trợ các huyện khó khăn; nhất là các huyện miền núi có địa bàn rộng, địa hình phức tạp, thu ngân sách đạt thấp như: Hương Khê, Vũ Quang trong xây dựng NTM. Đồng thời, cần ban hành chính sách xây dựng đô thị văn minh như chính sách xây dựng nông thôn mới, đặc biệt là chính sách khu dân cư mẫu, vườn mẫu.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh đồng tình với những đánh giá về hạn chế, tồn tại trong lĩnh vực NTM, đồng thời cho biết: UBND tỉnh sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện theo nhóm xã, dành ưu tiên cao nhất cho nhóm xã khó khăn, số tiêu chí thấp, xã phấn đấu đạt chuẩn NTM, xã phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao, xã phấn đấu đạt chuẩn NTM kiểu mẫu năm 2020… “Đồng thời, sẽ thường xuyên kiểm tra, hướng dẫn, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của cơ sở trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình, nhất là các vấn đề về quy hoạch, bố trí mặt bằng, đất đai cho các cơ sở phát triển sản xuất sản phẩm OCOP, xây dựng chuỗi liên kết, vùng nguyên liệu…”, ông Vinh khẳng định.

Diệp Anh