Để sản phẩm OCOP là thương hiệu mạnh quốc gia

- Thứ Năm, 07/11/2019, 07:42 - Chia sẻ
“OCOP - Mỗi xã, phường một sản phẩm”, chương trình dựa trên các sản phẩm nông sản thế mạnh của địa phương. Nhờ chương trình OCOP, số hợp tác xã đặc biệt là hợp tác xã sản xuất ở nông thôn tăng nhanh, phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được đẩy mạnh, giá trị sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn gia tăng đáng kể. Tuy nhiên vẫn còn nhiều vấn đề về thị trường, hàng hóa chất lượng tốt nhưng chưa có đầu ra, mẫu mã sản phẩm chưa đủ sức cạnh tranh với các nước trong khu vực…

Xây dựng thương hiệu OCOP

Chương trình mỗi xã một sản phẩm đã bước đầu đem lại những kết quả tích cực, góp phần phát triển các tổ chức sản xuất kinh doanh các sản phẩm có lợi thế của các địa phương, tái cơ cấu nông nghiệp nông thôn, tăng thu nhập cho người dân. Để nâng cao năng lực cạnh tranh cho các sản phẩm OCOP, đưa chương trình đi vào chiều sâu, tạo điều kiện cho các tổ chức sản xuất, kinh doanh phát triển bền vững, chương trình vẫn cần chú trọng thực hiện những giải pháp nhằm tạo ra được các sản phẩm hàng hóa có giá trị, được thị trường đón nhận, nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP, đưa sản phẩm OCOP thành hàng hóa có thương hiệu, có chất lượng và đảm bảo an toàn cho người sử dụng.

Theo Bộ NN - PTNT, Bộ sẽ tiếp tục chỉ đạo xây dựng thương hiệu các mặt hàng nông sản chủ lực khác của ngành nông nghiệp, hỗ trợ và tạo điều kiện cho các thương hiệu của đặc sản vùng miền và thương hiệu OCOP phát triển thông qua các hoạt động quảng bá, hội chợ, triển lãm... Đây là một tiến trình lâu dài, chỉ có khởi đầu mà không có kết thúc, đòi hỏi phải phát huy được sức sáng tạo to lớn của cộng đồng, huy động được sức mạnh của nền tảng văn hóa, dân tộc đã và đang được kết tinh trong hàng trăm ngàn sản vật trên khắp các miền quê. Triển khai Chương trình OCOP là không có sự áp đặt của cơ quan chính quyền các cấp trong sản xuất, chế biến sản phẩm, mà nó được xuất phát từ đề xuất của các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh có sản phẩm tham gia OCOP, người sản xuất phải tự làm, tự quyết định sự thành công sản phẩm của mình, các cơ quan nhà nước đóng vai trò hướng dẫn, giúp đỡ bằng cách đưa ra những giải pháp để thúc đẩy, nâng cao giá trị sản phẩm cho mỗi chủ thể.

Bên cạnh đó Bộ tăng cường các chính sách tích tụ ruộng đất, các cơ chế tạo quỹ đất công, đất sạch để phục vụ công tác thiết lập các vùng sản xuất nông nghiệp, xây dựng các vùng chuyên canh hàng hóa, vùng nguyên liệu đạt quy mô hàng hóa, tạo ra sản phẩm đồng chất, tăng tính hiệu quả trong liên kết vùng; phát triển hệ thống thương mại, quảng bá sản phẩm có thương hiệu, tăng cường nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, hợp tác xã, doanh nghiệp vừa và nhỏ tham gia trực tiếp vào công tác xây dựng thương hiệu nông sản...

Để OCOP được tin dùng

“OCOP - Mỗi xã, phường một sản phẩm”, mô hình được tỉnh Quảng Ninh triển khai từ năm 2013 dựa trên các sản phẩm nông sản thế mạnh của địa phương, nay đã hái “trái ngọt”. Mỗi năm 2 lần Xuân - Hè, Hội chợ OCOP đều tấp nập người mua sắm, nhiều đặc sản thậm chí không đủ hàng để bán, doanh thu hàng chục tỷ đồng mỗi lần tổ chức. Sau 6 năm, OCOP đã đưa các nông sản địa phương từ sản xuất nhỏ lẻ, lạc hậu trở thành sản phẩm hàng hóa, có quy trình sản xuất được kiểm soát khắt khe, có chứng nhận chất lượng. Không còn chỉ bày bán ở chợ, sản phẩm OCOP vào các trung tâm thương mại, Big C, Vinmart, tham gia hội chợ hàng Việt tại nhiều tỉnh, ra các hội chợ quốc tế. Đây là hướng đi đúng góp phần tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị giá trị sản xuất. tăng thu nhập cho bà con nông dân. Hiện Quảng Ninh có hơn 300 sản phẩm tham gia OCOP, trong đó có hơn 60 sản phẩm được xếp hạng 3 sao trở lên.

Với OCOP, việc kêu gọi “người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” không còn là khẩu hiệu. Đạt được những kết quả đáng mừng này, không thể phủ nhận OCOP có lợi thế ban đầu lớn rất từ việc người dân tin dùng các sản phẩm là đặc sản lâu đời của quê hương. Tuy nhiên, để có chỗ đứng trên thị trường, thương hiệu OCOP chỉ có thể thuyết phục bằng cách nâng cao chất lượng, cải tiến mẫu mã phù hợp với nhu cầu người tiêu dùng. “Để chinh phục được khách hàng, các doanh nghiệp OCOP phải đi đầu trong việc đầu tư nâng cấp về chất lượng cũng như uy tín. Người sản xuất phải trực tiếp gắn trách nhiệm của mình với sản phẩm”, ông Vũ Bình Minh, Phó Giám đốc Trung tâm xúc tiến thương mại (Sở Công thương tỉnh Quảng Ninh) cho biết.

Phần lớn các doanh nghiệp, hợp tác xã OCOP có quy mô không lớn nên còn chưa “mặn mà” với việc xúc tiến thương mại, mở rộng kênh phân phối, các cửa hàng OCOP tại nhiều địa phương chưa đạt hiệu quả cao, việc cần thiết là tăng cường xây dựng chương trình, hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia triển lãm, quảng bá, tham gia sàn giao dịch điện tử… để đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng. Hiện nay, OCOP đã không còn là thương hiệu của riêng Quảng Ninh khi hơn 30 tỉnh, thành phố trên cả nước đã bắt tay vào triển khai với hàng nghìn sản phẩm thế mạnh khác nhau. Từ việc “ưu tiên”, OCOP đã dần trở thành thói quen tiêu dùng hàng ngày của nhiều người dân. Tuy vậy, để sản phẩm trở thành thương hiệu mạnh, đi xa hơn, vươn ra thị trường lớn hơn, mang lại lợi ích cho cả người sản xuất lẫn người tiêu dùng, chương trình OCOP còn rất nhiều việc phải làm.

Minh Ngọc