Để Rồng thiêng bay lên

- Thứ Ba, 11/08/2020, 08:17 - Chia sẻ

1. Anh bạn tôi từ đất Tổ vua Hùng khi về thăm Hoàng thành phát lộ cứ ngậm ngùi bảo nể và thương các cụ. Nể vì lịch sử rõ rành, triều đại lưu danh. Thương vì xem ba lớp di chỉ của các triều đại xếp chồng lên nhau... Các cụ xưa đuổi giặc xong cũng vội dựng lên cung điện, định ra lề luật. Nguy cơ ngoại xâm lúc nào cũng trước mặt, có thư thái, thong dong mà làm cái gì ra tấm ra món từ đầu. Con cháu bây giờ mơ xây nhà trăm tầng cao, đua xem kỷ lục thuộc về ai. Ngay xây một cái nhà để ở cũng săm soi phong thủy, đào sâu xuống, xúc hết đất đá, rải cát đều vào cho nó mịn, cho hài hòa, dễ làm ăn.

Nghĩ lại cách các cụ giữ nước và dựng nước, biến nguy thành cơ, tạo dựng sự hài hòa, hóa giải cả vó ngựa Nguyên Mông lẫn chiến thuyền Nam Hán, mới thấy lịch sử dân tộc oai hùng như thế nào. Mọi sự hôm nay đều có lời giải từ quá khứ. Cứ học các cụ, nhu mà cương, thật lòng hòa giải, thực bụng yêu thương, nòi giống bảo ban nhau, trọng dụng nhân tài, xây cái gốc lòng dân cho vững chãi, thì không thách thức nào là không thể vượt qua.

Nói chuyện nhân tài lại thấy băn khoăn. Đất kinh thành vốn thuận lợi đủ bề, “hào kiệt bốn phương tụ hội” nên hình như đây đó vẫn còn lối nghĩ sẵn đâu dùng đấy, chưa thật rõ chiến lược xây đắp, tạo dựng, vun xới, làm nên nguồn lực lâu dài. Còn nhớ buổi lễ tôn vinh các thủ khoa ngày nào, có vị chủ tịch thành phố còn thủng thẳng: “Hà Nội hoan nghênh các tài năng về làm việc cho thành phố. Nhưng còn hoan nghênh hơn nếu các bạn xung phong đi công tác vùng sâu, vùng xa vì đâu cũng là đất nước ta”.

Nhân tài phải có đất dụng võ. Rồng thiêng chọn chốn địa linh để bay lên. Lý Công Uẩn chọn Thăng Long để định đô với tầm nhìn xa cả nghìn năm. Không lẽ cháu con hôm nay vẫn chưa thấm hết cái minh triết của các cụ đúc kết từ xưa về trọng dụng nhân tài?

2. Mươi năm trước, dư luận xôn xao về một vị Phó Tổng Giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam đệ đơn lên Thủ tướng xin chuyển công tác “ra ngoài”, dứt hẳn cái môi trường hơn 20 năm gắn bó và không ít đóng góp dựng xây. Người tài ngời ngời như thế phải dứt áo ra đi, môi trường khép kín, tù túng không dung những cá tính sáng tạo hay còn bởi lẽ gì?

Tôi đã gặp và nghe anh phát biểu trong nhiều hội nghị, lúc nào cũng thấy long lanh, sang sảng ý tưởng, thấy hồn vía cuộc sống dào dạt, sinh động, thuyết phục trong từng cách diễn đạt. Làm lãnh đạo đến cấp ấy mà khẩu khí, cá tính, không chịu mòn, chịu tròn, chịu nép vào những nguyên lý có sẵn và an toàn thì bao mối quan hệ, va chạm, làm sao vừa lòng hết được?

Nhưng ngẫm đi ngẫm lại, trong cái buồn nếu có vì cơ chế chưa dung được nhân tài, lại le lói cái mừng vì nhân tài biết tự dùng mình, tự chọn lối đi cho mình. Cơ chế khoáng đạt, thấy chật chội thì chuyển dịch sang chỗ phù hợp, dẫu có thiệt thòi, còn hơn nhiều vị không thích mà cố bám, chán ngán mà không rời, rồi nói dọc, nói ngang, khẩu khí vĩ nhân bất phùng thời, không làm gì, nhưng nhìn đâu cũng thấy sai, thấy hỏng, thấy đáng chê…

3. Hà Nội còn nhiều việc phải làm để xứng với nghìn năm. Nhưng mong là phải hướng tới tầm xa của đất Rồng thiêng bay lên chứ dứt khoát không thể là tư duy ngắn ngủn, bỏ cả chục tỷ ra chỉ để tạm làm sạch một đoạn sông Tô Lịch. Cứ “tạm” như thế, thì đến 2.000 năm Thăng Long, con cháu biết thương, biết nể làm sao những người đang sống ở khoảnh khắc Thủ đô hơn nghìn năm tuổi hôm nay?

Đỗ Chí Nghĩa