Để nông sản “thông hành” quốc tế

- Thứ Năm, 23/07/2020, 05:53 - Chia sẻ
Theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), EU dành cho Việt Nam hạn ngạch 80.000 tấn gạo/năm được miễn thuế nhập khẩu. Con số trên không quá lớn so với số lượng gạo xuất khẩu khổng lồ hàng năm của chúng ta, tuy nhiên, cả doanh nghiệp lẫn cơ quan quản lý lo ngại sẽ không xuất khẩu hết hạn ngạch bởi không có đủ gạo đạt tiêu chuẩn.

Tất nhiên, mỗi thị trường sẽ có những yêu cầu riêng cho sản phẩm nhập khẩu và nhà sản xuất phải đáp ứng, nhưng về cơ bản các thị trường khó tính đều có những quy định khắt khe về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật hoặc chất cấm, đòi hỏi yêu cầu về quy tắc xuất xứ, xây dựng được chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ đạt tiêu chuẩn quốc tế. Muốn thâm nhập một cách bền vững vào các thị trường nước ngoài, doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam cần nhận diện rõ yêu cầu của từng địa bàn, từ đó có chính sách, tiêu chuẩn phù hợp để hàng hóa có thể “thông hành” quốc tế.

Nói thì đơn giản vậy nhưng thực hiện không dễ. Thực tế, vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là vùng chăn nuôi, trồng trọt tập trung với quy mô lớn, cung ứng nông sản, thực phẩm cho các đô thị lớn trong cả nước và phục vụ xuất khẩu. Nhưng sản xuất và tiêu thụ nông sản giữa các tỉnh luôn trong tình trạng mạnh ai nấy làm, không thể cung cấp thông tin chi tiết và chính xác tỷ lệ diện tích hoặc quy mô sản lượng trồng trọt hoặc chăn nuôi đạt chuẩn an toàn. Chỉ có thể ước lượng tỷ lệ diện tích trồng rau đạt tiêu chuẩn VietGAP trong toàn vùng vào khoảng 5 - 10% tổng diện tích trồng rau, không có số liệu cụ thể về tỷ lệ quy mô đàn lợn, gà thịt, trứng được chăn nuôi theo các quy chuẩn sản xuất an toàn sinh học.

Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao đã thẳng thắn chỉ ra rằng: “Thứ nhất, nông sản Việt Nam bị định kiến rất sâu của nhà mua hàng quốc tế về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Thứ hai, nông sản Việt Nam không có thương hiệu, không thâm nhập được chuỗi thương mại toàn cầu”. Điều này xuất phát từ vấn đề sản xuất và quy hoạch trồng trọt, đồng thời chưa có chiến lược dài hạn tính đến gia nhập chuỗi cung ứng toàn cầu, nên dẫn đến tình trạng lượng cung ứng lớn nhưng không thể xuất khẩu, sản xuất bấp bênh, giá thành bất ổn, chưa thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Để tìm được đầu ra cho nông sản Việt, yếu tố quan trọng vẫn là chính sách thực sự khuyến khích nông dân làm theo tiêu chuẩn, bảo đảm an toàn và chất lượng, xóa đi những định kiến trên thị trường. Nhưng để vận động nông dân tổ chức lại sản xuất, có nông sản chất lượng theo tiêu chuẩn an toàn như GlobalGAP, phải trả lời cho họ: Vì sao phải thay đổi phương thức sản xuất khi tốn nhiều chi phí, thời gian đến giá thành, trong khi không cạnh tranh được với hàng sản xuất không đạt chuẩn? Tham gia các hiệp định FTA, thị trường đang thay đổi nhanh. Cập nhật thông tin và kiến thức thị trường cho nông dân và doanh nghiệp là việc cần làm và thiết thực nhất hiện nay. Phải cho nông dân thấy được, nếu chỉ mang một sản phẩm tốt nhưng không có bất kỳ tiêu chuẩn nào được chứng nhận thì chắc chắn sẽ khó tiếp cận các hệ thống phân phối trong nước chứ đừng nói đến thị trường xuất khẩu. 

Nông sản Việt Nam đã được nhận diện tại nhiều nước và khu vực trên thế giới. Vấn đề đặt ra là bảo đảm được chỗ đứng, khẳng định vị thế giữa muôn vàn lựa chọn tại các thị trường khó tính. Một trong những chìa khóa là biết người biết ta, đặc biệt là nắm được những thế mạnh, ưu điểm để phát huy triệt để. Xuất khẩu sang các thị trường khó tính luôn đi kèm với những tiêu chuẩn cao, kiểm soát chặt chẽ hơn và chế tài xử lý vi phạm cũng nặng hơn. Do đó, cần thiết kế cho mỗi thị trường, sẵn sàng có các sản phẩm đáp ứng xuất khẩu.

Duy Anh