Xây dựng Nông thôn mới ở Hà Nội

Để nông dân tự tin làm giàu

- Thứ Sáu, 11/10/2019, 07:37 - Chia sẻ
Thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), Hà Nội đã có thay đổi đáng kể trong kết cấu hạ tầng, cảnh quan môi trường theo hướng văn minh, hiện đại. Nhưng đặc biệt hơn cả, NTM đã khiến ngành nông nghiệp thành phố có bước tiến lớn, giúp người nông dân cải thiện thu nhập, tự tin làm giàu trên từng mảnh ruộng, vườn cây, ao cá...

Nhiều mô hình có giá trị kinh tế cao 

Bước vào xây dựng NTM, Hà Nội tập trung thực hiện khâu dồn điền đổi thửa (DĐĐT), đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi để nâng cao thu nhập cho người dân nông thôn. Suốt quá trình đó, thành phố đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm tạo đà tăng trưởng trong nông nghiệp. Nhờ đó, các địa phương tập trung đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, hỗ trợ người dân thực hiện chuyển đổi các vùng lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn quả, rau màu chất lượng cao; chuyển đổi sang các mô hình chăn nuôi trang trại, nuôi trồng thủy sản có hiệu quả. Nhiều hộ nông dân đã mạnh dạn vay vốn, đầu tư mở rộng sản xuất, ứng dụng khoa học kỹ thuật, xây dựng các mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đến nay, nhiều nông dân có mức thu nhập từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng mỗi năm.

Có thể kể đến xã Vân Hà, huyện Phúc Thọ, sau khi hoàn thành DĐĐT, trên địa bàn đã hình thành những vườn cam Canh, bưởi Diễn cho năng suất, chất lượng cao. Tận dụng lợi thế địa phương có chất đất phù sa phù hợp với cây ăn quả, Vân Hà đã tích cực đưa khoa học - công nghệ vào sản xuất, tuyên truyền, vận động người dân cải tạo vườn tạp, đưa nhiều cây chủ lực vào trồng như: cam Canh, lai tạo các giống bưởi, táo lai, đu đủ, chuối tiêu hồng và các loại rau màu khác. Hằng năm, Vân Hà cung cấp ra thị trường Hà Nội - các tỉnh thành lân cận khoảng 1.800 tấn bưởi, nguồn thu cây bưởi khoảng trên 39 tỷ đồng. Nhờ đó, thu nhập của người dân ngày càng được nâng cao, nhiều hộ đạt từ 500 - 700 triệu đồng/năm, điển hình như các hộ gia đình ông Hoàng Thanh Thế, Cao Văn Ngân, Trần Văn Hùng, Đặng Văn Lợi… có khi thu nhập lên đến hàng tỷ đồng. Cũng nhờ mạnh dạn trồng bưởi, nhiều gia đình thoát nghèo, có cuộc sống ấm no.


Nông thôn mới đã giúp người dân Hà Nội tự tin làm giàu tại quê hương Ảnh: Tường Vy

Tại xã Đắc Sở, huyện Hoài Đức, để thực hiện các tiêu chí về xây dựng NTM, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân xã quyết tâm thực hiện chuyển đổi mô hình kinh tế nông nghiệp theo hướng hiện đại, sản xuất hàng hóa tập trung có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao gắn với việc bảo vệ môi trường sinh thái, trong đó có mô hình phát triển cây phật thủ. Đắc Sở được hỗ trợ hạ tầng cơ bản để sản xuất, đồng thời được thành phố quan tâm giúp đỡ về vật tư, chuyển giao khoa học kỹ thuật nên đã thu hút được nhiều người dân tham gia sản xuất. Diện tích trồng phật thủ của xã được nhân rộng theo từng năm đến nay lên đến 250ha, đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp giải quyết việc làm có thu nhập ổn định và thoát nghèo bền vững cho nhiều hộ gia đình.

Còn ở huyện Chương Mỹ - một trong những vùng trồng cây ăn quả chất lượng cao của thành phố, nay đã có gần 600ha bưởi Diễn, tập trung tại 7 xã, thị trấn. Nhiều hộ dân nơi đây cũng đã vươn lên làm giàu từ loài cây đặc sản này. Ông Phùng Văn Hà (thôn Núi Bé, xã Nam Phương Tiến) chia sẻ: Gia đình tôi có 4,5ha trồng bưởi với hơn 1.600 gốc bưởi Diễn đang cho thu hoạch. Sau khi trừ các khoản chi phí, bình quân mỗi năm, gia đình thu về gần 1,5 tỷ đồng tiền lãi. Từ khi thực hiện xây dựng NTM, bà con nông dân không chỉ được hưởng lợi về hạ tầng mà còn được thay đổi cách thức làm ăn, canh tác, nhiều gia đình đã mạnh dạn, tự tin để đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp, làm giàu tại quê hương. Cũng như anh Hà, ông Phùng Văn Giáo (xã Đan Phượng, huyện Đan Phượng) phấn khởi cho biết: Mỗi năm gia đình tôi thu nhập khoảng 1 tỷ đồng từ mô hình trồng cây ăn quả kết hợp trồng cà phê. Nhờ chương trình xây dựng NTM với nhiều chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế của Nhà nước đã tạo động lực cho chúng tôi vươn lên làm giàu.

Cần hoàn thiện cơ chế, chính sách

Theo kế hoạch, Hà Nội phấn đấu đến năm 2020 sẽ tiếp tục phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyên canh tập trung, giá trị cao, bền vững và an toàn vệ sinh thực phẩm. Hà Nội phấn đấu tăng trưởng sản xuất nông nghiệp bình quân từ 3,5-4%/năm trở lên; đưa tỷ trọng giá trị sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao từ 25% lên 35% trở lên trong tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của thành phố. Theo đó, nâng mức thu nhập của nông dân khu vực nông thôn Thủ đô đạt 50 triệu đồng/người/năm. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Chương trình 02 của Thành ủy, việc chuyển đổi, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế của Thủ đô. Sản xuất nông nghiệp còn manh mún. Các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm còn chưa nhiều. Đặc biệt, cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp còn hạn chế, nhất là trong lĩnh vực chế biến nông sản ứng dụng công nghệ cao.

Có thể thấy, cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, khuyến khích phát triển nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao của Chính phủ cũng như của Hà Nội không thiếu. Nhưng để chính sách trở thành “bà đỡ” thực sự cho nông nghiệp công nghệ cao phát triển, nhiều địa phương cho rằng: Cần hoàn thiện cơ chế, chính sách sao cho sát với thực tế, tạo điều kiện để không chỉ doanh nghiệp mà ngay cả hộ sản xuất cũng được tiếp sức. Cụ thể, cần đơn giản hóa thủ tục cho vay vốn, cả thế chấp và tín chấp; hoàn thiện chính sách đất đai thuận lợi cho tích tụ, tập trung ruộng đất để hợp tác, sản xuất lớn.

Trao đổi về vấn đề này, Giám đốc Sở NN và PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, thời gian tới, để thu hút các nguồn đầu tư vào nông nghiệp, thành phố sẽ tiếp tục triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: Đẩy mạnh nguồn cung cấp tín dụng và cải thiện các điều kiện cung cấp tín dụng nhằm tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn cho các doanh nghiệp và hộ nông dân, đáp ứng cả trung và dài hạn. Trong đó, ưu tiên hỗ trợ tín dụng cho các doanh nghiệp tư nhân lớn có liên kết áp dụng khoa học, công nghệ mới, sản xuất vật tư, thiết bị phục vụ sản xuất và chế biến nông sản. Thành phố Hà Nội cũng sẽ dành tỷ lệ ngân sách từ 2 - 5% cho hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Hà Nội sẽ bổ sung chính sách bảo hiểm các sản phẩm nông nghiệp, có hỗ trợ để doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư khởi nghiệp. Cùng với đó, Sở NN và PTNT tập trung giải quyết các vướng mắc, phản ánh của doanh nghiệp về việc ưu đãi các chính sách thu hút đầu tư, nhất là về đất sản xuất.

Trong thời gian tới, Hà Nội tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các HTX nông nghiệp, tổ chức liên kết, hợp tác sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản; đồng thời, triển khai các nội dung Dự án “Chuỗi sản xuất và cung cấp sản phẩm chăn nuôi bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn giai đoạn 2016 - 2020”, nhằm nâng cao hơn nữa năng suất và chất lượng nông sản Thủ đô. Bên cạnh đó, thường xuyên tổ chức các hội chợ, triển lãm, chương trình xúc tiến đầu tư, quảng bá sản phẩm nông nghiệp, hỗ trợ doanh nghiệp, nông dân tiêu thụ nông sản trong và ngoài nước.

ĐÀO CẢNH