Vấn đề cử tri quan tâm

Để nhân dân có nước sạch sử dụng

- Thứ Sáu, 18/10/2019, 07:56 - Chia sẻ
Tại buổi tiếp xúc cử tri tại đơn vị bầu cử số 1 trước Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XIV, trước tình trạng nước sạch tại một số nơi có mùi lạ, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đơn vị cung cấp nước sạch phải súc xả toàn bộ nguồn nước ở các chung cư, trạm nước, nếu thiếu nước cục bộ, thành phố sẽ tạm thời điều hòa nước cấp từ một số nơi để nhân dân có nước sạch phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày.

Lắp nhiều trạm quan trắc để theo dõi chất lượng không khí

Tại hội nghị, trước sự lo ngại của cử tri về tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm không khí có diễn biến rất phức tạp trong thời gian qua, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung khẳng định: Dưới sự chỉ đạo của Trung ương, Chính phủ, những năm vừa qua, Hà Nội đã thực hiện rất nhiều giải pháp làm giảm ô nhiễm môi trường nói chung, trong đó có ô nhiễm không khí. Đặc biệt từ năm 2016 đến nay, thành phố đã làm việc với nhiều tập đoàn của Pháp và đội ngũ chuyên gia của các nước tiên tiến trên thế giới để giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường. Đồng thời, Hà Nội đã lắp đặt nhiều trạm quan trắc không khí và tất cả những thiết bị này đều sử dụng chung một phần mềm, công nghệ nên các chỉ số đưa ra đều giống nhau. Kết quả trong 3 năm (từ 2017 - 2019) cho thấy mức độ ô nhiễm của Thủ đô ở mức trung bình. 


Nguồn: ITN

Tuy nhiên, từ năm 2018 đến tháng 9.2019, kết quả quan trắc cho thấy số ngày có chỉ số xấu nhiều hơn, hạt bụi mịn PM 2.5 tăng hơn trong ngày, nhất là vào thời điểm giao mùa. Qua các đề tài nghiên cứu khoa học, thành phố đã xác định được nguồn gây ô nhiễm, trong đó nguyên nhân chủ yếu bắt nguồn từ khí thải của phương tiện xe máy, ôtô. Ngoài ra, việc đốt than tổ ong; tháo dỡ công trình xây dựng, phế thải rắn từ các công trình; tình trạng đốt rơm rác diễn ra ở nhiều nơi... cũng là các tác nhân gây ô nhiễm trên địa bàn Thủ đô.

Từ những tồn tại trên, thành phố đã xây dựng kế hoạch và trình HĐND thành phố thông qua Nghị quyết các giải pháp nâng cao chất lượng cuộc sống người dân Thủ đô, trong đó có vấn đề làm sạch môi trường như: Lắp đặt các trạm quan trắc; phối hợp với các nhà khoa học Đức để xử lý ô nhiễm ao, hồ (đã xử lý 88/122 ao, hồ); có chính sách hỗ trợ, vận động người dân toàn thành phố đến hết năm 2020 không dùng bếp than tổ ong. Đồng thời, Hà Nội cũng chuyển hình thức thu gom rác từ thủ công sang thu gom bằng xe hút bụi; triển khai xử lý xe chở vật liệu tại các công trình xây dựng; đưa công nghệ đưa chất thải rắn để nghiền không còn khí bụi tại các công trình… 

Súc xả toàn bộ nguồn nước ở chung cư, trạm nước

Riêng về vấn đề nguồn nước sông Đà ô nhiễm, Chủ tịch UBND thành phố cho biết ngay sau khi nắm bắt thông tin phản ánh của cơ quan báo chí cũng như tin nhắn của người dân về tình trạng nước sinh hoạt tại quận Thanh Xuân, Hà Đông, Hoàng Mai có mùi bất thường… thành phố đã lập đoàn kiểm tra và xác định nguyên nhân ở đầu nguồn nước có người đổ trộm dầu phế thải xuống con suối từ đó chảy ra hồ. Sau đó, do nhà máy không kiểm soát tốt nên đã bị chảy vào hệ thống lọc nước của nhà máy từ đó chảy vào hệ thống nước sinh hoạt của người dân. “Mùi lạ này qua kết quả xét nghiệm xác định có liên quan đến chất Styren và có tỷ lệ cao hơn từ 1,3 - 3,6 so với mức bình thường. Quan điểm của thành phố là sẽ xử lý nghiêm trường hợp này” - Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung khẳng định.

Người đứng đầu UBND thành phố cũng nêu rõ Hà Nội sẽ có công văn gửi tỉnh Hòa Bình chỉ đạo cơ quan điều tra vào điều tra làm rõ trách nhiệm của công ty khi đơn vị này phát hiện việc đổ trộm dầu thải từ ngày 8.10 nhưng không báo cáo ai, không có hành động gì liên quan ngăn chặn dầu thải và cứ để trôi vào nhà máy, dẫn đến nhiễm bẩn nguồn nước.

Hiện thành phố đã làm việc với đơn vị cung cấp nước sạch và yêu cầu toàn bộ nguồn nước ở các chung cư, trạm nước phải được súc xả, toàn bộ kinh phí sẽ do công ty này chịu trách nhiệm. “Nếu thiếu nước cục bộ thành phố sẽ tạm thời điều hòa nước cấp từ trạm Dương Nội, nhà máy nước sông Đuống để người dân có nước sạch để sử dụng. Đồng thời kiến nghị nhà máy nước cần lắp camera để giám sát toàn bộ việc bảo vệ nguồn nước, đồng thời, thay đổi công nghệ để nâng cao, đảm bảo chất lượng nguồn nước cho nhân dân Thủ đô” - Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu. 

LONG HUỲNH