Tọa đàm “Dân vận khéo trong công tác giảm nghèo”

Để người dân giám sát nhau trong việc sử dụng nguồn vốn

- Thứ Hai, 10/06/2019, 21:58 - Chia sẻ
Thực tế, đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, việc chúng ta đi nói để cho dân biết, dân hiểu, dân nghe là một việc rất là khó. Chỉ có cách hướng dẫn, cầm tay chỉ việc, hành động bằng hiện thực mới tạo niềm tin cho bà con dân tộc thiểu số với các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước. Rõ ràng, vai trò của nguồn vốn NHCSXH và các chương trình tín dụng cho vay đối với các đồng bào dân tộc thiểu số có vai trò rất quan trọng. Nguồn vốn này giúp cho đồng bào phát triển kinh tế cũng như giúp họ phát huy nội lực để vươn lên phát triển kinh tế hộ gia đình, thoát nghèo bền vững.

Tỉnh Điện Biên có 19 dân tộc anh em, khó khăn vất vả trong hoạt động tín dụng chính sách rất là nhiều. Thứ nhất, việc kết nối hạ tầng giao thông, đi lại khó khăn. Thứ hai, nhận thức của đồng bào chưa đồng đều. Thứ ba, nguồn vốn của ngân hàng còn hạn hẹp mà nhu cầu của người dân trên địa bàn là rất lớn. Do đó có rất nhiều khó khăn vất vả trong công tác dân vận về hoạt động tín dụng chính sách. Tuy nhiên, nói đồng bào dân tộc thiểu số “tự ti” không dám vay là không đúng. Họ rất mong muốn được vay, thế nhưng, nguồn vốn phân bổ theo mục tiêu của từng chương trình. Hiện tại trên tỉnh Điện Biên có 20 chương trình chính sách, tín dụng của NHCSXH, trong đó giao cho các hội đồng thực hiện 17 chương trình. Chúng tôi có rất nhiều cách để hướng dẫn đối với người được vay sử dụng vốn đúng mục đích, hiểu quả. Trong việc tổ chức thực hiện có nhiều nơi họ rất là sáng tạo.


ĐBQH – Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Điện Biên Lò Thị Luyến
Ảnh: Duy Thông

Riêng với Hội Liên hiệp phụ nữ, khi các đối tượng được vay vốn thì chúng tôi hướng dẫn thành lập các tổ liên kết sản xuất, các nhóm sản xuất. Hội Liên hiệp phụ nữ làm công tác kết nối tiêu thụ sản phẩm. Ví dụ, tại Thị xã Mường Lay, chúng tôi thành lập tổ sản xuất của đồng bào Thái trắng để họ làm bánh khẩu xén, chúng tôi thành lập các nhóm sản xuất rau an toàn, thành lập tổ sản xuất trồng bí đặc trưng của địa phương. Khi họ tiêu thụ những sản phẩm này gặp khó khăn thì chúng tôi giúp họ kết nối với các cửa hàng rau an toàn do tỉnh hỗ trợ; đồng thời, tiếp thị tới các trường học. Đối với các tỉnh đồng bào dân tộc thiểu số như Điện Biên, trường nội trú chiếm đa số, do đó các sản phẩm này tiêu thụ rất tốt.

Ngoài ra, đối với các hộ gia đình, tôi còn nhớ về một gia đình được vay vốn chính sách từ khi tôi làm công tác này cách đây 15 năm. Gia đình được vay 15 triệu ban đầu và mua 1 con bò giống, từ 1 con bò giống đến nay đã phát triển tới hơn 200 con bò ở huyện Nậm Pồ. Cách làm này cũng được lan toả, nhân rộng bằng cách giúp cho các hộ gia đình khác có nhu cầu. Khi người dân được vay vốn, chúng tôi chỉ hướng dẫn họ sử dụng đúng mục đích của chương trình tín dụng vay vốn của NHCSXH. Đối với phát triển sản xuất và hỗ trợ phát triển kinh tế thì chúng tôi làm theo phương pháp như trên. Đó chính vai trò của Liên hiệp Hội phụ nữ trong việc phối hợp hướng dẫn tổ chức quản lý cũng như sử dụng nguồn vốn này là đối với tập thể, cá nhân.

Đối với vai trò của dân vận khéo trong vay vốn NHCSXH, phải có cơ cấu tổ chức bộ máy tới tận thôn, bản. Ở đó, trong quá trình sử dụng nguồn vốn của NHCSXH, họ giám sát lẫn nhau về việc sử dụng nguồn vốn như thế nào cho hiệu quả. Đó chính là vai trò của của cấp ủy, chính quyền các cấp, hội, đoàn thể nhận ủy thác trong việc giúp NHCSXH trong việc làm cho người dân hiểu các chính sách của NHCSXH, và chúng tôi là kênh thông tin kết nối.

Trong quá trình quản lý, giám sát sử dụng nguồn vốn thì tôi nghĩ rằng Hội Liên hiệp phụ nữ tại các thôn, bản đóng vai trò rất quan trọng trong việc giúp NHCSXH để tương tác với nhau.

ĐBQH – Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Điện Biên Lò Thị Luyến