Để người dân có bữa ăn “sạch”

- Thứ Sáu, 08/07/2016, 08:06 - Chia sẻ
Hiện nay, dư luận cả nước nói chung và ở Hà Nội nói riêng đang rất “nóng” về vấn đề thực phẩm bẩn. Nỗi hoang mang, lo lắng ấy len lỏi vào từng mâm cơm của mỗi gia đình, khiến cuộc sống của hàng triệu người dân Thủ đô bị ảnh hưởng. Làm thế nào để giữ và giúp được cho dân có bữa ăn “sạch”? Đó chính là câu hỏi lớn đặt ra với chính quyền các cấp trong việc tuyên chiến với thực phẩm bẩn.

Liên tục thu giữ thực phẩm không rõ nguồn gốc

Thời gian gần đây, lực lượng Cảnh sát môi trường, Quản lý thị trường TP Hà Nội liên tục bắt giữ số lượng lớn những mặt hàng thực phẩm không rõ nguồn gốc, nhập lậu được đem đi tiêu thụ. Mỗi vụ bị phát hiện, bắt giữ, cơ quan chức năng đều thu giữ số lượng lớn thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc; trong đó, có không ít lô hàng với số lượng thực phẩm đã bắt đầu ôi thiu, hết hạn sử dụng lâu ngày.


Bữa cơm “sạch” là mong muốn của tất cả người dân

Đại tá Đào Thanh Hải - Phó Giám đốc Công an TP Hà Nội cho biết, mặc dù các lực lượng chức năng trên địa bàn Thủ đô đã tăng cường phối hợp kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm ATVSTP. Tuy nhiên, tình trạng sản xuất kinh doanh vận chuyển thực phẩm nhập lậu, không rõ nguồn gốc vẫn diễn ra rất phức tạp, kết quả kiểm tra xử lý vẫn chưa cao. Việc kiểm soát tuyến đường giao thông từ các tỉnh vận chuyển vào Hà Nội gặp rất nhiều khó khăn. Các đối tượng vi phạm dùng mọi thủ đoạn để vận chuyển kinh doanh các mặt hàng thực phẩm không rõ nguồn gốc. Phương thức vận chuyển thường vào ban đêm hoặc gửi nhỏ lẻ trên các tuyến xe khách, trà trộn thực phẩm vào các kiện hàng đi kèm theo các xe. Hàng ngày, có hàng trăm tuyến xe đi vào Hà Nội với khoảng thời gian khác nhau nên việc kiểm soát, kiểm tra của các lực lượng chức năng gặp rất nhiều khó khăn.

Trong khi đó, các văn bản pháp luật hiện còn nhiều bất cập, có sự chồng chéo trong công tác quản lý giữa các cơ quan chức năng, gây khó khăn trong cách xử lý các hành vi vi phạm. Trang thiết bị phương tiện phục vụ công tác kiểm tra, kiểm soát vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn nên việc kiểm tra phát hiện nhanh vi phạm về chất lượng vẫn phải trông chờ vào các cơ quan chuyên môn, mất nhiều thời gian, việc xử lý không bảo đảm kịp thời.

Sẽ khả quan khi gỡ nút thắt về pháp luật

 Hàng trăm tổ chức, cá nhân bị xử lý về hành vi vi phạm ATTP

Theo Ban Chỉ đạo 197 TP Hà Nội, trong 6 tháng đầu năm, lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội đã xử lý 2.332 vụ vi phạm, phạt hành chính 18 tỷ đồng, trị giá hàng tịch thu xấp xỉ 9 tỷ đồng, trị giá hàng tiêu hủy hơn 20 tỷ đồng. Cục Hải quan TP đã phát hiện, xử lý 456 vụ, xử phạt hành chính gần 4,3 tỷ đồng. Qua công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành đối với 139 tổ chức, cá nhân kinh doanh vật tư nông nghiệp và ATVSTP, đã phát hiện nhiều hành vi vi phạm, xử phạt vi phạm hành chính 32 tổ chức, cá nhân với tổng số tiền hơn 1,3 tỷ đồng. Ngoài ra, tịch thu, tiêu hủy, khắc phục nhãn hàng hóa vi phạm với tổng số tiền trên 99 triệu đồng.

Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, Phó trưởng Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường (PC49) Công an TP Hà Nội Nguyễn Anh Tuấn cho biết, hiện vẫn còn một số tồn tại trong việc quản lý, đấu tranh với các hành vi vi phạm pháp luật về ATVSTP cần sớm được khắc phục. Theo đó, công tác kiểm soát sản phẩm hàng hóa là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh nhập khẩu vẫn chưa chặt chẽ, thiếu đồng bộ, chưa đủ khả năng kiểm soát do cơ chế phối hợp thực hiện giữa các ngành Hải quan, Quản lý thị trường, Y tế, Công an và các địa phương chưa đồng bộ, đặc biệt là các tỉnh biên giới.

Bên cạnh đó, thẩm quyền của lực lượng Cảnh sát môi trường chưa được quy định rõ ràng trong các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn thực phẩm, thú y… Do vậy, các vụ phát hiện đều phải phối hợp với thanh tra chuyên ngành xử lý nên hiệu quả công tác đấu tranh chưa cao, chưa xử lý triệt để các vi phạm; thời gian xử lý các vụ việc vi phạm có thể bị kéo dài.

Đặc biệt, hiện nay, tỷ lệ vụ việc vi phạm ATVSTP được phát hiện, chuyển xử lý hình sự so với xử lý hành chính rất ít, vì vậy mức độ răn đe chưa cao. “Đây là một trong những mặt hạn chế do những tồn tại về chính sách pháp luật. Tuy nhiên, một số luật đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1.7.2016 sẽ điều chỉnh khắc phục những tồn tại này. Theo đó, lỗi nặng nhất liên quan đến tội vi phạm các quy định về ATVSTP có thể bị phạt tù lên tới 20 năm, cao hơn rất nhiều so với mức vài năm tù như theo quy định cũ” - Phó Trưởng phòng PC49 cho biết. Trong thời gian tới, Công an TP Hà Nội nói chung và Phòng PC49 sẽ tập trung tăng cường chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất và kinh doanh hàng giả, hàng cấm. Các lực lượng liên ngành cũng tăng cường kiểm tra ATVSTP; quản lý chặt chẽ hoạt động giết mổ gia súc, gia cầm và kiểm soát tiêu thụ sản phẩm... trên địa bàn TP. Hy vọng, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp chính quyền, tình hình mất ATVSTP trên địa bàn TP Hà Nội sẽ có những chuyển biến tích cực, người dân sẽ không còn rơi vào cảnh hoang mang khi không biết tìm đâu thực phẩm sạch, an toàn để phục vụ cho cuộc sống sinh hoạt hàng ngày. 

LONG HUỲNH