Nhịp cầu

Để người dân chủ động tham gia

- Thứ Năm, 17/09/2020, 09:00 - Chia sẻ
Trong buổi làm việc với UBND các huyện Châu Thành, Thạnh Phú và Ba Tri vừa qua về kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020, Đoàn giám sát HĐND tỉnh Bến Tre đánh giá cao nỗ lực của UBND các huyện trong thực hiện các chương trình.

Cụ thể, đối với việc thực hiện chương trình, các huyện đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp tốt giữa các ngành, đoàn thể. Hầu hết các xã của 3 huyện Thạnh Phú, Châu Thành và Ba Tri đều đạt từ 10 tiêu chí trở lên, không có xã đạt dưới 10 tiêu chí. Đời sống của người dân được nâng lên đáng kể, đặc biệt so với một số huyện thì Ba Tri có số xã đạt chuẩn nông thôn mới khá cao (7/22 xã); thu nhập bình quân/người tăng (cuối năm 2019 đạt 47,02 triệu đồng/người/năm, ước tính đến cuối năm 2020 đạt 52,1 triệu đồng/người/năm).

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, các cấp ủy, chính quyền địa phương đã tích cực thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ như: đào tạo nghề, đưa người đi lao động ở nước ngoài; hỗ trợ về y tế, giáo dục, nhà ở, hỗ trợ sản xuất, đa dạng sinh kế và nhân rộng các mô hình giảm nghèo… Từ đó, tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo đã giảm đáng kể.

Đơn cử tại huyện Thạnh Phú, tỷ lệ giảm nghèo, cận nghèo bình quân mỗi năm giảm 2,89%. Trong đó, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo tại các xã đặc biệt khó khăn, vùng bãi ngang ven biển trên địa bàn giảm bình quân cao hơn mặt bằng chung của huyện (3,41% so với mức bình quân chung 2,89% của huyện); có 1 xã thoát khỏi tình trạng đặc biệt khó khăn vùng bãi ngang ven biển và đạt xã nông thôn mới (xã An Nhơn).

Bên cạnh những kết quả đạt được, Đoàn giám sát HĐND tỉnh cũng thẳng thắn chỉ ra: Tỷ lệ xã đạt chuẩn nông thôn mới của các huyện còn thấp so với tỷ lệ trên địa bàn tỉnh; tỷ lệ thoát nghèo ở các xã bãi ngang vẫn còn thấp. Đáng lưu ý, công tác tuyên truyền, vận động người dân trong xây dựng nông thôn mới còn hạn chế. Vẫn còn một bộ phận người dân còn ỷ lại, trông chờ vào sự hỗ trợ của các cấp, chính quyền địa phương trong thực hiện chương trình giảm nghèo.

Thực tế này cho thấy, một nội dung cần tập trung thực hiện và thực hiện hiệu quả hơn trong thời gian tới trong Chương trình xây dựng nông thôn mới là công tác tuyên truyền, vận động, tạo điền kiện cho người dân tham gia. Phải để người dân thấy được lợi ích thiết thực của chương trình mang lại, từ đó mới chủ động và tích cực tham gia.

Trong thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững cũng vậy, chính quyền địa phương, đoàn thể cần quan tâm hơn nữa đến công tác tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao nhận thức của người dân tự vươn lên làm ăn thoát nghèo; đồng thời, tạo điều kiện để người dân được tham gia vào các dự án hỗ trợ giảm nghèo nhằm kéo giảm tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo, nhất là quan tâm hơn nữa đối với các hộ nghèo là gia đình chính sách để giúp họ có điều kiện sống tốt hơn.

YẾN LÊ