Đề nghị tăng định mức người làm việc trong trường phổ thông

- Thứ Sáu, 03/07/2020, 14:42 - Chia sẻ
Sáng 3.7, phát biểu trong buổi làm việc với Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ về tình hình thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, đại diện huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, đề nghị cấp có thẩm quyền điều chỉnh tăng định mức người làm việc trong các trường phổ thông để bảo đảm thực hiện được việc tổ chức dạy học theo chương trình mới.

Trùng Khánh là huyện miền núi biên giới nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Cao Bằng, với đường biên giới dài 100km, trung tâm huyện lỵ cách thành phố Cao Bằng 60km. Thực hiện Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện và đổi tên đơn vị hành chính cấp xã thuộc tỉnh Cao Bằng, huyện Trùng Khánh hiện có 19 xã, 2 thị trấn, trong đó có 13 xã tiếp giáp với Trung Quốc.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phạm Tất Thắng - Trưởng đoàn giám sát - phát biểu lại cuộc làm việc
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ Phạm Tất Thắng - Trưởng đoàn giám sát - phát biểu lại cuộc làm việc

Báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết số 88/2014/QH13 và Nghị quyết số 51/2017/QH14 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông giai đoạn 2015 - 2020, đại diện UBND huyện Trùng Khánh cho biết, về cơ sở vật chất, tuy đã thực hiện quy hoạch, sắp xếp mạng lưới trường lớp học, giảm được các điểm trường, lớp lẻ, nhưng số lượng điểm trường trên địa bàn còn khá nhiều (36 điểm trường), đặc biệt ở bậc mầm non và cấp tiểu học. Do vậy, việc đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị phục vụ dạy học cho các bậc, cấp học này gặp rất nhiều khó khăn.

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Trùng Khánh Lã Thị Phương báo cáo về tình hình thực hiện NQ 88 và NQ 51 trên địa bàn

Việc bổ sung các môn học mới như: Tiếng Anh, Tin học và Công nghệ đối với cấp tiểu học; môn Tin học là môn học bắt buộc đối với cấp trung học cơ sở và môn Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật) đối với cấp trung học phổ thông và để bảo đảm dạy và học theo chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới đòi hỏi phải đầu tư xây dựng thêm các phòng chuyên môn, chức năng, mua sắm bổ sung trang thiết dạy học. Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa ban hành văn bản, hướng dẫn mới về yêu cầu đối với cơ sở vật chất thiết bị dạy học để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới đối với các khối lớp 2, 3... Do đó, việc thống kê và xác định nhu cầu bổ sung, thay thế đối với cơ sở vật chất, thiết bị cho các cơ sở giáo dục còn gặp nhiều khó khăn…

Phó Chủ tịch UBND huyện Trùng Khánh Đàm Văn Vũ cho biết, mặc dù huyện đã rất cố gắng huy động các nguồn lực tập trung cho giáo dục, song chỉ đáp ứng ở mức tối thiểu

Về đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, do địa bàn rộng, địa hình chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, nên phải duy trì nhiều điểm trường, lớp có quy mô nhỏ để tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh đến trường, giảm thiểu tình trạng học sinh bỏ học. Do đó, việc tính và giao biên chế giáo viên theo tỷ lệ giáo viên/lớp (trong đó số học sinh/lớp tính tối đa theo quy định tại điều lệ trường phổ thông đối với từng cấp học) đối với địa bàn các tỉnh miền núi chưa hợp lý. Thiếu cơ cấu đội ngũ giáo viên dạy các môn học đáp ứng yêu cầu chương trình, sách giáo khoa mới: Tin học, tiếng Anh đối với cấp tiểu học; môn Tin học đối với cấp trung học cơ sở, môn Nghệ thuật (Âm nhạc, Mỹ thuật) đối với cấp trung học phổ thông. Điều kiện sinh hoạt, chế độ tiền lương, thu nhập của giáo viên, đặc biệt giáo viên ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội đặc biệt khó khăn, giáo viên dạy ở các điểm trường còn nhiều khó khăn, do đó sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến đến động lực đổi mới của giáo viên.

Theo Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngọc Trung Triệu Thanh Ba, hiện trường chỉ đủ phòng học thực hiện học 2 buổi/ngày, thiếu phòng bộ môn, trang thiết bị hiện đại để dạy và học theo chương trình mới

Huyện Trùng Khánh đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo tham mưu với cấp có thẩm quyền điều chỉnh tăng định mức người làm việc trong các trường phổ thông để bảo đảm thực hiện được việc tổ chức dạy học theo chương trình mới; giảm số lượng học sinh/lớp để thuận lợi cho việc tổ chức các hoạt động học cho học sinh; sớm ban hành các thông tư điều chỉnh, bổ sung về quy chế, điều lệ trường phổ thông, kiểm tra đánh giá học sinh để triển khai thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Đối với Ủy ban Nhân dân tỉnh, đề nghị tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học; bổ sung biên chế cho ngành giáo dục, để đáp ứng yêu cầu thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới…

Đoàn giám sát huyện cần rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục, tính tổng kinh phí cũng như khả năng đáp ứng của địa phương để có sự chuẩn bị cần thiết triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới
Đoàn giám sát đề nghị huyện rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị giáo dục, tính tổng kinh phí cũng như khả năng đáp ứng của địa phương để có sự chuẩn bị cần thiết triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới

Đoàn giám sát chia sẻ với những khó khăn của Trùng Khánh - một huyện miền núi biên giới, và khó khăn dường như nhân đôi sau khi huyện sáp nhập. Đoàn giám sát cũng ấn tượng về quá trình chỉ đạo, điều hành của huyện trong lĩnh vực giáo dục và những kết quả mà huyện đã đạt được thời gian qua, nhất là tỷ lệ phòng học kiên cố cao hơn mức trung bình của cả nước. Tuy nhiên, để dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông mới đòi hỏi phòng bộ môn, phòng chức năng, trang thiết bị phù hợp. Vì vậy, huyện cần nhanh chóng rà soát, tính tổng kinh phí cũng như khả năng đáp ứng của địa phương để có sự chuẩn bị cần thiết, bảo đảm có thể triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới; đặc biệt quan tâm, tính toán các phương án để có đủ sách giáo khoa cho học sinh lớp 1 trong năm học mới sắp tới.

PV