Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh lấy ý kiến góp ý Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi)

Đề nghị giữ nguyên tuổi nghỉ hưu đối với lao động đặc thù

- Thứ Tư, 14/08/2019, 07:57 - Chia sẻ
Đối với tuổi nghỉ hưu nhưng đặc thù là ngành lao động nặng nhọc, độc hại như khai thác hầm lò, đề nghị xem xét điều chỉnh áp dụng quy định người lao động có thời gian tham gia bảo hiểm có từ đủ 30 năm trở lên, trong đó có 15 năm khai thác hầm lò được hưởng tỷ lệ tối đa 75% lương. Đề nghị giữ nguyên tuổi nghỉ hưu cho công nhân khai thác than hầm lò được quy định như hiện nay là 50 tuổi. Đây là kiến nghị nổi bật tại buổi lấy ý kiến góp ý của Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Ninh vào Dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi) mới đây.

Bảo đảm quyền lợi cho lao động phi chính thức

Việc sửa đổi Bộ luật Lao động lần này nhằm đáp ứng yêu cầu của Nghị quyết số 28-NQ/TW 2018 về cải cách chính sách BHXH, điều chỉnh độ tuổi nghỉ hưu theo lộ trình phù hợp với quá trình già hóa dân số, giúp Việt Nam hội nhập sâu rộng với kinh tế quốc tế. Vừa qua, nước ta đã ký kết 24 hiệp định thương mai quốc tế, để đáp ứng điều kiện tham gia hiệp định và tuân thủ các công ước quốc tế, việc sửa đổi Dự thảo Luật là cần thiết.


Đại biểu phát biểu ý kiến tại hội nghị Ảnh: Khánh Duy

  Qua tổng kết thi hành, nhiều doanh nghiệp, người lao động, tổ chức đại diện người sử dụng và công đoàn đã phản ánh nhiều vướng mắc, bất cập xuất phát từ không chỉ nội dung của các điều luật trong Bộ luật Lao động mà còn xuất phát từ các văn bản hướng dẫn chi tiết Bộ luật Lao động ở một số nội dung chủ yếu sau: Hợp đồng lao động, tiền lương, thời giờ làm việc, kỷ luật lao động, lao động nữ, lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, đối thoại tại nơi làm việc, thương lượng tập thể, giải quyết tranh chấp lao động và đình công… Các vướng mắc, bất cập đó cần phải được sửa đổi, bổ sung để bảo đảm thực thi hiệu quả trên thực tế.

Góp ý vào Dự án Luật, đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh cho rằng: Thời gian làm việc quy định cứng vào 8h30 tại Điều 106 không phù hợp với điều kiện cụ thể tại Việt Nam, nhất là tại miền Bắc. Đại biểu cho rằng, nên giữ nguyên như cũ, không quy định cứng trong dự án luật mà sẽ cụ thể hóa căn cứ vào điều kiện thực tiễn của từng vùng. Liên quan đến việc làm thêm giờ quy định tại Điều 108, theo đại biểu đa số người lao động không muốn làm thêm giờ, trên thực tiễn khi làm việc cho các doanh nghiệp liên doanh đã và đang phải làm thêm giờ rất nhiều. Do mức thu nhập không đáp ứng được mức sống tối thiểu của bản thân và gia đình, vì vậy việc trả lương làm thêm giờ nên bảo đảm cao nhất quyền lợi của người lao động. Với cách tính tiền lương lũy tiến, khống chế tối đa một ngày làm thêm không quá 2 tiếng để bảo đảm sức khỏe cho người lao động cũng như tránh tình trạng doanh nghiệp lạm dụng buộc người lao động làm thêm giờ.

  Liên quan đến phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội  Nguyễn Thành Tâm cho rằng: Hiện trên địa bàn có khoảng trên 800 nghìn lao động, trong đó tại doanh nghiệp khoảng 320 nghìn lao động chiếm chưa đến 50% tổng số lao động trên địa bàn. Trong dự thảo không đề cập đến đối tượng lao động phi chính thức. Hiện đối tượng này chiếm tỷ lệ rất lớn trên địa bàn. Sẽ là thiết sót nếu không đưa đối tượng này vào dự thảo luật để bảo đảm quyền lợi của các đối tượng lao động. Cùng quan điểm với đại biểu Tâm, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam tỉnh Nguyễn Thị Vinh cho rằng: Cần bổ sung đối tượng lao động phi chính thức dự thảo luật, trên thực tế lực lượng này chiếm tỷ lệ lớn, đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế chung. Cũng theo đại biểu, trong lĩnh vực lao động phi chính thức, phụ nữ tham gia rất đông, theo thống kê có 29,5% phụ nữ tham gia lực lượng lao động này. Việc bổ sung quy định về lao động phi chính thức cũng góp phần bảo vệ quyền lợi người phụ nữ khi tham gia lao động.

Giữ nguyên tuổi nghỉ hưu đối với lao động đặc thù

Về việc tăng tuổi nghỉ hưu, theo Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội (BHXH) tỉnh Trương Đắc Thời: Để đáp ứng được việc cân đối Quỹ BHXH trong thời kỳ già hóa dân số, giải pháp lâu dài là điều chỉnh cơ cấu lao động, đóng và hưởng BHXH cho phù hợp. Vì vậy, với phương án kéo dài thời gian đóng, nâng tuổi nghỉ hưu theo đại biểu hầu hết các quốc gia trên thế giới cũng phải nâng tuổi nghỉ hưu. Để không tác động lớn đến người lao động, người sử dụng lao động, Phó Giám đốc BHXH tỉnh cho rằng nên áp dụng tuổi nghỉ hưu người lao động trong điều kiện bình thường đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và 55 tuổi 4 tháng đối với nữ; tăng dần mỗi năm là 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 và nữ đủ 60 tuổi.

 Chia sẻ quan điểm với Phó Giám đốc BHXH tỉnh, Phó Chủ tịch Thường trực Công đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam Phạm Hồng Hạnh cho rằng: Liên quan đến tuổi nghỉ hưu nhưng đặc thù là ngành lao động nặng nhọc, độc hại như khai thác hầm lò, đề nghị xem xét điều chỉnh áp dụng quy định người lao động có thời gian tham gia bảo hiểm có từ đủ 30 năm trở lên, trong đó có 15 năm khai thác hầm lò được hưởng tỷ lệ tối đa 75% lương. Đề nghị giữ nguyên tuổi nghỉ hưu cho công nhân khai thác than hầm lò được quy định như hiện nay là 50 tuổi.

Về việc bảo đảm quyền lợi người lao động, Phó Trưởng ban Văn hóa - Xã hội HĐND tỉnh Phạm Văn Hoài cho biết: Tổ chức đại diện của người lao động đã được quy định cụ thể, việc thành lập tổ chức này cũng là điều cần thiết để hòa nhập sâu rộng hơn với kinh tế quốc tế. Đại biểu băn khoăn việc kiểm soát, quản lý hoạt động của các tổ chức này để tránh tình trạng các tổ chức phản động lợi dụng trình độ nhận thức của bộ phận người lao động còn hạn chế dễ bị lôi kéo vào các hoạt động chính trị bất hợp pháp. Vì vậy, theo đại biểu cần có quy định chặt chẽ để kiểm soát hoạt động của tổ chức này hiệu quả, đúng vai trò, chức năng nhiệm vụ của mình.

KHÁNH DUY