Đồng Nai thu hút đầu tư phát triển sản xuất, chế biến nông sản

Để mang ngoại tệ về từ nông sản

- Thứ Năm, 17/09/2020, 08:53 - Chia sẻ
Với diện tích đất nông nghiệp chiếm hơn 70% diện tích toàn tỉnh, có điều kiện thời tiết, khí hậu ôn hòa, địa chất tuyệt vời, các chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá Đồng Nai là tỉnh số 1 của Việt Nam để phát triển công nghiệp trong nông nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến. Khai thác tiềm năng thế mạnh, xây dựng nền nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, mang ngoại tệ về từ những vườn cây trái đang là hướng đi cho phát triển nông nghiệp của Đồng Nai.

Nhiều tiềm năng phát triển công nghiệp chế biến nông sản

Giai đoạn 2015-2020, Đồng Nai đạt tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp trung bình 3,82%/năm, thu nhập bình quân khu vực nông thôn đạt 59,61 triệu đồng/người/năm (2020), gấp 1,36 lần sao 2015; giá trị sản phẩm nông, lâm, thuỷ sản/hecta đạt 234 triệu đồng (2019); Tỷ trọng ngành chăn nuôi tăng từ 53,35 lên 56,07%, trồng trọt giảm từ 43,94% xuống 43,34%.

Đồng Nai có gần 470 nghìn hecta đất nông nghiệp, trong đó, diện tích đất sản xuất nông nghiệp hơn 277 nghìn hecta, diện tích đất lâm nghiệp 180 nghìn ha, diện tích đất nuôi trồng thủy sản gần 8.000ha. Đồng Nai có nhiều mặt hàng nông sản thế mạnh thuộc danh mục 13 sản phẩm nông nghiệp chủ lực quốc gia của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn gồm: cao su, cà phê, điều, hồ tiêu, rau quả, thịt heo, thịt gà…

Mặc dù, là tỉnh công nghiệp, dịch vụ, song Đồng Nai luôn coi trọng nông nghiệp, nông dân, nông thôn, coi nông nghiệp, nông thôn là yếu tố quan trọng trong phát triển bền vững của tỉnh. Đồng Nai đang tập trung phát triển mạnh nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa hiện đại, đáp ứng yêu cầu "4 có" bao gồm: giá trị cao, khả năng cạnh tranh, thị trường tiêu thụ và hiệu quả cao.

Những năm qua, nông nghiệp nông thôn Đồng Nai đã có bước phát triển tích cực, địa phương đã thực hiện tái cơ cấu xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, nâng cao lợi thế cạnh tranh sản phẩm ngành hàng. Các cây, con chủ lực đã được quy hoạch và hình thành rõ các vùng sản xuất tập trung, như vùng cây chuyên canh, sản phẩm có khả năng xuất khẩu, có giá trị kinh tế cao, phù hợp điều kiện tự nhiên của từng địa phương.

Lợi thế của Đồng Nai là cây ăn trái với nhiều loại đặc sản như: chôm chôm, xoài, chuối, sầu riêng, bưởi... có diện tích thuộc top đầu cả nước. Xoài ở Vĩnh Cửu, Định Quán, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ; cây điều ở Định Quán, Xuân Lộc; sầu riêng ở Cẩm Mỹ, Long Khánh, Tân Phú; ca cao ở Long Khánh, Thống Nhất, Định Quán; bưởi ở Vĩnh Cửu, Tân Phú; chuối ở Trảng Bom, Thống Nhất… Hiện nhóm sản phẩm chủ lực cấp tỉnh gồm có hồ tiêu, cà phê, điều, cao su, xoài, bưởi, sầu riêng, chôm chôm, chuối và rau; nhóm đặc sản địa phương gồm bưởi Tân Triều, chôm chôm Long Khánh, sầu riêng Xuân Định và Phú An, xoài Suối Lớn và Phú Lý, hồ tiêu Lâm San, bơ Xuân Bảo, mãng cầu na hạt lép Định Quán; vật nuôi gồm lợn và gà; thủy sản: cá nước ngọt và tôm.

Bưởi Tân Triều và chôm chôm Long Khánh đã xây dựng chỉ dẫn địa lý; nhiều loại cây ăn trái thế mạnh cũng đã xây dựng được vùng sản xuất sạch. Trên địa bàn tỉnh hiện có gần 80% diện tích đất sản xuất nông nghiệp có ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP đạt 573,456ha; 100% diện tích trồng mới và tái canh sử dụng giống mới chất lượng cao, 18 sản phẩm cây trồng được cấp nhãn hiệu hàng hóa.

Về trồng trọt, hiện tỉnh ứng dụng công nghệ sinh học trong chọn và tạo giống, đầu tư cơ sở hạ tầng cho xây dựng cánh đồng lớn, sử dụng công nghệ nhà lưới, nhà màng, ứng dụng rộng rãi tưới nước tiết kiệm, tăng cường cơ giới hóa và tự động hóa, xây dựng vườn kết hợp du lịch sinh thái.

Đồng Nai là địa phương có số lượng đàn lợn cao nhất cả nước với khoảng hơn 2,1 triệu con. Đàn gia súc gia cầm duy trì và phát triển ổn định trên 26 triệu con. Ngành chăn nuôi Đồng Nai phát triển theo hướng bền vững, an toàn sinh học, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất giống, sử dụng giải pháp sinh học và cơ học trong xử lý nước thải.

Về thủy sản, với diện tích trên 32.000ha, tỉnh đã định hướng áp dụng quy trình công nghệ cao trong nuôi thâm canh, tự động kiểm soát môi trường, ứng dụng công nghệ sinh học trong chẩn đoán và kiểm soát dịch bệnh, sản lượng thủy sản hàng năm đều có bước tăng nhanh. Hiện tại, diện tích nuôi tôm thẻ theo mô hình công nghệ cao CPF đạt hơn 81ha, mang lại giá trị thiết thực cho người nuôi như năng suất cao, tôm kích cỡ lớn và lợi nhuận gia tăng.

Phát triển công nghiệp chế biến là giải pháp đầu ra bền vững cho những cánh đồng tiêu năng suất cao  

Công nghiệp chế biến - đầu ra bền vững cho nông sản chủ lực

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Đồng Nai, tỉnh đã hình thành nhiều khu sản xuất tập trung cho các loại cây trồng như: 44.000ha cao su, 34.000ha điều, 12.000ha cà phê, 15.000ha tiêu, 10.000ha chôm chôm, 11.000ha xoài, 10.000ha chuối và gần 6.000ha sầu riêng. Đồng Nai cũng đứng đầu cả nước về số lượng trang trại với hơn 2.470 trang trại. Hiện tỉnh cũng đã phê duyệt thực hiện đối với 19 dự án cánh đồng lớn liên kết sản xuất và tiêu thụ.

Trên địa bàn tỉnh Đồng Nai hiện có 300 doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực chế biến nông sản, thực phẩm, trong đó có 130 doanh nghiệp đang hoạt động trong các khu, cụm công nghiệp. Tuy nhiên, phần lớn số doanh nghiệp này là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh cũng có hơn 3.000 cơ sở và hộ kinh doanh các lĩnh vực liên quan đến công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm. Phần lớn các cơ sở này có quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu nên chỉ dừng ở mức sơ chế mà chưa thể chế biến sâu. Trong 27 cụm công nghiệp được quy hoạch trên địa bàn tỉnh, hiện chưa có cụm công nghiệp chuyên ngành về chế biến nông sản thực phẩm.

Đánh giá về thực trạng của ngành công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm, một lãnh đạo UBND tỉnh Đồng Nai thẳng thắn đánh giá, đối với công nghiệp phục vụ nông nghiệp Đồng Nai còn yếu, trong khi Đồng Nai là vựa nông nghiệp lớn của cả nước với sản phẩm cây ăn quả, cây công nghiệp rất lớn, đa dạng và phong phú. Đây là một trong những lý do khiến người nông dân rơi vào cảnh “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Sản xuất nông nghiệp rơi cảnh bấp bênh, phát triển không bền vững. Nếu công nghiệp chế biến phát triển thì có thể thu mua chế biến thành nhiều sản phẩm để nâng cao giá trị, mở rộng thị trường.

Trước việc phát triển chưa đáp ứng tiềm năng của ngành công nghiệp chế biến nông sản, Đồng Nai hiện đang tập trung nguồn lực để thúc đẩy phát triển lĩnh vực này. Thời gian tới, một trong những mũi nhọn tỉnh tập trung phát triển là công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm để có được nhãn hiệu hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản, phát triển nông nghiệp bền vững. Với hướng đi này, nông sản Ðồng Nai sẽ không cạnh tranh bằng giá rẻ mà sẽ cạnh tranh bằng sản phẩm chất lượng cao.

Tạo bệ đỡ bằng thu hút đầu tư cụm công nghiệp chế biến

Đồng Nai xác định, thu hút đầu tư vào công nghiệp chế biến nông sản là một trong những giải pháp trọng tâm để giải quyết bài toán “Được mùa mất giá” trong sản xuất nông nghiệp, hạn chế tình trạng khủng hoảng thừa cho các sản phẩm nông nghiệp. Thời gian tới, thu hút đầu tư phát triển chế biến nông sản (chế biến sâu, chế biến tinh) là mục tiêu hàng đầu của tỉnh.

Để khắc phục những hạn chế trong việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tại Đồng Nai, Sở Kế hoạch - Đầu tư đang hoàn thiện danh mục các dự án đầu tư vào nông nghiệp trên địa bàn tỉnh để kêu gọi doanh nghiệp đầu tư. Bên cạnh đó, những khó khăn, vướng mắc khác của doanh nghiệp cũng sẽ được tổng hợp, báo cáo tỉnh sớm có các giải pháp phù hợp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp dễ tiếp cận hơn những chính sách ưu đãi của Nhà nước. Tỉnh sẽ thực hiện linh hoạt các chính sách thu hút đầu tư hiện nay đã có như Nghị định số 57/2018/NĐ-CP về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; Nghị định số 98/2018/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp; Nghị định 55/2015/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn… 

Đi đôi với các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp chế biến của tỉnh, Đồng Nai tiếp tục tập trung phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội đồng bộ, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Trong đó ưu tiên đầu tư những dự án quan trọng, có tính kết nối vùng, tạo sự đột phá và có tác động lan tỏa lớn, thúc đẩy mạnh sự phát triển chung, như: hệ thống đường huyện, tỉnh quản lý, đặc biệt hệ thống giao thông liên xã, làm hạt nhân thúc đẩy phát triển sản xuất, vận chuyển hàng hóa, giao lưu giữa các vùng.

Để nâng cao giá trị gia tăng cho nông sản, Đồng Nai xác định hình thành các chuỗi sản xuất, đầu tư mạnh vào các dự án chế biến sâu. Từ định hướng này, Đồng Nai đã lựa chọn cụm công nghiệp Phú Túc, huyện Định Quán và Long Giao, huyện Cẩm Mỹ để mời gọi các nhà đầu tư trong lĩnh vực chế biến nông sản.

Cụm công nghiệp Phú Túc (huyện Định Quán) được quy hoạch diện tích hơn 48ha. Đây là cụm công nghiệp có kết nối giao thông tốt, đã có kết nối điện lưới. Điều rất thuận lợi cho nhà đầu tư là vị trí của cụm kết nối được 3 địa phương có sản lượng nông sản lớn là Định Quán, Thống Nhất và Xuân Lộc.

Theo quy hoạch giai đoạn 1, cụm công nghiệp Long Giao có diện tích hơn 57ha. Đây là một trong 2 cụm công nghiệp được tỉnh ưu tiên chọn làm thí điểm đầu tư, phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản theo hướng chế biến sâu, đảm bảo đầu ra ổn định và bền vững cho sản phẩm nông nghiệp của tỉnh. Cụm công nghiệp này có lợi thế là gần những vùng nguyên liệu nông sản lớn như H.Cẩm Mỹ, H.Xuân Lộc, TP Long Khánh…

Đến nay, cụm công nghiệp Long Giao đã thống nhất phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng và đang trong giai đoạn hoàn tất thủ tục bồi thường. Huyện Cẩm Mỹ rất quan tâm đầu tư về cơ sở hạ tầng như đường, điện, nguồn nước sản xuất để cụm công nghiệp sớm đi vào hoạt động. Thuận lợi rất lớn trong đầu tư cụm công nghiệp Long Giao là quỹ đất sạch hầu như đã sẵn sàng để các doanh nghiệp sớm triển khai xây dựng nhà máy.

Anh Hiến