Cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp

Để lâu, thiệt hại càng lớn

- Thứ Sáu, 09/08/2019, 07:49 - Chia sẻ
Tại diễn đàn “Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước” ngày 8.8, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, trong nhiều trường hợp, việc chậm cổ phần hóa, thoái vốn đồng nghĩa với khả năng gây thất thoát cho Nhà nước càng lớn. Sự chậm trễ trong cổ phần hóa, thoái vốn dễ dẫn đến doanh nghiệp có tâm lý hoạt động cầm chừng chờ đợi, ảnh hưởng đến hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Những doanh nghiệp đã yếu kém sẽ lại càng yếu kém hơn và Nhà nước sẽ càng khó khăn hơn khi thoái vốn.

“Thường xuyên phải hỏi ý kiến”

Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp là 1 trong 3 nhiệm vụ quan trọng của tái cơ cấu nền kinh tế. Chính phủ đã ban hành đồng bộ hệ thống cơ chế chính sách và chỉ đạo quyết liệt triển khai. Tuy nhiên, theo công bố của Bộ Tài chính, đến nay mới cổ phần hóa được 35/127 doanh nghiệp của giai đoạn 2017 - 2020. Số doanh nghiệp còn phải cổ phần hóa từ nay tới năm 2020 là 92, chiếm 72% kế hoạch.

Chỉ ra những hạn chế trong cổ phần hóa và thoái vốn, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) Đặng Quyết Tiến cho rằng, các cơ quan liên quan chưa nghiêm túc triển khai. Bên cạnh đó là những vướng mắc về tài chính, đất đai, lao động…; tỷ lệ vốn nhà nước trong phương án cổ phần hóa còn cao dẫn đến giảm sức hút với các nhà đầu tư; chậm quyết toán bàn giao sang công ty cổ phần. Nguyên nhân quan trọng nữa là quy định trong nhiều văn bản liên quan còn chồng chéo, cứng nhắc, gây khó khăn, lúng túng cho cả cơ quan quản lý và doanh nghiệp thuộc diện thực hiện cổ phần hóa và thoái vốn.

Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) cũng gặp không ít khó khăn trong việc thực hiện quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước. Ông Trần Nguyên Nam, Phó Trưởng ban Phụ trách Ban Kế hoạch tổng hợp của SCIC cho biết, việc tiếp nhận quyền đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn chậm, quy mô hạn chế. Đa số doanh nghiệp khi tiếp nhận còn tỷ lệ vốn nhà nước không đủ chi phối hay phủ quyết. Doanh nghiệp có tỷ lệ vốn nhà nước cao (có trường hợp đến hơn 90%) thì hoạt động không hiệu quả, nhiều hạn chế về tài chính từ giai đoạn trước. Các công ty TNHH 1, 2 thành viên mà SCIC tiếp nhận có quy mô nhỏ, còn nhiều vướng mắc về tài chính kéo dài, đứng trước nguy cơ phá sản, thậm chí mất hết vốn nhà nước không đủ điều kiện triển khai cổ phần hóa. Đối với công tác thoái vốn nhà nước, ông Trần Nguyên Nam nhận định, nhìn chung pháp luật quy định còn chồng chéo tại nhiều văn bản thay vì tại một văn bản duy nhất, cho dù chỉ ở cấp thông tư. Bên cạnh đó, các quy định hiện hành chủ yếu mới chỉ dừng ở các quy định khung, mang tính nguyên tắc nên trong quá trình thực hiện, các doanh nghiệp nhà nước thường xuyên phải hỏi ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành để xử lý các vấn đề phát sinh.

Cần có cơ chế đặc thù để xử lý dứt điểm

Theo chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long, khi Nhà nước còn nắm tỷ lệ sở hữu lớn sẽ khiến DNNN khó thay đổi về chất. Ông Long phân tích: Diễn biến trên thị trường chứng khoán trong hơn 3 năm qua cho thấy, trong tổng số 25 tổng công ty thuộc diện thoái vốn giai đoạn 2017 - 2020, có 20 tổng công ty đã niêm yết trên thị trường chứng khoán, nhưng chỉ có 1 tổng công ty đã thực hiện thoái hết vốn nhà nước. Còn lại, có đến 8 tổng công ty gần như không có giao dịch cổ phiếu hoặc giao dịch không đáng kể. Đáng chú ý, tất cả những doanh nghiệp này đều có đặc điểm chung là Nhà nước vẫn đang nắm từ 80% - 98% tổng số cổ phần.

Trong giai đoạn từ năm 2011 - 2016, trong số 426 doanh nghiệp, nhà đầu tư chiến lược chỉ nắm giữ 7,3% vốn điều lệ của doanh nghiệp cổ phần hóa. Điều này đã dẫn đến một thực tế là DNNN không có sự thay đổi căn bản về cơ chế quản trị, nhân sự là những yếu tố quan trọng giúp nâng cao hiệu quả hoạt động. Việc tham gia vào hội đồng quản trị của nhà đầu tư chiến lược nhiều khi chỉ mang tính hình thức.

Nhiều trường hợp việc chậm cổ phần hóa, thoái vốn cũng đồng nghĩa với khả năng gây thất thoát cho Nhà nước càng lớn. Chẳng hạn như, nhà máy Bột Giấy Phương Nam, Công ty Gang thép Thái Nguyên… bán nhiều lần không ai mua; hoặc không bán được do còn vướng mắc, tồn đọng chưa giải quyết được. Cổ phiếu của một số doanh nghiệp có vốn nhà nước trong một số ngành, lĩnh vực vốn rất hấp dẫn nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư ngoại như dược phẩm, công nghiệp nhựa, bia rượu nước giải khát… đang giảm dần. Hay Công ty CP Cồn rượu Hà Nội (Halico), năm 2011 đã có nhà đầu tư ngoại mua 30% cổ phần với giá hơn 200.000 đồng/cổ phiếu. Thế nhưng đến năm ngoái, công ty này lên sàn với mức giá chỉ 31.000 đồng/cổ phiếu và đến thời điểm này chỉ còn 12.000 đồng/cổ phiếu, hoàn toàn không có giao dịch. Công ty lỗ liên tục từ 2015 đến nay.

Từ thực tế trên, ông Ngô Trí Long cho rằng, nếu Nhà nước không có cơ chế đặc thù để xử lý dứt điểm khó khăn, vướng mắc để thoái vốn càng nhanh càng tốt, thì chắc chắn bất lợi và thiệt hại sẽ càng nhiều hơn. Sự chậm trễ trong cổ phần hóa, thoái vốn dễ dẫn đến doanh nghiệp có tâm lý hoạt động cầm chừng chờ đợi, thậm chí là bất an của chính đội ngũ quản lý và người lao động, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Trong trường hợp này, những doanh nghiệp đã yếu kém sẽ lại càng yếu kém hơn và Nhà nước sẽ càng khó khăn hơn khi thoái vốn.

Theo các chuyên gia, trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước, việc lựa chọn nhà đầu tư nội hay ngoại không quan trọng bằng việc đánh giá, lựa chọn được nhà đầu tư. Trong đó ưu tiên nhà đầu tư có công nghệ tiên tiến, có kinh nghiệm, cam kết gắn bó với thị trường Việt Nam trong dài hạn, có chiến lược phát triển dựa trên những sản phẩm thuần Việt. Thực tế không ít nhà đầu tư chiến lược Việt tham gia mua cổ phần của doanh nghiệp Nhà nước chỉ nhằm mục đích chính là bất động sản và những khu đất vàng hơn là nhằm vào thương hiệu hoặc ngành kinh doanh chính của doanh nghiệp. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới tiến độ cổ phần hóa, thoái vốn tại doanh nghiệp nhà nước thời gian qua bị chậm lại. Do vậy, quy định pháp lý cần chặt chẽ hơn, một số khâu, công đoạn buộc phải kéo dài để tránh thất thoát như việc xác định giá trị doanh nghiệp, xử lý đất đai trước khi cổ phần hóa.

Bài và ảnh: An Thiện