Giải quyết kiến nghị cử tri từ cơ sở

Để không xảy ra “điểm nóng”

- Thứ Sáu, 27/03/2020, 08:24 - Chia sẻ
Biết lắng nghe, thấu hiểu những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của cử tri và Nhân dân để giải quyết đầy đủ, kịp thời, đúng quy định của pháp luật là củng cố niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, với Nhà nước, để không xảy ra điểm “nóng” gây mất an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Nhất là khi chúng ta đồng loạt tổ chức đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Phải biết lắng nghe và thấu hiểu

Câu chuyện Thủ Thiêm của thành phố Hồ Chí Minh diễn ra khoảng 24 năm qua phần nào đã minh chứng cho việc một số cán bộ, công chức chưa biết hoặc không chịu lắng nghe và thấu hiểu dân tình.

Nếu chỉ tính đơn thuần trong 24 năm qua, theo thường lệ có khoảng 48 cuộc TXCT của đại biểu HĐND thành phố, chưa tính các cuộc TXCT của đại biểu Quốc hội, của đại biểu HĐND Quận 2, thành phố Hồ Chí Minh. Trong 48 cuộc TXCT tương đương với 48 lần cán bộ, công chức (từ cấp ủy, chính quyền, Mặt trận...  thành phần tham gia các hội nghị TXCT của đại biểu dân cử theo quy định) đối diện trực tiếp để nghe cử tri và Nhân dân Thủ Thiêm bức xúc kiến nghị. 48 lần cử tri và Nhân dân Thủ Thiêm bức xúc kiến nghị về miếng cơm, manh áo, về cuộc sống yên bình có lẽ đã thấu tận trời xanh.

Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Đảng ta đã chỉ rõ: “Một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức chưa thật sự tôn trọng, lắng nghe ý kiến để giải quyết kịp thời, có hiệu quả những yêu cầu, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân”. Có thể xem Thủ Thiêm là điển hình của việc một bộ phận cán bộ, đảng viên, công chức chưa thật sự tôn trọng và lắng nghe ý kiến, kiến nghị của dân mà Đảng ta đã cảnh tỉnh. Qua đó, cũng cho chúng ta thấy trong bộ máy nhà nước vẫn còn những cán bộ, công chức quan liêu, xa rời thực tiễn, xa dân và “năng lực” lắng nghe, cảm thông với dân còn yếu.

Từ Thủ Thiêm đã cảnh tỉnh cho tất cả các cấp ủy, chính quyền cơ sở rất nhiều vấn đề trong phát triển kinh tế, quy hoạch, xây dựng, sử dụng đất đai, phát triển đô thị… và công tác cán bộ, trong đó có việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Nếu biết lắng nghe, thấu hiểu và thật sự tôn trọng dân, không xa dân, biết đặt mình vào vị trí của người dân để mà xem xét, giải quyết đầy đủ, kịp thời nguyện vọng chính đáng của dân thì đâu đến nỗi để xảy ra điểm “nóng” làm ảnh hưởng đến an ninh, chính trị của địa phương, làm xói mòn niềm tin của dân, để cho Đảng phải mất những cán bộ. Qua đây cũng gióng lên hồi chuông thức tỉnh sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, tinh thần trách nhiệm của các cấp chính quyền, của cán bộ, công chức, viên chức trong nghiên cứu, xem xem, giải quyết thấu đáo ý kiến, kiến nghị cử tri trước thềm Đại hội Đảng các cấp và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng sắp tới.

Cử tri kiến nghị Ảnh minh họa

Việc gì có lợi cho dân thì nên làm

“Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là truyền thống quý báu của dân tộc ta...”. Mạch nguồn ấy vẫn còn chảy mãi trong tâm thức của mỗi người Việt Nam yêu nước mà các cấp chính quyền, các đại biểu dân cử cần phải đánh thức trong những cuộc TXCT hoặc mỗi lần cán bộ, công chức tiếp xúc với dân. Khi cử tri và Nhân dân có kiến nghị với đại biểu, với chính quyền nghĩa là cử tri đang rất tin tưởng, đang hợp tác với chúng ta. Khi cử tri đã không có kiến nghị mà đi khiếu nại, đi kiện tụng nghĩa là cử tri đã quay lưng lại với chúng ta. Đừng để cử tri quay lưng với Người đại biểu dân cử! Đừng để dân ta quay lưng lại với chúng ta!

Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 30.5.2019 về Đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy Đảng “Trong quá trình chuẩn bị và tiến hành đại hội phải coi trọng lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành tốt các nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị gắn với đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước; tập trung giải quyết, xử lý kịp thời, có hiệu quả những hạn chế, bất cập, yếu kém, những vấn đề tồn đọng kéo dài gây bức xúc mà cán bộ, đảng viên, Nhân dân quan tâm…”.

Theo báo cáo của Ban Tổ chức Trung ương, cả nước đã tổ chức thành công 295 đại hội điểm cấp cơ sở. Yếu tố quyết định đến thành công của các đại hội điểm cấp cơ sở là sự kỹ càng, chặt chẽ, bám sát quy định, hướng dẫn của Trung ương cùng sự chỉ đạo sát sao của cấp ủy cấp trên về nội dung, nhân sự... và tinh thần trách nhiệm của từng đại biểu dự đại hội. Mặt khác, cấp ủy, chính quyền cơ sở xem xét, giải quyết kịp thời, thấu đáo mọi tồn đọng kéo dài đã từng gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên, Nhân dân đã góp phần làm nên thành công rực rỡ của từng đại hội.

Đất nước ta đang trên đà phát triển mạnh mẽ. Trong quá trình phát triển ắt nảy sinh những vấn đề bất cập mà chúng ta cần sớm phát hiện và giải quyết kịp thời, không để các thế lực thù địch lợi dụng hòng phá hoại khối đại đoàn kết của dân tộc ta. Hiện nay, một số nơi (như vùng sâu, vùng xa…) còn nhiều khó khăn, trình độ mọi mặt còn hạn chế cũng là những yếu tố mang tính cơ hội để các thế lực thù địch tuyên truyền chống phá Đảng và Nhà nước ta, gây ra xung đột và điểm nóng chính trị - xã hội. Giữ vững an ninh, chính trị là động lực thúc đẩy kinh tế phát triển.

Vì vậy, khi cử tri có kiến nghị, nhất là những vấn đề cử tri kiến nghị nhiều lần, liên tục có ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, sinh hoạt, đời sống của Nhân dân và có những biểu hiện bức xúc, có nguy cơ trở thành điểm “nóng”, các cấp chính quyền cần khẩn trương nghiên cứu, xem xét và giải quyết ngay, không để kéo dài dễ gây thiệt hại to lớn, nhất là làm tổn hại niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước ta. Việc giải quyết những kiến nghị đó phải căn cứ vào những quy định của pháp luật gắn với Quy chế dân chủ ở cơ sở, với hương ước, quy ước của khu dân cư, của thôn, làng, buôn, sóc nhằm mang lại sự hài hòa, phù hợp với ý Đảng, lòng dân.

Bác Hồ đã dạy chúng ta: “Việc gì có lợi cho dân thì nên làm, việc gì có hại cho dân thì nên tránh”. Câu nói của Bác luôn nhắc nhở cấp ủy, chính quyền các cấp, các ngành nâng cao trách nhiệm hơn nữa trong việc xem xét, giải quyết kịp thời kiến nghị của cử tri, vì dân có lợi, dân có giàu thì nước mạnh.

HẢI HIỂN