Nhịp cầu

Để không còn những nỗi đau

- Thứ Năm, 21/05/2020, 10:12 - Chia sẻ
Toàn tỉnh Thanh Hóa có 11 huyện miền núi là nơi sinh sống của nhiều đồng bào dân tộc thiểu số, trình độ dân trí chưa cao, địa hình bị chia cắt, điều kiện giao thông đi lại khó khăn. Thời gian qua, nhiều đối tượng xấu đã lợi dụng sự kém hiểu biết về pháp luật của các đoàn viên, thanh niên, dùng các thủ đoạn rủ rê, lôi kéo, biến các em trở thành “mắt xích” quan trọng trong đường dây vận chuyển ma túy; buôn bán người, mại dâm và nhiều hành vi trái pháp luật khác. Bên cạnh đó, cũng xuất phát từ sự kém hiểu biết về pháp luật, nhiều em có những hành vi vi phạm pháp luật nhưng không biết đó là vi phạm, như tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết. Không khó để bắt gặp ở các huyện vùng cao, nhiều em học sinh đã phải làm cha, mẹ bất đắc dĩ khi vẫn ngồi trên ghế nhà trường, gây nên những hệ lụy đau lòng.

Trong ngôi nhà đơn sơ, hình ảnh người mẹ trẻ Phạm Thị Hiền (sinh năm 2002, người Mường) trú tại đội 5, xã Ngọc Khê, huyện Ngọc Lặc khiến nhiều người không khỏi xót xa. Năm 2018, em đã bỏ lại sau lưng giấc mơ cắp sách tới trường để đi lấy chồng khi vừa tròn 16 tuổi. Còn chồng thì cũng chỉ mới bước sang tuổi 17, chưa đủ tuổi đăng ký kết hôn. Hai vợ chồng vốn đang tuổi ăn tuổi lớn, không có việc làm ổn định lại thêm đứa con mới chào đời nên cuộc sống vô cùng khó khăn. Đây chỉ là một trong những ví dụ điển hình, nguyên nhân một phần xuất phát từ sự thiếu hiểu biết về pháp luật.

Trước thực trạng trên, những năm qua, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho các đoàn viên, thanh niên, nhất là khu vực miền núi được tỉnh Thanh Hóa chú trọng. Đặc biệt, các huyện miền núi đã thành lập và đưa vào hoạt động hiệu quả 80 mô hình “Cổng trường tự quản về an toàn giao thông”; 20 mô hình “Bến đò ngang an toàn”; 12 mô hình “Tuyến đường thanh niên tự quản về an ninh trật tự”... Từ đó, đã giúp các em nâng cao nhận thức về pháp luật, góp phần ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Tuy nhiên, do ảnh hưởng của các yếu tố địa lý, lịch sử, tự nhiên, xã hội, nhất là tình hình hoạt động tội phạm đang diễn biến hết sức phức tạp, tinh vi, đòi hỏi các địa phương phải có những giải pháp cụ thể, thiết thực đẩy mạnh, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động, giúp các đoàn viên, thanh niên trang bị kiến thức, nhất là về pháp luật để không còn bị các đối tượng xấu lôi kéo. Đồng thời, chú trọng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh Nhân dân, nhất là trên tuyến biên giới và các địa bàn trọng yếu… Để phía sau những cánh rừng già, những ngọn núi hùng vĩ không còn những nỗi đau xuất phát từ sự kém hiểu biết về pháp luật, nhất là đối với các đoàn viên, thanh niên, những chủ nhân tương lai của quê hương, đất nước.

NGUYỄN ÁNH