Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến:

Để không ai bị bỏ lại phía sau

- Thứ Sáu, 01/02/2019, 18:27 - Chia sẻ
Trao đổi với Báo Đại biểu Nhân dân nhân dịp năm mới Kỷ Hợi 2019, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc HÀ NGỌC CHIẾN bày tỏ tin tưởng, việc QH ban hành Nghị quyết về chính sách dân tộc sẽ góp phần tháo gỡ ở tầm vĩ mô những bất cập, hạn chế trong thực tiễn mà nhiều năm qua chưa khắc phục triệt để, hướng dần tới mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau”.

Tập trung giải quyết căn bản những khó khăn, bất cập

- Thưa ông, điểm nhấn trong năm 2018 là lần đầu tiên, tại Kỳ họp thứ Sáu, QH đã thảo luận, cho ý kiến đánh giá kết quả 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển KT - XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Ông đánh giá thế nào về dấu mốc này?

 - Thay vì được lồng ghép trong các Báo cáo về tình hình KT - XH như thường niên, Báo cáo đánh giá kết quả 3 năm thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển KT - XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi được tách thành một báo cáo riêng, như tái khẳng định sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, nơi còn nhiều khó khăn, trắc trở. Nhìn nhận lại những thành tựu đã đạt được, có thể thấy chúng ta đã có bước phát triển dài trong xóa đói, giảm nghèo, được thế giới công nhận. Gần đây nhất, trong Báo cáo Bước tiến mới giảm nghèo và thịnh vượng chung ở Việt Nam do Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam công bố, đói nghèo ở nước ta tiếp tục giảm, đặc biệt là trong các dân tộc thiểu số, tỷ lệ giảm mạnh tới 13%, mức giảm lớn nhất trong thập niên vừa qua. Tình hình an ninh, chính trị được bảo đảm, đồng bào dân tộc thiểu số đoàn kết, tích cực tham gia xây dựng, phát triển đất nước.

Tuy nhiên, so với mặt bằng chung của cả nước, Hội đồng Dân tộc nhận thấy, đây vẫn là vùng có “5 nhất”: Có điều kiện tự nhiên khó khăn nhất; chất lượng nguồn nhân lực thấp nhất; kinh tế - xã hội phát triển chậm nhất; tiếp cận các dịch vụ, phúc lợi xã hội cơ bản kém nhất và tỷ lệ nghèo cao nhất. Thách thức này đòi hỏi phải tổng kết, đánh giá lại việc thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển KT - XH vùng dân tộc thiểu số, miền núi trong giai đoạn vừa qua, tạo cơ sở để bổ sung, hoàn thiện các chính sách hiện hành. Đồng thời nghiên cứu, xây dựng đề án tổng thể phát triển KT - XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi cho giai đoạn 2021 - 2026 và những năm tiếp theo, chú trọng các chính sách đầu tư kết cấu hạ tầng KT - XH; giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; bảo vệ và phát triển rừng; giáo dục, y tế; văn hóa, thông tin, thể thao và du lịch; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; công tác ổn định dân cư, tái định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số. Tập trung giải quyết căn bản những khó khăn, bất cập hiện nay để không ngừng nâng cao đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là nhóm các dân tộc rất ít người; vùng đặc biệt khó khăn. 


Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Hà Ngọc Chiến gặp mặt Đoàn đại biểu Trưởng bản, trưởng dòng họ, người có uy tín tỉnh Lai Châu 
Ảnh: Hoàng Quỳnh

- Với tính chất như vậy, việc đánh giá thực hiện các chính sách hỗ trợ phát triển KT - XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi có nên thực hiện hàng năm hay không, thưa ông?

- Qua tiếp xúc cử tri, đặc biệt là cử tri đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, cử tri đánh giá cao và kỳ vọng, trong mỗi nhiệm kỳ, QH sẽ nghe báo cáo và xem xét đánh giá việc thực hiện chính sách phát triển KT - XH vùng dân tộc thiểu số, miền núi ít nhất một lần. Cách làm này cũng chính là tiếp tục đổi mới hoạt động của QH ngày càng hiệu lực, hiệu quả, kỷ cương hơn; thể hiện sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, QH đối với việc thực hiện chính sách dân tộc, một chính sách lớn, nhất quán, có tính chiến lược, lâu dài của Đảng, Nhà nước ta. Hơn nữa, QH đã giao Chính phủ xây dựng Đề án tổng thể phát triển KT - XH vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn. Vì vậy, để giám sát có hiệu quả việc thực hiện các chính sách này thì việc làm trên là cần thiết.

Nâng tầm cơ sở pháp lý, hiệu lực thực hiện chính sách

- Qua thảo luận tại Hội trường, nhiều ĐBQH đều thống nhất cao tại Kỳ họp thứ Tám tới đây, QH sẽ ban hành Nghị quyết về chính sách dân tộc như một chương trình mục tiêu quốc gia mang tính tổng thể toàn diện, lâu dài để phát triển KT - XH vùng dân tộc thiểu số, miền núi. Ý kiến của ông về vấn đề này như thế nào?

- Trong những năm qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã xây dựng, ban hành và tổ chức thực hiện nhiều chính sách nhằm hỗ trợ phát triển KT - XH đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Hiện nay, có trên 100 chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số đang có hiệu lực, nhưng có chính sách còn trùng lặp về địa bàn, đối tượng thụ hưởng; chưa có sự kết nối tốt các nội dung trong từng chính sách để bảo đảm đạt mục tiêu đề ra, như người dân được hỗ trợ sản xuất, làm ra sản phẩm nhưng còn gặp khó khăn về thị trường tiêu thụ. Lao động dân tộc thiểu số được đào tạo nghề, nhưng bố trí việc làm và xuất khẩu lao động còn thấp. Học sinh được cử tuyển nhưng khó tìm việc làm sau khi ra trường. Bố trí vốn thực hiện chính sách chưa tương xứng, chưa kịp thời (chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu)… Những hạn chế đó đã làm ảnh hưởng đến hiệu quả của các chính sách, gây lãng phí nguồn lực nhà nước, giảm mức độ tiếp cận và thụ hưởng của người dân, ảnh hưởng đến lòng tin của đồng bào dân tộc trong thực thi triển khai chính sách dân tộc.

Do vậy, việc rà soát toàn bộ các chính sách phát triển vùng dân tộc thiểu số, miền núi là yêu cầu khách quan, để nhìn nhận lại hiệu quả chính sách, tác động chính sách và xây dựng quan điểm chính sách trong thời gian tới, nhất là khi chúng ta chưa có luật về lĩnh vực dân tộc. Từ đó, Hội đồng Dân tộc đã đề nghị QH ban hành Nghị quyết về chính sách phát triển KT - XH vùng dân tộc thiểu số, miền núi như một chương trình mục tiêu quốc gia mang tính tổng thể, toàn diện, lâu dài để phát triển KT - XH vùng dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn tới; tích hợp các nội dung chính sách, thu gọn đầu mối quản lý, quy định về cơ chế, nguồn lực bảo đảm thực hiện chính sách.

Cụ thể là tại Kỳ họp thứ Sáu, QH Khóa XIV đã ban hành Nghị quyết số 74/2018/ QH14, giao Chính phủ xây dựng Đề án tổng thể đầu tư phát triển KT - XH vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn, trình QH xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ Tám (tháng 10.2019) để thực hiện từ năm 2021. Đây cũng là một bước quan trọng thực hiện Khoản 5, Điều 70, Hiến pháp 2013: “QH quyết định chính sách dân tộc”.

- Theo ông, việc ban hành nghị quyết của QH về chính sách dân tộc sẽ có tác động thế nào đối với vùng dân tộc thiểu số, miền núi?

- Việc ban hành chính sách dân tộc bằng một nghị quyết của QH trên cơ sở Đề án tổng thể đầu tư phát triển KT - XH vùng dân tộc thiểu số, miền núi, vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn sẽ nâng tầm cơ sở pháp lý và hiệu lực thực hiện chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số, miền núi; góp phần khắc phục những tồn tại, hạn chế, bất cập trong thực hiện chính sách trong giai đoạn vừa qua, gắn chính sách với nguồn lực, với kế hoạch ngân sách trung hạn, dài hạn, hằng năm; giúp công tác kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách thuận lợi, hiệu quả hơn.

- Nhân dịp Tết Cổ truyền của dân tộc, ông có đôi lời gửi tới cử tri, đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi?

- Nhân dịp năm mới, mừng đón Xuân Kỷ Hợi, thay mặt Hội đồng Dân tộc, tôi kính chúc đồng bào, cử tri cả nước, đồng bào các dân tộc thiểu số một năm mới hạnh phúc, an khang, thịnh vượng.

- Xin cảm ơn ông!

Hoàng Ngọc thực hiện