Để giao thông đường thủy nội địa phát triển cần tránh chồng chéo trong công tác quản lý

- Thứ Hai, 11/05/2020, 11:11 - Chia sẻ
Cho rằng giao thông đường thủy nội địa giữ vai trò rất quan trọng trong việc vận chuyển hàng hóa cũng như hành khách, tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIV, Đại biểu Quốc hội Phan Nguyễn Như Khuê, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh khẳng định, với mật độ giao thông đường bộ như hiện nay thì vấn đề giao thông đường thủy cần phải được xem xét ưu tiên đầu tư đúng mức, cùng với đó là công tác quản lý cần dựa trên chức năng đã được giao để xác định rõ nhiệm vụ của cơ quan quản lý, tránh chồng chéo trong công tác quản lý ở lĩnh vực này…

Đại biểu Quốc hội Phan Nguyễn Như Khuê, Phó Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh (Ảnh Văn Thăng)

Cả nước có 3.551 sông, kênh...với tổng chiều dài 80.577 km, nối với biển thông qua 124 cửa sông. Hiện nay, có khoảng 42.000 km sông, kênh có khả năng khai thác vận tải đường thủy nội địa. Bên cạnh đó, nước ta còn có 3.260 km bờ biển, hàng trăm km luồng pha sông biển từ đất liền ra đảo, nối các đảo trong vùng nội thủy đã và đang khai thác vận tải thủy nội địa.

Theo Đại biểu Quốc hội Phan Nguyễn Như Khuê, hiện nay việc phân cấp quản lý nói chung và trong lĩnh vực giao thông đường thủy nói riêng cần phải xem xét trong mối quan hệ tổng thể. Cụ thể như trên cùng một dòng sông hiện nay đang có nhiều nơi thực hiện phân đoạn, phân khúc để quản lý, có thể đoạn này thuộc thành phố hay tỉnh quản lý, còn đoạn kia thuộc Trung ương quản lý, mặc dù cùng trên một tuyến sông. Vấn đề ở đây là cần đảm bảo tính tổng thể và không nên có sự chồng chéo trong công tác quản lý. Nếu chúng ta không dựa trên nguyên tắc này thì sẽ dẫn đến việc thẩm quyền quản lý bị chia cắt, theo đó dẫn đến những hệ lụy khó khăn trong công tác quản lý. Đặc biệt, việc chia cắt, khúc đoạn để phân công quản lý trên một tuyến sông sẽ dẫn đến tình trạng khi có vấn đề gì xảy ra thì khó quy trách nhiệm trong quản lý. Bởi, địa phương thì cho rằng đã có đơn vị của Trung ương quản lý, còn đơn vị của Trung ương thì lại cho rằng đã có địa phương, thực chất là làm cho công tác quản lý thiếu chặt chẽ.
 


Tàu, thuyền đang lưu thông trên sông Sài Gòn (Ảnh Văn Thăng)

Cùng với việc tránh chia cắt để đảm bảo tính tổng thể trong trong quản lý trên cùng một tuyến sông, Đại biểu Quốc hội Phan Nguyễn Như Khuê cho rằng, với điều kiện mật độ giao thông đường bộ của chúng ta như hiện này thì vấn đề giao thông đường thủy cần phải được xem xét trên một khía cạnh nâng cấp tổng thể để phát huy hiệu quả tối đa của loại hình giao thông đường thủy nội địa cho hiệu quả kinh tế với giá thành vận chuyển rẻ, đầu tư thấp, chở được nhiều hàng hóa cồng kềnh… Ngay cả trong các vùng nội đô cũng có thể khai thác taxi đường sông, taxi đường thủy để làm thế nào chúng ta phát triển trên một tuyến giao thông không những làm phong phú cho một đô thị phát triển mà còn giảm tải về mật độ giao thông đường bộ. 

Cả nước có 290 sông, kênh là đường thủy nội địa quốc gia, với 45 tuyến chính. Trong đó, khu vực phía Bắc có 17 tuyến chính với chiều dài 2715,4 km được thông qua 3 hành lang đường thuỷ, 8 tuyến vận tải thủy kết nối và tuyến vận tải sông pha biển. Khu vực phía Nam có hơn 25.000km, chiếm khoảng 60% tổng chiều dài đường thuỷ nội địa của cả nước; 101 đoạn sông kênh với tổng chiều dài 3.103,4km liên tỉnh và quốc tế. Riêng khu vực đồng bằng sông Cửu Long có 18 tuyến chính. Khu vực miền Trung, gồm 19 tỉnh, thành phố từ Thanh Hoá đến Bình Thuận. Riêng vùng duyên hải miền Trung có hơn 800 sông, suối với tổng chiều dài gần 10.000 km chiếm 9,1% tổng chiều dài sông, suối của cả nước.

Văn Thăng