Góc nhìn

Để đường về bớt gian nan

- Thứ Hai, 12/08/2019, 07:12 - Chia sẻ
Tâm lý muốn nhanh chóng “thoát nghèo” hay nhận thức hạn chế, sai lầm khi đi tìm việc làm “nhàn nhã” thu nhập “mơ ước”, hay tìm nơi chốn giàu sang, phú quý để gửi gắm…, nhiều người đã bị bọn buôn người lợi dụng dụ dỗ, lừa đảo, đẩy họ vào cuộc sống không lối thoát ở nước ngoài. Khi tỉnh ngộ hay được giúp đỡ đưa trở về đất nước, những người “lỡ bước” lại gặp muôn vàn khó khăn, từ hòa nhập cộng đồng đến việc làm mưu sinh.

Tại phiên giải trình tình hình thực hiện pháp luật về phòng, chống mua bán người giai đoạn 2012 - 2017, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga kể: Bà từng làm việc với Trung tâm Bảo trợ xã hội của một tỉnh, thấy thực trạng là nạn nhân sau khi được tiếp nhận trở về chỉ ở trung tâm từ một đến hai ngày, hầu như chưa được tiếp cận với dịch vụ hỗ trợ gì nhiều, lập tức đã bị đưa về địa phương, gia đình.

Khi được giải cứu, tiếp nhận, mỗi nạn nhân sẽ được hỗ trợ tiền ăn 30 nghìn đồng/ngày, hỗ trợ chi phí khám, chữa bệnh 50 nghìn đồng/ngày… trong thời gian nạn nhân tạm trú tại cơ sở bảo trợ xã hội. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga, “mức ăn này chỉ đủ cầm hơi, không phù hợp với nạn nhân vừa trở về, bị suy kiệt, thậm chí chỉ có một bộ quần áo trên người, đói rét, bao nhiêu ngày băng rừng, vượt suối để quay trở về Việt Nam”.

Trên bình diện chính sách chung, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho biết, trong 5 năm 2016 - 2020, toàn bộ Chương trình mục tiêu trợ giúp xã hội, trong đó có Chương trình tái hòa nhập cho nạn nhân bị mua bán, thông qua Bộ chỉ có 38 tỷ đồng, bình quân chỉ được 8 tỷ đồng cho tất cả các bộ, ngành, địa phương thực hiện. Rõ ràng, kinh phí hỗ trợ quá thấp gây khó khăn trong việc tiếp nhận, bảo trợ, khiến đường trở về của nạn nhân càng gian nan hơn.

Mới đây, Bộ Tài chính đã soạn thảo Thông tư quy định nội dung, mức chi cho công tác hỗ trợ nạn nhân quy định tại Nghị định số 09/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống mua bán người. Theo đó, xét các khoản chi hỗ trợ phù hợp với đòi hỏi thực tế. Ngân sách Nhà nước chi hỗ trợ nhu cầu thiết yếu và chi phí đi lại; hỗ trợ tiền ăn trong thời gian nạn nhân tạm trú tại cơ sở bảo trợ xã hội; hỗ trợ quần áo, vật dụng sinh hoạt cá nhân cần thiết; chi tiền tàu xe và tiền ăn cho nạn nhân có nguyện vọng trở về nơi cư trú nhưng không có khả năng chi trả; chi tiền ăn trong những ngày đi đường. Bên cạnh đó, chi hỗ trợ học văn hóa, học nghề; chi hỗ trợ một lần tiền trợ cấp khó khăn ban đầu đối với nạn nhân thuộc hộ nghèo khi trở về nơi cư trú mức tối thiểu là 1 triệu đồng/người; hỗ trợ nạn nhân trong thời gian chờ thu xếp về nước…

 Bên cạnh việc chi hỗ trợ, cần xem xét sửa đổi Nghị định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội năm 2005 theo hướng miễn trừ trách nhiệm hành chính cho nạn nhân bị mua bán trong một số trường hợp như bán dâm, xuất nhập cảnh trái phép, sử dụng giấy tờ giả mạo để xuất nhập cảnh, tránh cho họ cảm giác sợ hãi và bị kỳ thị, qua đó hỗ trợ tốt hơn việc tái hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân.

Cuối cùng, cần triển khai đồng bộ, đấu tranh quyết liệt với tội phạm buôn bán người. Trong đó, phát huy vai trò, trách nhiệm của Hội Liên hiệp Phụ nữ, tích cực tham gia các hoạt động phòng chống mua bán người; chủ động truyền thông, giáo dục phòng ngừa từ cơ sở, nhất là vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn; tổ chức trực tiếp hỗ trợ, chia sẻ với các nạn nhân; tìm giải pháp cung cấp các dịch vụ hỗ trợ nạn nhân toàn diện và theo dõi hỗ trợ họ tái hòa nhập cộng đồng. 

Thanh Hà