Để doanh nghiệp có năng lực cạnh tranh toàn cầu

- Thứ Sáu, 03/05/2019, 08:16 - Chia sẻ
“Làm thế nào để doanh nghiệp Việt Nam đa phần có quy mô còn nhỏ, có thể vươn ra cạnh tranh quốc tế, có thương hiệu toàn cầu?” - câu hỏi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt ra trong phiên họp toàn thể của Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 chiều 2.5 đã có câu trả lời. Đại diện các doanh nghiệp và hiệp hội đã hiến kế, kiến nghị nhiều giải pháp để kinh tế tư nhân có thể cất cánh.

Hai gợi mở của Thủ tướng

Chủ đề của Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 là “Phát triển kinh tế tư nhân Việt Nam trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa theo Nghị quyết số số 10-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 5 Khóa XII và Nghị quyết số 98-NQ/CP của Chính phủ”.


Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu tham quan triển lãm

Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình khẳng định, việc “đánh số” 10 cho Nghị quyết về phát triển kinh tế tư nhân nói lên quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân ta, mong muốn Nghị quyết mang lại những thành tựu có ý nghĩa đột phá như chúng ta đã đạt với Nghị quyết về Khoán 10 trong lĩnh vực nông nghiệp vào thời kỳ đầu Đổi mới. Để đạt được kết quả cao trong phát triển kinh tế tư nhân, ông Bình cho rằng, cần hiểu thấu đáo, xuyên suốt các quan điểm của Đảng thì mới có bản lĩnh đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái, tuyệt đối hóa kinh tế tư nhân; khích lệ các thành phần kinh tế cạnh tranh bình đẳng; hỗ trợ bổ sung và thống nhất trong nền kinh tế thị trường. Có nhận thức thì mới xây dựng đội ngũ doanh nhân có ý chí tự lực tự cường, yêu nước, phát triển bản thân những gắn chặt với lợi ích đất nước. Thứ hai là giải quyết đúng đắn quy luật giữa Nhà nước và thị trường. Nhà nước có vai trò điều tiết. Thị trường và đóng vai trò chủ yếu trong giải phóng sức xã hội và tận dụng hiệu quả nguồn lực xã hội.

Tại phiên họp toàn thể chiều 2.5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định kinh tế tư nhân nổi lên như một trong những động lực quan trọng, dẫn dắt sự tăng trưởng của nền kinh tế. Tuy nhiên, những kết quả này vẫn còn thấp so với mức tiềm năng. Thủ tướng đưa ra một số vấn đề có tính gợi mở cho việc thảo luận, với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật và nói sự thật” như cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh đã nêu. Theo đó, nhóm vấn đề thứ nhất là làm thế nào để các doanh nghiệp Việt Nam đa phần có quy mô còn nhỏ, có thể vươn ra cạnh tranh quốc tế, có thương hiệu toàn cầu? Làm thế nào để hàng triệu hộ kinh doanh cá thể có thể mở rộng quy mô, chuyển sang mô hình doanh nghiệp nhằm phát huy lợi thế, tạo nhiều của cải hơn cho bản thân mình và cho xã hội? Nhóm vấn đề thứ hai, Thủ tướng nêu rõ, là làm sao có được đột phá thực sự ở các điểm nghẽn trong môi trường kinh doanh? Chúng ta đều biết thể chế pháp luật, môi trường kinh doanh của Việt Nam tuy đã có nhiều cải tiến, tiến bộ nhưng vẫn còn nhiều rào cản, vướng mắc, đôi khi thể chế chính sách còn chưa theo kịp, chưa thực sự kiến tạo cho các mô hình kinh doanh mới, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, công nghiệp chế tạo, nông nghiệp hữu cơ… Vậy đâu thực sự là điểm nghẽn, giải pháp đột phá sắp tới là gì? Nhà nước, doanh nghiệp cần làm gì, với lộ trình ra sao?

Tháo gỡ rào cản, thách thức

Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, thời gian qua, Quốc hội và Chính phủ đã tập trung thể chế hóa về các chính sách kinh tế liên quan đến kinh tế tư nhân. Nhờ cơ chế chính sách tạo ra, kinh tế tư nhân đã có bước phát triển tích cực. Tuy nhiên, việc thực thi pháp luật còn nhiều hạn chế trong tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển. Chi phí tuân thủ pháp luật thời gian qua chưa được giải quyết tốt. Thời gian làm thủ tục quản lý còn nhiều. Mục tiêu đặt ra đến 2020 phải có một triệu doanh nghiệp tư nhân hoạt động nhưng hiện tại mới đạt khoảng  715.000, đây là một thách thức. Do đó, vấn đề đặt ra bài toán cần phải rà soát hệ thống pháp luật, nhất là những luật liên quan đến thể chế, chính sách kinh tế, như Luật Đầu tư, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Đất đai… Những luật này phải phá vỡ rào cản và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân tiếp cận được với nguồn lực về đất đai, tài chính, yếu tố sản xuất... Ngoài ra, cần cố gắng để giảm những chi phí tuân thủ pháp luật như lệ phí kinh doanh, cùng với đó là những chi phí không chính thức gây khó khăn cho các doanh nghiệp.

Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Vũ Tiến Lộc cho rằng, khu vực kinh tế tư nhân đang là cỗ máy tạo việc làm lớn nhất trong nền kinh tế, gánh vác trọng trách lịch sử chuyển dịch lực lượng lao động từ khu vực nông nghiệp năng suất thấp sang khu vực công nghiệp, thương mại, dịch vụ có năng suất lao động cao hơn. Ông Lộc kiến nghị chuyển trọng tâm công tác của Chính phủ từ tháo gỡ khó khăn sang tạo điều kiện thuận lợi và yểm trợ cho doanh nghiệp khu vực tư nhân phát triển. Thúc đẩy quan hệ đối tác công - tư không chỉ trong phát triển hạ tầng KT - XH mà còn yểm trợ phát triển một số ngành công nghiệp quan trọng do các doanh nghiệp đầu tàu khu vực tư nhân dẫn dắt.

Đại diện cho tiếng nói của cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài đang kinh doanh tại Việt Nam, Phó Giám đốc điều hành khu vực, Hội đồng kinh tế Hoa Kỳ - ASEAN Vũ Tú Thành kiến nghị, tầm nhìn của nền kinh tế Việt Nam trong những năm tới không chỉ nên bó hẹp trong nền kinh tế mà cần phải xác định vai trò trong nền kinh tế khu vực và thế giới. Đặc biệt các doanh nghiệp nên tham gia sâu trong chuỗi cung ứng toàn cầu của một số lĩnh vực kinh tế quan trọng như nông nghiệp, du lịch, năng lượng, ứng phó với biến đổi khí hậu... Khi xác định sân chơi toàn cầu, Việt Nam chủ động tham gia xây dựng và triển khai luật chơi quốc tế. Ngoài việc tạo các điều kiện thuận lợi, cơ chế khuyến khích phù hợp để các doanh nghiệp trong và ngoài nước tăng cường đầu tư, mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh, Việt Nam cần phát triển chính sách và quy trình tổng thể để bảo vệ và thúc đẩy doanh nghiệp không chỉ ở thị trường trong nước mà phải cả ở thị trường nước ngoài. “Một khi doanh nghiệp tin tưởng vào ý chí và năng lực của Chính phủ trong việc bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp đầu tư tại Việt Nam trong các giao dịch trên thị trường quốc tế, họ sẽ có thêm động lực để đầu tư”, ông Thành nhấn mạnh.

Kết luận phiên họp toàn thể, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình đề nghị, các bộ, ngành tiếp thu, nghiên cứu, xử lý một cách nghiêm túc, sâu sắc các kiến nghị, đề xuất của đại diện khu vực kinh tế tư nhân nêu tại Diễn đàn. Đối với các doanh nhân tư nhân: Cần luôn tin tưởng vào đường lối, chủ trương nhất quán của Đảng, nỗ lực phát triển sản xuất kinh doanh để đưa kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Tiếp tục tích cực, chủ động phản ánh những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị, đề xuất và hiến kế phát triển kinh tế tư nhân lành mạnh và đúng định hướng của Đảng, nhất là tham gia xây dựng và hoàn thiện thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh cho phát triển kinh tế tư nhân. Năm 2019 và những năm tiếp theo, khu vực kinh tế tư nhân cần tạo sự phát triển bứt phá hơn nữa.

Minh Hương