Ý kiến cử tri:

Để đô thị xanh - sạch -đẹp

- Thứ Hai, 22/02/2016, 08:30 - Chia sẻ
Với mong muốn được sống ở những đô thị thực sự xanh - sạch - đẹp, nhiều cử tri đã chia sẻ trăn trở của mình về công tác phát triển cảnh quan đô thị với Báo Đại biểu Nhân dân. Xin trích đăng một số ý kiến tâm huyết về vấn đề này.

Cử tri LÊ HOÀNG ANH (TP Hạ Long, Quảng Ninh): Phát triển gắn với bảo tồn cảnh quan thiên nhiên

Là di sản thiên nhiên đầu tiên của Việt Nam được Tổ chức UNESCO vinh danh, theo tôi, vịnh Hạ Long đã mang tới cho Việt Nam nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung vị thế và sức bật để vươn lên, nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều khó khăn và thách thức. Trong đó, không thể không nhắc đến việc phát triển đô thị bên cạnh bảo tồn các giá trị di sản. 

Dễ thấy những năm qua, để tận dụng tiềm năng khai thác, cảnh quan vịnh Hạ Long đã bị tác động rất lớn bởi sự phát triển của các công trình xây dựng đô thị và các ngành công nghiệp ven bờ. Trong khi đó, theo tiêu chuẩn của cảnh quan di sản thiên nhiên thế giới, công tác bảo tồn phải bảo đảm phát triển bền vững, giữ gìn di sản nguyên vẹn và tối kỵ có sự can thiệp của con người. Vẫn biết hiện UBND tỉnh Quảng Ninh đã triển khai nhiều giải pháp quản lý, bảo tồn di sản vịnh Hạ Long trên cơ sở tuân thủ nghiêm hướng dẫn thực hiện Công ước Di sản thế giới năm 1972 và các văn bản quy phạm pháp luật trong nước như ban hành Nghị quyết về hạn chế tối đa phát triển quỹ đất đô thị bằng hình thức lấn biển, song cá nhân tôi thấy, như vậy là chưa đủ.

Bởi ngoài các mệnh lệnh hành chính, phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục và từng bước vận động nâng cao nhận thức của cộng đồng trong việc phát triển đô thị với công tác bảo tồn cảnh quan thiên nhiên vịnh. Thậm chí, trong trường hợp thấy việc điều chỉnh giá vé tham quan là cần thiết để nâng cao chất lượng cảnh quan và góp phần bảo tồn giá trị di sản, tôi hoàn toàn ủng hộ. Điều quan trọng nhất là làm sao để bảo tồn di sản thiên nhiên quý giá này không bị quá trình phát triển đô thị tất yếu phá vỡ.

Cử tri CAO MẠNH GIÁP (TP Việt Trì, Phú Thọ): Giữ gìn vẻ đẹp linh thiêng trên miền đất lịch sử

Phú Thọ là miền đất lịch sử nổi tiếng với Khu di tích Đền Hùng và rất nhiều công trình kiến trúc cần được bảo tồn. Cùng với thời gian, việc giữ gìn vẻ đẹp linh thiêng nơi đây đang đặt ra vấn đề làm thế nào để bảo tồn được nguyên trạng các giá trị lịch sử và cảnh quan thiên nhiên vốn có. Đúng là phát triển phải đi đôi với thay đổi, nhưng với những di tích mang tính lịch sử như vậy, khi muốn duy tu phải tôn trọng tính nguyên mẫu về phong cách, quy mô, màu sắc và nhất là kiến trúc.

Những năm gần đây, cùng với sự bùng nổ của các hoạt động lễ hội với văn hóa cầu lợi thực dụng, phản tâm linh đã bị lên án, phê phán là phong trào trùng tu trên phạm vi cả nước. Đặc điểm chung của hoạt động này là hủy hoại chính các di tích bằng tư duy bê tông hóa, khiến cho không ít trường hợp hướng dẫn viên du lịch gặp phải những câu hỏi hoài nghi của du khách về sự lâu đời của các công trình. Có những nơi tôi ghé thăm, văn hóa rêu phong trầm sâu cổ kính trong kiến trúc truyền thống nay bị thay thế bằng văn hóa đồ sộ của kiến trúc ngoại lai; các tượng thờ, hoành phi, câu đối, cửa võng, bát bảo, cuốn thư đã được sơn phết lại bằng sơn công nghiệp trở nên lòe loẹt.

Tự thân di tích lịch sử là điểm sinh hoạt văn hóa, đồng thời là nơi giáo dục truyền thống đoàn kết, yêu thương, uống nước nhớ nguồn cho con cháu sau này, chính vì thế, tôi nghĩ việc đầu tư sửa chữa, tu bổ, tôn tạo các di tích lịch sử cần được xem xét kỹ lưỡng, cân nhắc thận trọng. Theo đó, các yếu tố lịch sử, văn hóa, dân tộc phải được coi trọng, bảo đảm giữ gìn được di tích gốc. Thậm chí, nhiều khi nhằm đáp ứng nhu cầu tâm linh, tín ngưỡng, rất cần sự tham gia đóng góp ý kiến, bàn bạc, thảo luận và nhận được sự đồng thuận ủng hộ của người dân địa phương. Các nơi thờ tự trang nghiêm, có không gian rộng mở không những thể hiện lòng thành kính đối với tổ tiên mà còn đáp ứng mong mỏi của du khách thập phương khi về với Đền Hùng.

Cử tri LÊ MINH NHẬT (TP Đà Nẵng): Nâng cao ý thức người dân

Mỗi năm sau dịp Tết, lại thấy nhiều bài báo lên án hiện tượng người dân giẫm đạp, thậm chí năm nay là trộm cả hoa, cây cảnh trang trí ở Thủ đô. Nhìn ảnh vườn hoa đêm trước còn tươi đẹp, sau một đêm đã xác xơ khiến ai cũng phải đau lòng và buồn cho một bộ phận người dân thiếu ý thức. Tất nhiên, đây chỉ là một bộ phận rất nhỏ, nhưng họ không biết rằng hành vi của cá nhân lại ảnh hưởng đến toàn thể cộng đồng, làm xấu đi bộ mặt của thành phố, thậm chí là cả đất nước trong con mắt bạn bè quốc tế khi đến với Việt Nam.

Việc trộm hoa là hành vi có ý thức, có chủ đích. Nếu ý thức đã kém thì cho dù chính quyền có quản lý chặt đến mấy cũng không xuể. Ở Đà Nẵng, tôi hầu như không thấy có người trông bồn hoa, nhưng không hề xảy ra tình trạng mất trộm. Bởi nếu phát hiện có hành vi như vậy thì người có hành vi đó sẽ bị người xung quanh nhắc nhở, chê cười. Vì vậy, để khắc phục tình trạng này, cần tăng cường hơn nữa việc tuyên truyền để thay đổi ý thức của người dân. Không chỉ là đối với cá nhân người có hành vi tư lợi mà ngay cả cộng đồng cũng cần thay đổi tư duy “việc mình mình làm”, không ngăn cản những người có hành vi ảnh hưởng không tốt đến cộng đồng. Sự bàng quan của cộng đồng cũng là một nguyên nhân quan trọng dung túng cho những hành vi xấu tiếp diễn.

Cử tri NGUYỄN PHẠM HOÀNG OANH (TP Hồ Chí Minh): Xã hội hóa trang trí đô thị

Công tác trang trí đô thị được ví như khoác một lớp áo mới cho diện mạo thành phố, tạo không khí vui tươi, phấn khởi, háo hức trong các dịp lễ, Tết. Không thể phủ nhận, những năm qua chính quyền thành phố đã luôn cố gắng tạo ra những điểm nhấn mới cho công tác này. Song thiết nghĩ, đã đến lúc cần thay đổi cách làm.

Lấy ví dụ về việc treo biểu ngữ, cờ, hoa mỗi dịp lễ lạt. Phải nói rằng cách thiết kế của những trang trí này không có nhiều đổi mới so với trước đây. Việc treo biểu ngữ, gắn cờ, hoa đôi khi còn mang tính hình thức chứ chưa mang lại hiệu quả mỹ thuật nên còn lãng phí. Hay đối với đường hoa - một đặc sản của thành phố cũng đang dần trở nên kém hấp dẫn vì thiếu tính sáng tạo. Tuy mỗi năm đều có sự thay đổi trong chủ đề nhưng thiết kế chung, thiết kế của các cụm tiểu cảnh không quá đặc sắc và thường đi theo một “lối” từ năm này sang năm khác, không thấy toát lên sự độc đáo, đặc trưng qua từng năm, chưa nói đến đặc trưng của thành phố. Các loại hoa sử dụng để trang trí, một phần do thiếu ý tưởng thiết kế, phần khác do thiếu kinh phí, nên thường chưa đẹp, chưa phong phú.

Chính quyền thành phố, dù có nỗ lực đến đâu thì nguồn lực cũng chỉ có hạn. Sao không tổ chức cuộc thi thiết kế trang trí, thiết kế đường hoa để huy động chất xám trong dân? Cũng như tổ chức đấu thầu để chọn ra đơn vị thực hiện trang trí với kinh phí hợp lý, tiết kiệm mà vẫn bảo đảm chất lượng? Nếu được tham gia trang hoàng thành phố quê hương thân yêu, chắc chắn mỗi người dân sẽ đều cảm thấy tự hào và trân trọng hơn những công trình trang trí cho thành phố.

Cử tri HOÀNG THỊ BÍCH HẠ (quận Đống Đa, Hà Nội): Cần hài hòa vẻ đẹp cảnh quan đô thị

Chắc hẳn nhiều người còn nhớ việc đài hoa được dựng lên và gỡ đi ngay ngày trước, ngày sau ở quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, Hà Nội thời gian qua. Đây là ví dụ điển hình cho thấy, trang trí đô thị nếu không nghiên cứu kỹ sẽ tầm thường hóa cảnh quan, dù thực tế không có một công thức chung nào trong quy hoạch. Mỗi thành phố có yếu tố văn hóa, đặc điểm, cảnh quan cũng như cá tính, dấu ấn riêng. Điều này được phản ánh ngay trong quy hoạch chiếu sáng đô thị tại nước ta hiện nay. Nhiều người thường cho rằng cứ có chiếu sáng là tạo được cảnh quan ấn tượng nhưng suy cho cùng nếu không được nghiên cứu kỹ sẽ chỉ gây lãng phí, tốn kém. Chưa kể, nếu lạm dụng sẽ khiến cho thành phố rơi vào tình trạng “ô nhiễm” ánh sáng.

Ngày nay, chiếu sáng đô thị không chỉ bảo đảm an ninh, an toàn giao thông mà còn góp phần cải thiện hình ảnh đô thị, hướng tới giá trị thẩm mĩ. Vậy nên một thành phố được chiếu sáng tốt không những thỏa mãn nhu cầu, thị hiếu ngày càng cao của người dân mà còn trở thành yếu tố quảng bá hình ảnh đô thị, góp phần vào sự phát triển bền vững xã hội. Các công trình chiếu sáng công cộng, trong đó có chiếu sáng nghệ thuật như tôi được biết tại các thành phố như New York, Paris, London, Thượng Hải, Hong Kong, Singapore… đã đạt tới trình độ đỉnh cao, vừa làm tăng vẻ đẹp vừa tạo được ấn tượng tốt trong lòng du khách đến tham quan thành phố. 

Trước các yêu cầu về tốc độ và chất lượng đô thị hóa, thiết nghĩ đã đến lúc công tác quy hoạch chiếu sáng đô thị tại nước ta cần được quan tâm đổi mới toàn diện. Trước hết là chú trọng hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật chiếu sáng đô thị từ nơi nào cần, khi nào cần, chiếu sáng như thế nào với giá thành tốt nhất, tránh được lãng phí và tình trạng ô nhiễm ánh sáng. Sau đó, đối với thiết kế chiếu sáng tại các công trình điểm nhấn như tượng đài, đài phun nước…, cần nghiên cứu bổ sung hệ thống chiếu sáng có tính biểu tượng nhằm ghi lại dấu ấn đô thị.

Vân Phi