Để cử tri bãi nhiệm đại biểu không xứng đáng

- Thứ Bảy, 08/10/2016, 08:17 - Chia sẻ
Đại biểu là người được cử tri bầu. Bầu ra họ thì cử tri cũng có quyền bãi miễn họ. Quyền ấy từ lâu đã được Hiến pháp và pháp luật quy định. Chúng ta mới chỉ làm được việc QH và HĐND tổ chức bãi nhiệm đại biểu không còn xứng đáng… tại nghị trường mà chưa tổ chức cho toàn thể cử tri tại đơn vị bầu cử bỏ phiếu bãi nhiệm. Đây là vấn đề phải khắc phục và hướng dẫn thực thi.

Chưa có tiền lệ

Bãi nhiệm đối với đại biểu là vấn đề quan trọng rất được cử tri và các tầng lớp nhân dân quan tâm theo dõi; quyền bầu cử cũng như quyền bãi nhiệm đối với đại biểu là vấn đề cơ bản về quyền dân chủ của nhân dân. Đại biểu là do cử tri bầu, do đó cử tri có quyền bãi nhiệm khi họ không còn tín nhiệm là đương nhiên nên phải làm, ban hành quy trình phải rất dân chủ, thực tiễn, nhưng vẫn phải bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng, việc này không phải chỉ là yếu tố pháp lý mà là vấn đề chính trị lớn. Xin dẫn lời phát biểu của Chủ tịch QH Khóa XIII Nguyễn Sinh Hùng: “Phải xây dựng nghị quyết về việc cử tri bãi nhiệm ĐBQH, đại biểu HĐND. Cứ nghĩ tưởng đơn giản nhưng đây cũng là việc lớn, việc lo nhất!”.

Khoản 1 Điều 40 Luật Tổ chức QH năm 2014 quy định: “ĐBQH không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân thì bị QH hoặc cử tri bãi nhiệm”. Tương tự đối với đại biểu HĐND, Khoản 1 Điều 102 Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015 cũng quy định: “Đại biểu HĐND không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn của đại biểu HĐND, không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của Nhân dân thì bị HĐND hoặc cử tri bãi nhiệm”.

Luật quy định như vậy, mới đọc tưởng đơn giản, nhưng để làm được thật khó. Một loạt câu hỏi đặt ra cần sự giải đáp rõ ràng trước khi đại biểu bị bãi nhiệm là: Thế nào là không còn xứng đáng với sự tín nhiệm của nhân dân? Làm thế nào, tiêu chí nào để biết được đại biểu còn hay không còn xứng đáng với sự tín nhiệm? Trường hợp nào thì ĐBQH bị QH bãi nhiệm, trường hợp nào thì cử tri bãi nhiệm? Trường hợp nào thì đại biểu HĐND bị HĐND bãi nhiệm, trường hợp nào thì cử tri bãi nhiệm?... Để khẳng định còn tín nhiệm hay không còn tín nhiệm, tín nhiệm cao hay thấp phải có thước đo chỉ số. Chỉ số ấy được thể hiện trên kết quả phiếu bãi nhiệm. Logic của quy định là: Những căn cứ khẳng định đại biểu vi phạm tiêu chuẩn - tổ chức bỏ phiếu đánh giá sự tín nhiệm - QH, HĐND hoặc cử tri quyết định bãi nhiệm hay không bãi nhiệm.

Theo Khoản 3 Điều 40 Luật Tổ chức QH năm 2014 và Khoản 4 Điều 102, Luật Tổ chức Chính quyền địa phương, sự phân định quyền, trách nhiệm, trình tự đối với việc bãi nhiệm ĐBQH, đại biểu HĐND được giao cho UBTVQH quy định. Như vậy, dù bãi nhiệm theo hình thức tổ chức nào thì UBTVQH cũng phải có Nghị quyết hướng dẫn… ĐBQH và đại biểu HĐND là những người được cử tri bầu. Để bảo đảm cho cơ quan dân cử - cơ quan quyền lực nhà nước - xứng đáng với niềm tin của cử tri và nhân dân, QH và HĐND phải gồm những đại biểu có phẩm chất đạo đức, năng lực trình độ, bản lĩnh… Trường hợp đại biểu nào đó vi phạm pháp luật, sa đọa về lối sống và phẩm chất đạo đức, không còn uy tín, phạm các tiêu chuẩn của người đại biểu thì phải tổ chức bỏ phiếu bãi nhiệm. Việc làm này đúng pháp luật và đạo lý. Bấy lâu nay, cử tri và nhân dân rất đồng tình. Nhưng vấn đề cần làm rõ là: Trường hợp nào thì tiến hành bỏ phiếu bãi nhiệm tại nghị trường, trường hợp nào thì phải đưa ra trước toàn thể cử tri để bãi nhiệm? Nếu lựa chọn không đúng rất dễ xảy ra không công bằng, vi phạm, mất đoàn kết… Trên thực tế, qua nhiều khóa QH và nhiều nhiệm kỳ HĐND gần đây hầu như chưa có trường hợp nào giao cho cử tri bỏ phiếu bãi nhiệm đại biểu; nghĩa là chưa có tiền lệ.


Cử tri bầu ra đại biểu thì cũng có quyền bãi miễn đại biểu không còn xứng đáng (Ảnh: Khánh Duy)

Bảo đảm sự công bằng

Có quan điểm: Đại biểu do cử tri bầu, là người đại diện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân; cử tri đã trao quyền cho đại biểu là người đại diện nên việc tổ chức để đại biểu bỏ phiếu bãi nhiệm tại nghị trường là phù hợp; thực tế nhiều nhiệm kỳ qua, QH và HĐND vẫn thực hiện có hiệu quả và không ảnh hưởng gì về quyền dân chủ… Do đó, không cần thiết phải tổ chức để cử tri bỏ phiếu bãi nhiệm. Bởi, việc tổ chức cho cử tri bỏ phiếu bãi nhiệm sẽ rất phức tạp, tốn kém.

Có quan điểm chỉ nên tổ chức duy nhất một hình thức là: Để cử tri trực tiếp bỏ phiếu bãi nhiệm thay việc QH, HĐND đã và đang tổ chức bỏ phiếu bãi nhiệm tại nghị trường như hiện nay. Làm như vậy, vừa đúng quy định của pháp luật hiện hành, vừa bảo đảm dân chủ trực tiếp; cử tri có quyền trực tiếp bầu ra người đại diện cho mình thì cũng phải được bỏ phiếu bãi nhiệm người không còn xứng đáng với niềm tin mình gửi gắm… Đây là hình thức mà nhiều nước trên thế giới đã và đang thực hiện.

Nhưng cũng lại có quan điểm rằng: Cần để hai hình thức bỏ phiếu bãi nhiệm như luật định. Tuy nhiên, nên ưu tiên và tập trung thực hiện theo hình thức quyền dân chủ đại diện tại nghị trường, tức là QH, HĐND bỏ phiếu bãi nhiệm. Còn trường hợp tổ chức để cử tri trực tiếp bỏ phiếu bãi nhiệm chỉ nên tổ chức trong điều kiện hoàn cảnh đặc biệt như: Việc tổ chức cho đại biểu bỏ phiếu bãi nhiệm tại nghị trường sẽ không bảo đảm khách quan, trung thực hoặc không thể tổ chức được kỳ họp do khó triệu tập đủ số lượng đại biểu theo quy định để bỏ phiếu; hay trường hợp do đại đa số cử tri nơi đại biểu ứng cử đề nghị được trực tiếp bỏ phiếu bãi nhiệm…

Nguyễn Xuân Diên - Phó Chánh Văn phòng Đoàn ĐBQH TP Hà Nội