Để có văn bản luật chất lượng

- Thứ Hai, 19/08/2019, 07:59 - Chia sẻ
Tạo môi trường thật sự dân chủ trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì mới có những văn bản luật chất lượng, làm động lực thúc đẩy sự phát triển đất nước. Đó là vấn đề đặt ra trong sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Tránh xuôi chiều, nể nang

Kinh nghiệm cho thấy, chính sách hay văn bản quy phạm pháp luật nào được sinh ra và khẳng định trong sự cọ xát dân chủ là chính sách, văn bản tốt, minh bạch, có sức sống trường tồn
GS. TS. Hoàng Thế Liên

Trách nhiệm và sự phối hợp của các cơ quan trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, pháp lệnh là một trong những nội dung sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Liên quan đến vấn đề này, dự thảo Luật đề xuất 2 phương án. Phương án 1: Việc chủ trì tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết được chuyển từ cơ quan chủ trì thẩm tra sang cơ quan, tổ chức, ĐBQH trình dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết. Phương án 2: Giữ như quy định hiện hành, đồng thời bổ sung một số quy định nhằm tăng cường trách nhiệm, nâng cao hiệu quả phối hợp của cơ quan chủ trì thẩm tra và cơ quan, tổ chức, ĐBQH trình dự án luật, pháp lệnh, dự thảo nghị quyết trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý.

Theo quy định hiện hành của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì QH giữ hai vai trò khác nhau trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ở giai đoạn soạn thảo, QH và các cơ quan của QH giữ vai trò phản biện, đánh giá chính sách mà cơ quan trình dự án luật thể hiện trong dự thảo luật. Khi dự án luật đã trình QH, thì QH và các cơ quan của QH lại giữ vai trò xây dựng chính sách, thậm chí giữ vai trò bảo vệ chính sách trước QH. Chính sách do cơ quan trình dự án luật (chủ yếu là Chính phủ) phải được đề xuất, đánh giá tác động theo trình tự, thủ tục luật định chặt chẽ. Trong khi đó, những chính sách mới được đưa vào dự án luật thông qua hoạt động thẩm tra, hoạt động giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật của QH lại không phải đánh giá tác động một cách kỹ lưỡng. Thực tế cho thấy, nhiều dự án luật có sự thay đổi khá lớn về chính sách so với ban đầu.

GS. TS. Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Tư pháp cho rằng, Ban soạn thảo nên chỉ đưa ra 1 phương án, cụ thể, “việc chủ trì tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết được chuyển từ cơ quan chủ trì thẩm tra sang cơ quan, tổ chức, ĐBQH trình dự án luật, pháp lệnh, nghị quyết”. Bởi, nếu theo phương án giữ nguyên như cũ, chỉ bổ sung một số quy định nhằm tăng cường trách nhiệm của các cơ quan trong ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì đó là giải pháp mang tính “cải lương”, chưa thể khắc phục được sự bất hợp lý hiện nay và cũng chưa thực hiện hết yêu cầu của tình hình thực tế.

“Tôi ủng hộ phương án 1 và đề nghị nên chỉ đề xuất một phương án này còn bởi mong muốn tạo ra sự cọ xát dân chủ thật mạnh mẽ trong ban hành VBQPPL, tránh được tình trạng xuôi chiều, nể nang, dễ dãi trong thông qua các dự án luật, pháp lệnh. Chính phủ cũng như cơ quan trình dự án luật, pháp lệnh càng phải cố gắng kỹ càng và bản lĩnh trong đề xuất, bảo vệ chính sách. Nếu tạo được môi trường thật sự dân chủ như vậy thì mới có thể có được những văn bản luật chất lượng, làm động lực thúc đẩy sự phát triển của đất nước”, GS.TS Hoàng Thế Liên nói.

Lấy ý kiến thực chất

Ngoài trách nhiệm của các cơ quan trong quá trình ban hành văn bản thì vấn đề lấy kiến nhân dân nói chung và đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách pháp luật nói riêng cũng được đặc biệt quan tâm trong sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật lần này. 

Theo quy định hiện hành, việc lấy ý kiến nhân dân, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách pháp luật là bắt buộc. Tuy nhiên, do còn thiếu nhiều điều kiện như thời gian, kinh phí, thông tin, cộng với sự bất cập trong ý thức và năng lực của đội ngũ hoạch định chính sách, nên quy định này được thực hiện chưa tốt, nếu không muốn nói là còn ở hình thức, chiếu lệ cả trong tổ chức lấy ý kiến lẫn tổng hợp, tiếp thu, giải trình ý kiến đóng góp của nhân dân.

 GS.TS. Hoàng Thế Liên cho rằng, cần phải sửa đổi, bổ sung cơ chế pháp lý hữu hiệu để thực hiện vấn đề quan trọng này theo hướng tạo dựng cơ chế bảo đảm việc lấy ý  kiến nhân dân, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của chính sách pháp luật trong giai đoạn dự thảo văn bản một cách thực chất. Ở giai đoạn thẩm tra văn bản, cần quy định về tổ chức phiên điều trần về dự án luật, pháp lệnh. Phiên điều trần được tổ chức công khai và mở rộng, thành phần tham gia ngoài đại diện các cơ quan nhà nước, đại diện cử tri, các tổ chức xã hội, nhân dân có quyền dự. Tại phiên điều trần, cơ quan trình dự án luật, pháp lệnh có trách nhiệm trả lời các câu hỏi của bất cứ ai tham gia, cung cấp đầy đủ tài liệu, thông tin liên quan đến dư án luật, pháp lệnh. Qua phiên điều trần, các cơ quan có trách nhiệm trong ban hành văn bản sẽ trực tiếp nhận được nhiều ý kiến từ nhân dân. Ngoài ra, cũng cần bổ sung quy định về trách nhiệm của ĐBQH trong việc lấy ý kiến của cử tri ở khu vực bầu cử về dự án luật, pháp lệnh. Quy định này vừa tạo thêm một kênh quan trọng để nhân dân góp ý kiến, vừa giúp ĐBQH nắm bắt được nguyện vọng của nhân dân để nói lên tiếng nói của nhân dân tại nghị trường

Đồng tình với ý kiến này, GS. TS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Chuyên gia cao cấp của Viện Nghiên cứu lập pháp cho rằng, trong tất cả các giai đoạn của quy trình lập pháp cần quy định vai trò giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, đồng thời thu hút thực chất nhân dân tham gia vào hoạt động lập pháp.

Nguyễn Minh