Lập pháp ủy quyền ở Anh

Để cơ quan được ủy quyền không lạm quyền

- Thứ Sáu, 09/01/2015, 08:49 - Chia sẻ
Thừa nhận sự tồn tại của lập pháp ủy quyền, câu hỏi đặt ra là làm sao giám sát việc ban hành luật bảo đảm đúng mục tiêu, hiệu quả, cân bằng quyền lực giữa nghị viện và hành pháp. Mỗi văn bản chỉ được dành nhiều nhất là một tiếng rưỡi để nghị viện thảo luận nếu có kiến nghị của nghị sỹ. Nhưng do số lượng văn bản tăng lên nên tổng số thời gian Hạ viện Anh dành cho hoạt động này ngày càng tăng, trở thành áp lực lớn.

Cùng với số lượng các văn bản lập pháp ủy quyền tăng lên, số ý kiến phê bình cũng tăng theo. Người ta lo ngại về chất lượng của một số văn bản không đáp ứng yêu cầu; khả năng tiếp cận hạn chế của công chúng; nguy cơ lấn quyền của hành pháp; tính giải trình trách nhiệm bị giảm sút; tính đại diện bị mai một, khi nghị viện không chịu trách nhiệm trực tiếp về các văn bản đó… Hơn nữa, ủy quyền rồi thì phải theo dõi xem việc sử dụng quyền có đúng mục đích, trong khuôn khổ ủy quyền hay không.

Ủy ban về các văn bản thực thi luật của Hạ viện Anh nhận định, từ chỗ chỉ để thực thi các chính sách của Chính phủ, các văn bản thực thi luật ngày càng được sử dụng để thay đổi chính sách, đôi khi với cách thức mà văn bản luật gốc không tính đến. Ủy ban này cho rằng, trong điều kiện hiện nay, khi đòi hỏi của thực tiễn ngày càng lớn, nghị viện lại không có đủ thời gian, khó có thể lật ngược xu hướng này. Một nghị sĩ thậm chí còn châm biếm, nghị viện không cần phải tốn công sức ban hành những đạo luật phức tạp, mà chỉ cần thông qua những đạo luật rất ngắn gọn với một câu: “Bộ trưởng có thể ban hành văn bản dưới luật điều chỉnh bất kỳ vấn đề nào Bộ trưởng thấy cần thiết”.

Số lượng chưa hẳn đã là vấn đề lớn của lập pháp ủy quyền, vì nhiều khi một văn bản dài lại điều chỉnh những chuyện ít quan trọng. Điều then chốt là đã diễn ra thay đổi trong tính chất, phạm vi của các văn bản. Một văn bản luật có thể chịu sự giám sát tổng thể ở cả trong và ngoài nghị viện, nhưng rất khó giám sát một văn bản dưới luật. Chẳng hạn, nếu Chính phủ muốn thay đổi hệ thống thuế quốc gia bằng Luật Ngân sách và Tài chính, chắc chắn sẽ phải trải qua hàng giờ đồng hồ tranh luận ở các phiên họp toàn thể cũng như ở Ủy ban Tài chính và phải chịu sửa đổi. Các nhóm lợi ích có ít nhất ba tháng để lobby các nghị sĩ thay đổi các quy định trong luật. Thế nhưng, một văn bản lập pháp ủy quyền về bảo hiểm xã hội tác động đến hàng triệu người lại chỉ được nhiều nhất một tiếng rưỡi thảo luận và biểu quyết tán thành hoặc không tán thành mà không được sửa đổi. Thời gian để lấy ý kiến nhân dân cũng chỉ trong ba tuần.

Như vậy, các văn bản dưới luật đã tăng quyền lực của Chính phủ và giảm quyền lực của nghị viện rất nhiều. Nhiều người bàn về vấn đề này dưới góc độ Chính phủ được làm nhiều thứ nếu muốn. Nhưng cũng có ý kiến đề cập đến thực tế là Chính phủ không muốn thực thi quyền lực được nghị viện trao theo cách và theo thời hạn mà nghị viện mong muốn. Hoặc Chính phủ ban hành những dạng văn bản không phải là luật để tránh sự giám sát của nghị viện, chẳng hạn như Bộ Quy tắc ứng xử trên đường cao tốc đề cập đến những vấn đề thuộc phạm vi điều chỉnh của luật như an toàn giao thông, cảnh sát, chứng cứ hình sự…

Minh Thy