“Đế chế” Disney - Khi lịch sử ra đời từ cuộc phái sinh

- Chủ Nhật, 04/08/2019, 08:24 - Chia sẻ
Từ chỗ là một công ty nhỏ lúc nào cũng sợ “bị nuốt”, Disney giờ đã trở thành một đế chế khiến các hãng phim nhỏ lo sợ. Tất cả khởi nguồn từ một chú chuột… phái sinh, gắn liền với câu nói bất hủ của Walt Disney, mà có lẽ ai trong chúng ta cũng cần phải lưu tâm: “Những điều vĩ đại nhất đều khởi đầu từ những thứ nhỏ bé”.

Lion King, bộ phim với tôi là siêu chán, chuẩn bị chạm mốc 1 tỷ USD doanh thu toàn cầu. Trước khi vào phim, Disney phô trương thanh thế với một loạt 5 cái trailer. Phim xếp lớp như cá mòi. Frozen 2 gần như chắc chắn sẽ oanh tạc toàn cầu vì các bé gái mê Elsa (mà hình như các bé trai cũng mê, còn các bậc cha mẹ thì mê Olaf). Mulan với nữ chính e cũng sẽ hốt bạc ở thị trường Trung Quốc. Disney giờ là gã khổng lồ vĩ đại nhất đế chế giải trí. Và nó đã khởi đầu từ… một con chuột. 

Từ một kẻ bị tước mất đứa con tinh thần, Walt Disney đã tạo nên một đế chế trong làng giải trí toàn cầu, hiện nay được định giá đến hàng trăm tỷ USD. Lịch sử của những cuộc “phái sinh” hóa ra đã từng có một cú “big bang” khủng khiếp đến dường ấy.

Tháng 11 năm ngoái, Walt Disney long trọng tổ chức sinh nhật lần thứ 90 của chú chuột Mickey, được xem là linh vật của hãng. Ở công viên Disneyland thuộc bang California (Hoa Kỳ), tượng họa sĩ Walt Disney và chú chuột Mickey đang cầm tay nhau được đặt ở vị trí trung tâm. Đấy là mối lương duyên kỳ lạ, khi một người có thật và một nhân vật hoạt hình cùng tạo nên một đế chế vĩ đại.

Theo sách của cụ Nguyễn Hiến Lê kể về 40 tấm gương thành công trên thế giới, Walt Disney từng là một họa sĩ nghèo rớt mồng tơi. Một lần mang các tác phẩm của mình đến hãng Kansas City Star xin việc, ông chủ của hãng đã khuyên Disney nên… bỏ nghề. Không bỏ cuộc, Disney vẫn miệt mài vẽ và tìm kiếm nhà đầu tư. 

Giai thoại kể, một hôm Disney nhìn thấy chú chuột chạy ngang qua mình. Ông ngừng vẽ, ngó nó và thấy nó… ngó lại ông. Vào nhà lấy bánh mì vụn ra, Disney ngạc nhiên khi chú chuột không hoảng sợ mà… ăn vụn bánh mì ngon lành. Nếu như con lật đật đã tạo cảm hứng để Fujiko Fujio vẽ nên chú mèo Doraemon nổi tiếng vài chục năm sau đó thì chú chuột ăn vụn bánh mì đã tạo điều kiện để Disney vẽ… thỏ Oswald. 

Disney xách Oswald đi chào hàng và được hãng Universal chấp nhận đầu tư. Được một thời gian, Disney đòi mức thù lao cao hơn cho nhân vật đầu tay của mình. Nhưng ông chủ của hãng - Charles Mintz - kiên quyết từ chối. Disney đòi lại Oswald, tất nhiên là Universal không trả. Mintz tuyên bố thỏ Oswald là tài sản của Universal, nó sẽ vẫn ở lại, ngay cả khi Disney có bỏ đi.

 Bí quyết của Disney chỉ gói trong một câu: “Bước về phía trước và không ngừng tưởng tượng”.

Disney nhận ra bài học đầu tiên trong đời: Giữ quyền sở hữu cho mọi nhân vật mà mình sáng tạo. Thành lập công ty riêng, Disney tạo ra nhân vật chuột Mickey. Trên thực tế, chuột Mickey có tạo hình rất giống thỏ Oswald, và nó cũng là sự sáng tạo dựa trên chú chuột ăn vụn bánh mì ngày xưa. Thế nên, nếu nói chuột Mickey là một sản phẩm phái sinh từ thỏ Oswald thì cũng không có gì sai cả.

Năm 1928 được lấy làm năm khai sinh của chuột Mickey vì trong năm đó, tập phim hoạt hình được lồng tiếng đầu tiên trong lịch sử ra đời mang tên “Tàu hơi nước Willie”. Mickey là nhân vật chính và lồng tiếng cho chú cũng chính là Disney.

Có tài liệu ghi lại: Ban đầu Disney định đặt tên cho Mickey là Mortimer. Nhưng vợ ông bảo đấy là một cái tên hơi… gian xảo, Mickey sẽ là một cái tên thương mại hơn. Disney nghe theo lời vợ. Sau này trong một tập phim khác, ông đã lấy tên Mortimer đặt tên cho một con chuột… phản diện. Anh em Kính thê bang hết sức chú ý chi tiết này nhé. 

90 năm sau ngày ra đời, chuột Mickey đã trở thành chú chuột nổi tiếng nhất hành tinh. Chú là khởi nguồn cho cả một đế chế tỷ đô. Từ hoạt hình, chú đi vào đời sống thường nhật của biết bao thế hệ trẻ em trên thế giới. Bọn nhóc ôm chuột Mickey đi ngủ, đến trường cùng ba lô Mickey, dùng vở Mickey và tẩy có hình Mickey...

Mickey đi vào cả… chiến tranh. Trong Thế chiến thứ Hai, “Mickey” đã trở thành mật khẩu bí mật giữa các nhân viên tình báo của phe Đồng Minh trong chiến dịch đổ bộ vào Normandy. Mickey đi vào âm nhạc, khi album “Mickey Mouse Disco” ra đời năm 1979 thành công vang dội và trở thành album nhạc trẻ em có doanh số cao nhất vào thời điểm ấy.

Rồi sau Mickey, những người em của nó bắt đầu tiếp bước nó vẽ nên ước mơ của biết bao trẻ em trên thế giới. Bạch Tuyết và 7 chú lùn ra đời năm 1937, Pinocchio, Fantasia cùng chào đời năm 1940. Tiếp nối là Dumbo (1941), Bambi (1942), Lọ Lem (1950), Mary Poppins (1964). Mỗi bộ phim đều là “bom tấn” vào thời điểm nó ra đời và lập tức được đánh giá là kiệt tác.

Rồi Disneyland ra đời (1955), trở thành địa chỉ vui chơi đáng mơ ước với biết bao thế hệ trẻ em trên toàn thế giới. Ngày nay, hệ thống công viên Disney World đã có mặt ở khắp các châu lục với 12 công viên chủ đề và 2 công viên nước, mỗi năm thu về hàng tỉ USD.

Rồi từ phim hoạt hình, Disney làm phim người đóng. Bí quyết của Disney chỉ gói trong một câu: “Bước về phía trước và không ngừng tưởng tượng”. Từ chỗ bị người khác “nuốt” mất đứa con tinh thần, Disney bắt đầu “nuốt” những công ty khác. Mới đây, họ đã mua lại hãng Fox, qua đó củng cố địa vị bất khả xâm phạm trong làng giải trí toàn cầu.

Trước đó, Disney thâu tóm Marvel vào năm 2009. Có Disney chống lưng, Marvel đã tạo nên vũ trụ siêu anh hùng thành công nhất lịch sử. Năm 2011, Disney mua tiếp Lucasfilm, làm chủ luôn loạt Star Wars. Rồi Disney hốt Pixar, hãng hoạt hình được xem là “nhả sản xuất những giấc mơ” với những bộ phim mà người ta bảo là Viện hàn lâm chỉ chờ họ ra phim là trao Oscar.

Việc làm sống lại những tác phẩm đã quá kinh điển như Vua sư tử, Mulan, Tarzan, Công chúa ngủ trong rừng, Bạch Tuyết… dù là phiên bản 3D hay người đóng đang tạo ra những cái chau mày. Mới đây, bộ phim Aladdin với tạo hình Thần Đèn “xấu đau xấu đớn” của Will Smith đã mang ra làm đề tài chế nhạo suốt một thời gian dài. Người ta nói đế chế Disney đang vô tình phá hủy hình ảnh đẹp đẽ của chính họ tạo ra. Nhưng rồi Aladdin vẫn hốt bạc. Và Lion King, dù cảm xúc thua xa phiên bản hoạt hình của nó, chuẩn bị chạm mốc tỷ đô.

Nhưng Disney không thay đổi, nó chỉ đơn giản là trưởng thành lên. Một Disney của những bộ phim hoạt hình kinh điển đã làm tròn phận sự của mình. Bởi vì, bây giờ nuôi dưỡng ước mơ cho thế hệ trẻ em tiếp theo đã được giao phó cho Pixar. Disney khởi đi từ một công ty vẽ truyện tranh cho trẻ em, giờ họ làm phim cho người… đã từng là trẻ em. Từ chỗ là một công ty nhỏ lúc nào cũng sợ “bị nuốt”, bây giờ đã trở thành một đế chế khiến các hãng phim nhỏ lo sợ.

Tất cả khởi nguồn từ một chú chuột… phái sinh. Và hình ảnh chú chuột nhỏ bé ăn vụn bánh mì ấy sau này trở lại trong câu nói bất hủ của Walt Disney, mà có lẽ ai trong chúng ta cũng cần phải lưu tâm: “Những điều vĩ đại nhất đều khởi đầu từ những thứ nhỏ bé”.

Trần Minh