Pháp luật Mỹ về quyền tiếp cận thông tin

Để ánh dương chiếu rọi

- Thứ Sáu, 08/01/2016, 08:26 - Chia sẻ
Cách căn bản nhất để người dân Mỹ ràng buộc lãnh đạo chịu trách nhiệm về những hành động của mình là thông qua bỏ phiếu trong các cuộc bầu cử và tham gia bồi thẩm đoàn trong các phiên xử công khai. Nhưng đó không phải là cách duy nhất. Luôn có và nên có nhiều cơ hội khác để bảo đảm rằng những quan chức nhà nước được và không được bầu luôn chịu trách nhiệm trước người dân. Một trong những cơ hội đó được tạo ra bởi Luật Ánh dương, đạo luật giúp các hoạt động của cơ quan nhà nước sáng rõ dưới ánh mặt trời.

Nắm thông tin và phản hồi thông tin

Luật Ánh dương, được ban hành năm 1976 yêu cầu khi các quan chức ngành hành pháp họp để tiến hành công việc của Chính phủ, họ phải thông báo trước về các cuộc họp của mình và tổ chức họp trong những diễn đàn công khai trước công chúng. Quy định này giúp Chính phủ có được nhiều thông tin tốt hơn trước khi ra quyết định. Hơn thế nữa, điều này đưa đến những chính sách được cho là công bằng hơn vì nó thể hiện ý kiến đóng góp của nhiều bên quan tâm. Ở cấp bang trong cả nước đều có những luật tương tự.

Trong nhiều trường hợp, người dân không chỉ được phép dự các cuộc họp công khai mà còn được phát biểu ý kiến trong quá trình đó. Ví dụ, trước khi Cơ quan Bảo vệ Môi trường quyết định về một quy định liên quan tới ô nhiễm trong năm 1999, Cơ quan này tổ chức một loạt các cuộc điều trần trên cả nước và dành hàng giờ lắng nghe ý kiến, kiến nghị của các tổ chức, tập đoàn và cá nhân.

Trong một buổi điều trần tại Philadelphia, Pennsylvania, một công dân tên là Randy Hester đã bày tỏ cảm nghĩ của mình: “Là một người Mỹ, tôi thấy mình có quyền không thể chuyển nhượng đó là được nói lên tiếng nói của mình và tôi vô cùng vui mừng được có cơ hội này hôm nay”. Có lẽ đây là cảm nghĩ chung của nhiều người cùng dự họp.

Một cách phổ biến để người dân thể hiện quan điểm của mình là gửi thư hoặc email cho các quan chức được bầu. Không có gì là bất bình thường khi một Nghị sĩ (Thượng nghị sĩ hoặc Hạ nghị sĩ) nhận được hàng nghìn thư một ngày về một vấn đề nổi cộm. Những người trong tổ chức phục vụ một sự nghiệp nào đó thường đề ra nhiều chiến dịch viết thư. Những nhóm này có thể đại diện cho giới doanh nghiệp, tôn giáo, người lao động hoặc có thể đấu tranh cho những vấn đề như bảo vệ môi trường hay sức khỏe của con người. Họ cũng tới gặp các nhà lập pháp để vận động cá nhân.

Công khai tài chính

Sự minh bạch trong Chính phủ Mỹ cũng có thể thấy trong những quy định đối với những người muốn ra tranh cử chức vụ trong bộ máy công. Theo luật pháp, các ứng cử viên muốn được bầu vào Quốc hội hay chức vụ Tổng thống cần có những báo cáo chi tiết, công bố số tiền mà họ quyên góp được và số tiền họ chi tiêu. Các ứng cử viên phải công bố mọi cá nhân hay tổ chức nào đóng góp cho mình trên 200 USD. Cũng có một điều luật giới hạn lượng tiền một người có thể đóng góp trực tiếp cho một ứng cử viên. Mục đích của những quy định này là hạn chế ảnh hưởng của những người giàu và những nhóm mạnh đối với các chính trị gia. Tương tự như vậy, những nhà lãnh đạo khác của liên bang cũng phải công bố tài chính khi được bầu hay được chỉ định vào chức vụ. Trong những bản công bố tài chính này, các quan chức cao cấp phải công bố thực chất và mức độ tài sản của mình để bảo đảm rằng sẽ không có sự đối lập nào về lợi ích với công việc.

Những bản kê khai tài chính được công bố cho công chúng và giới truyền thông, mà theo quy định của bản Hiến pháp sửa đổi thứ nhất của Mỹ thì giới truyền thông không bị chính phủ kiểm duyệt. Người dân Mỹ sử dụng tất cả những biện pháp kiểm kê này để thực hiện một cách thông minh quyền bỏ phiếu của mình. Qua nhiều năm, nhờ những luật lệ mới và những cách tiếp cận thông tin tốt hơn, người dân đã có được thông tin từ các cơ quan hành pháp dễ dàng hơn cũng như dễ gây ảnh hưởng hơn đối với những hành động có tác động đến công chúng của các cơ quan này.

Minh bạch giúp tăng cường lòng tin

Tất nhiên, các biện pháp bảo đảm tính minh bạch này tốn kém bởi vì chúng làm cho bộ máy hành chính trở nên cồng kềnh hơn. Các cơ quan liên bang phải thành lập một bộ phận chịu trách nhiệm xem xét yêu cầu của dân chúng về các hồ sơ và thông tin, phải xây dựng các quy trình mới để công khai hoạt động, kết quả; và yêu cầu phải báo trước các cuộc họp như trong Đạo luật Ánh dương đã quy định khiến cho các cơ quan liên bang gặp khó khăn trong việc hành động nhanh do các cuộc họp đều phải chờ được thông báo trước cho dân chúng. Hơn nữa, không phải tất cả mọi nơi trong chính phủ đều có sự minh bạch. Ngành tư pháp, đặc biệt là ở cấp liên bang, đã phản đối một số nội dung trong phong trào minh bạch hóa, nhất là đối với việc đưa lên truyền hình những buổi tranh tụng và phán quyết của tòa.

Tuy nhiên, làn sóng minh bạch hóa đang dâng cao trong Chính quyền Mỹ cũng đã thu được nhiều thành quả tốt đẹp. Nó giúp khôi phục lòng tin đối với Chính quyền và xoa dịu sự phẫn nộ của dân chúng sau vụ Watergate hồi đầu thập kỷ 70. Rõ ràng thông qua chính sách minh bạch hóa thông tin, tạo điều kiện cho người dân được quyền và sử dụng quyền tiếp cận thông tin của cơ quan công quyền, mối quan hệ giữa chính quyền và người dân đã trở nên gắn bó hơn, nhờ sự thấu hiểu, nhờ sự thông cảm và ít chỗ cho sự hoài nghi.

Minh Nguyễn