Thảo luận dự án Luật giáo dục đại học :

ĐBQH Phan Văn Tường (Thái Nguyên): <I>Đại học vùng được xác định bởi những tiêu chí nào?</I>

- Thứ Hai, 28/05/2012, 09:20 - Chia sẻ

Điểm c, Điều 7 quy định về cơ sở giáo dục đại học. Trên thực tế đại học vùng ít được dùng mà thường gọi trực tiếp như Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế, Đại học Đà Nẵng, tên gọi đó gắn liền với lịch sử thành lập và địa danh cụ thể của đơn vị cấp tỉnh. Khi luật ban hành các đại học trên gọi như thế nào để bao quát cho một vùng? Tiêu chí một đại học vùng sẽ được xác định bởi những tiêu chí gì, về đất ở rộng hẹp, quy mô đào tạo hay nhiệm vụ hoặc phạm vi tuyển sinh hay tiêu chí gì nữa ngoài 4 tiêu chí ở ý 1, Điều 8? Thực tiễn hiện nay đại học vùng cũng như các trường đại học đều tuyển sinh trên phạm vi cả nước và không có một đại học nào chỉ thực hiện đào tạo nhân lực cho một vùng hay một địa phương. Các vấn đề liên quan đến đất đai, tín dụng, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ thông tin, báo cáo giám sát, thanh tra, kiểm tra trong dự thảo luật đều liên quan đến một đơn vị tỉnh, thành phố cụ thể chứ không đề cập đến vùng. Ngoài ra tổ chức đại học vùng còn liên quan đến cải cách hành chính và liên quan đến tài chính, đến đóng góp của người học. Khi tổ chức ra một bộ máy trung gian trên trường, dưới Bộ sẽ tăng chi phí cho đào tạo mà lại giảm tính tích cực, chủ động và tự chủ của các trường thành viên. Do vậy, tôi đề nghị bỏ ý c, Điều 7 và những nội dung liên quan đến đại học vùng ở trong luật.

Tôi đồng ý nên để và xây dựng Đại học quốc gia trong luật, nhưng nên bỏ Điều 27, Điều 28 về Đại học quốc gia vì, thứ nhất đã gắn liền với truyền thống, thương hiệu của một thế kỷ qua, với vai trò đặc biệt tiêu biểu cho giáo dục Việt Nam, với sứ mạng đào tạo, nghiên cứu chất lượng cao, đặc biệt nổi trội vai trò đi đầu, tiên phong đổi mới của giáo dục Đại học quốc gia. Sự tiên phong đi đầu đó trong đổi mới sẽ có cả thành công và không thành công, sẽ có lĩnh vực được chấp nhận và chưa được chấp nhận. Do đó cần có chính sách, cơ chế quản lý đầu tư phù hợp và phải có Đại học quốc gia để phân biệt với các đại học khác làm nhiệm vụ ấy. Thứ hai, nếu cho quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm thuộc tính cơ bản của giáo dục đại học là yêu cầu khách quan phù hợp với xu thế của giáo dục đại học hiện nay thì không nên xây dựng Điều 27, Điều 28 mà chỉ xác định nguyên tắc thứ nhất vì Đại học quốc gia và các nội dung, lĩnh vực tự chủ, tự chịu trách nhiệm như các đại học khác, còn có lĩnh vực phải nghiên cứu tìm tòi do nhu cầu của sự phát triển hoặc do yêu cầu của quốc gia trong từng giai đoạn lịch sử và điều kiện cụ thể của đất nước. Đào tạo và nghiên cứu theo yêu cầu của quốc gia, dân tộc là thể hiện rõ nét nhất tính định hướng và tự chủ của Đại học quốc gia. Đó là một trong những tiêu chí đặc trưng và phân biệt Đại học quốc gia với đại học khác. Do vậy, các vấn đề liên quan đến Đại học quốc gia nên để Chính phủ quy định, bảo đảm sự kịp thời và linh hoạt.

MV lược ghi