ĐBQH Nguyễn Thái Học: Cán bộ tư pháp còn thiếu và yếu

- Thứ Ba, 12/05/2020, 14:39 - Chia sẻ
(ĐBNDO) - Mặc dù hoạt động của ngành Kiểm sát và ngành Tòa án trong nhiệm kỳ QH Khóa XIII đứng trước những yêu cầu đòi hỏi rất lớn nhưng ĐBQH Nguyễn Thái Học khẳng định, đứng trước những yêu cầu đòi hỏi như vậy, ngành Kiểm sát và ngành Tòa án đã có những nỗ lực, cố gắng và tạo được những chuyển biến rất tích cực trong hoạt động. Tuy nhiên, về đội ngũ cán bộ các cơ quan tư pháp, đại biểu Học lo lắng, vấn đề này vẫn còn tình trạng vừa thiếu, vừa yếu.

Phát biểu ý kiến xoay quanh báo cáo tổng kết nhiệm kỳ của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. ĐBQH Nguyễn Thái Học đã làm rõ những chuyển biến tích cực của hai ngành.

Thứ nhất, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã tập trung chăm lo công tác xây dựng ngành. Nổi bật là chấn chỉnh phong cách tác phong lề lối làm việc, xử lý nghiêm cán bộ sai phạm ở cơ sở. Có một thời gian người dân vẫn băn khoăn, vẫn lo lắng với những tiêu cực trong ngành tư pháp, liệu có chuyện chạy án hay không, từ bị can, bị cáo cho đến luật sư, cho đến Thẩm phán, Kiểm sát viên trong một vụ án. Ông Học cũng khẳng định, điều này là thực tế và có nhiều cán bộ trong ngành đã bị xử lý, đã bị điều tra, truy tố, xét xử. Nhưng nhìn lại nhiệm kỳ vừa qua, ông Học cho rằng đã có chuyển biến, lãnh đạo hai ngành đã nhìn thẳng vào thực tế tình hình và có những biện pháp để chỉ đạo. Đây là một điều rất đáng mừng.


ĐBQH Nguyễn Thái Học (Phú Yên) 

Thứ hai, lãnh đạo của hai ngành đã chú trọng đến việc rà soát, thanh tra, kiểm tra để nâng cao chất lượng truy tố xét xử. Giải quyết những khó khăn, vướng mắc tồn động kéo dài, liên quan đến quyền con người và quyền công dân, cụ thể ở đây là vấn đề xác minh, làm rõ và kết luận án oan sai. Đại biểu Nguyễn Thái Học cho biết, trong nhiệm kỳ vừa qua, án oan được thẩm tra, kết luận thì ít nhưng sai trong quá trình truy tố, xét xử thì khá nhiều. Quan điểm của lãnh đạo hai ngành là đã có oan sai thì phải được kết luận và công khai, minh bạch. Mặc dù điều này chúng ta làm chưa nhiều, nhưng những tín hiệu như thế và những việc làm như thế cũng đã tạo lập được niềm tin của công dân đối với các hoạt động của cơ quan tư pháp.

Thứ ba, ông Học cũng cho rằng, đã có sự phối hợp tốt, chặt chẽ đối với các cơ quan tư pháp trong hoạt động tố tụng cũng như sự phối hợp giữa lãnh đạo của hai ngành Kiểm sát, Tòa án với cấp ủy, chính quyền các địa phương.

Có nhiều đại biểu vẫn băn khoăn, nếu những vụ án phức tạp mà các ngành tư pháp ngồi lại với nhau sẽ ảnh hưởng đến sự độc lập. Nhưng đại biểu Nguyễn Thái Học lại cho rằng, ngồi lại với nhau để phối hợp tốt hơn, để tránh oan sai cũng là tốt. Ngồi lại với nhau không phải là bàn để thống nhất, để rồi không có sự độc lập, ngồi lại với nhau nhưng bàn, phân tích, đánh giá và làm rõ vấn đề để khi phán quyết đúng thì cần thiết.

Thứ tư, thông qua những hoạt động của ngành Kiểm sát và Tòa án trong nhiệm kỳ vừa qua đã từng bước xác lập niềm tin của người dân vào hoạt động của các cơ quan tư pháp, theo tinh thần của Hiến pháp 2013. Hiến pháp 2013 đề cao vai trò, quyền con người, quyền công dân trực tiếp liên quan đến các hoạt động tư pháp thì bước đầu 2 ngành đã cụ thể hóa tinh thần này để đưa vào cuộc sống.

Về những tồn tại, hạn chế cần quan tâm trong thời gian tới, những mong mỏi của người dân đối với ngành Kiểm sát và Tòa án, ĐBQH Nguyễn Thái Học chia sẻ, dù chất lượng tranh tụng tại phiên tòa, chất lượng truy tố xét xử mặc dù có chuyển biến tốt nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, Tòa án là nơi bảo vệ cán cân công lý, do vậy, phán quyết của Tòa án phải chính xác và chuẩn mực. Chỉ có sự chính xác và chuẩn mực của Tòa án thì mới đem lại niềm tin cho người dân. Vấn đề này người dân mong mỏi, đòi hỏi nhưng sự đáp ứng lại còn phải khẳng định và cố gắng hơn nhiều.

Thứ hai về đội ngũ cán bộ các cơ quan tư pháp, đại biểu Học lo lắng, vấn đề này vẫn còn nhiều hạng mục, vừa thiếu, vừa yếu. Yếu thì án tồn đọng sẽ kéo dài, dẫn đến oan sai. Hiện nay ở nhiều địa phương, tình trạng cán bộ của ngành Kiểm sát, Tòa án nhất là Tòa án thiếu rất nhiều nên án tồn đọng là thế. Đây là một quá trình, chúng ta không thể trách trong nhiệm kỳ vừa qua. “Rất mừng là vừa rồi chúng ta đã có Đại học Kiểm sát Hà Nội, Học viện Tòa án nhưng để làm được việc này thì phải 5, 10 năm nữa mới có một thế hệ cán bộ đáp ứng yêu cầu. Trước mắt phải xử lý thế nào? Đây là một vấn đề hết sức quan tâm, nếu không chăm lo thì rất khó”, đại biểu Học nói.

Thứ ba, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho ngành Kiểm sát và Tòa án vẫn còn hạn chế. Ông Học băn khoăn: “Vì sao đến bây giờ trụ sở của Tòa án cấp huyện, Viện kiểm sát cấp huyện vẫn không có, phải đi thuê để xét xử? Vấn đề này rất mong Chính phủ quan tâm và có giải pháp khắc phục.”

Lan Chi – Lê Hoa lược ghi