ĐBQH Đỗ Văn Vẻ: Chi tiêu công còn nhiều lãng phí

- Thứ Ba, 12/05/2020, 14:52 - Chia sẻ
(ĐBNDO)- Nhất trí cao với hầu hết nội dung bản báo cáo công tác nhiệm kỳ 2011 – 2016 của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Đại biểu nhân dân, ĐBQH Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) cũng đã chỉ ra một số hạn chế, yếu kém trong công tác chỉ đạo, điều hành nhiệm kỳ vừa qua của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

ĐBQH Đỗ Văn Vẻ cho rằng, báo cáo đã tập trung đánh giá những kết quả đã đạt được cũng như những hạn chế, yếu kém trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Báo cáo cũng nêu rõ được những nguyên nhân khách quan và chủ quan từ nhận thức, tư tưởng đến công tác tổ chức thực hiện, phương thức lãnh đạo quản lý, điều hành kinh tế - xã hội, tổ chức bộ máy và phẩm chất, năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả và thành tựu đạt được, trong nhiệm kỳ công tác 5 năm qua, công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ còn tồn tại những hạn chế, yếu kém.


ĐBQH Đỗ Văn Vẻ phát biểu tại Hội trường Ảnh: Trương Ngọc

Một là, công tác dự báo còn hạn chế, kết quả thống kê còn có bất cập cho nên việc xây dựng mục tiêu, một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội còn chưa phù hợp; một số các giải pháp đề ra chưa được kịp thời, thiếu thực tiễn, không đạt được hiệu quả như kỳ vọng; Một số cơ chế, chính sách, chiến lược phát triển ngành còn có vấn đề, thiếu tầm nhìn dài hạn, tính khả thi chưa cao và phản ứng chính sách trong một số trường hợp chưa thật kịp thời (ví dụ chính sách nội địa hoá, chiến lược phát triển công nghiệp ô tô,...). Sự phối hợp chính sách và chỉ đạo điều hành trong thực hiện mục tiêu kiềm chế lạm phát, ổn định vĩ mô và tăng trưởng kinh tế chưa thật đồng bộ, có mặt hiệu quả chưa cao.

Hai là, việc bảo đảm cân đối thu chi ngân sách nhà nước, giải quyết mối quan hệ ngân sách giữa Trung ương và địa phương có mặt còn hạn chế, chậm khắc phục những bất hợp lý trong cơ cấu chi ngân sách, chi tiêu công còn nhiều lãng phí; nợ công tăng nhanh, áp lực trả nợ lớn, quản lý sử dụng vốn vay ở một số dự án còn kém hiệu quả, khắc phục còn chậm. Một số đạo luật và cơ chế chính sách (do Chính phủ trình sửa đổi hoặc ban hành theo thẩm quyền) trong lĩnh vực tài chính, tín dụng, thuế, đất đai tuy đáp ứng được yêu cầu trước mắt nhưng mang tính chất chắp vá, thiếu đồng bộ, tạo tâm lý không ổn định và quan ngại của các nhà đầu tư.

Ba là, thiếu cơ chế, chính sách hiệu quả để nâng cao chất lượng tín dụng cũng như việc xử lý nợ xấu của khu vực doanh nghiệp, khu vực ngân hàng, cơ chế mua lại ngân hàng với giá 0 đồng chưa bảo đảm tính pháp lý. Chưa thực sự chú trọng trong việc xây dựng hệ thống phân phối, phát triển thị trường trong nước, trong khi việc khai thác thị trường ngoài nước, nhất là những thị trường đã có Hiệp định thương mại tự do, đấu tranh với những rào cản thương mại quốc tế hiệu quả chưa cao. Công tác quản lý thị trường, giá cả, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả còn nhiều hạn chế.

Bốn là, chậm sửa đổi, bổ sung và thiếu những cơ chế chính sách đủ mạnh để huy động, sử dụng hiệu quả cao nhất các nguồn lực và tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho phát triển sản xuất kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm, thu hút đầu tư từ khu vực ngoài nhà nước, môi trường đầu tư kinh doanh vẫn chưa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp. Việc thực hiện các đột phá chiến lược về hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; phát triển nhanh nguồn nhân lực gắn với phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ và xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng nhiều mặt còn hạn chế; Thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng còn chậm và chưa đồng bộ; Kết quả về tái cơ cấu đầu tư công, tái cơ cấu tín dụng, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước và sắp xếp, tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, tái cơ cấu công nghiệp, dịch vụ và thị trường,... còn khoảng cách khá xa so với mục tiêu đề ra.

Trương Ngọc