ĐBQH Cao Sĩ Kiêm :Doanh nghiệp phải tự cứu mình trên cơ sở sẻ chia của Nhà nước

- Thứ Năm, 24/05/2012, 14:48 - Chia sẻ
Bên cạnh các khó khăn về vốn, lãi suất ngân hàng, nhiều doanh nghiệp hiện đang đối mặt với sự ùn tắc đầu ra, lượng hàng tồn kho ngày càng lớn, dẫn tới dòng vốn bị ách tắc. Nghị quyết 13/NQ-CP của Chính phủ Về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường là gói giải pháp thực chất nhưng chưa đủ, doanh nghiệp cần nỗ lực tự cứu mình, trên cơ sở sự sẻ chia nhiều hơn, đồng bộ hơn từ phía Nhà nước. Đây là ý kiến của ĐBQH CAO SĨ KIÊM xung quanh những khó khăn của doanh nghiệp và bản chất của gói giải pháp mà Chính phủ mới đưa ra.
- PV: Thưa Ông, chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 13/NQ-CP Về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường. Theo tính toán của Bộ Tài chính, gói hỗ trợ có giá trị khoảng 29.000 tỷ đồng. Vậy bản chất của gói giải pháp này là gì?
 

- ĐBQH Cao Sĩ Kiêm: Phải nói ngay rằng, không giống như gói hỗ trợ kích cầu năm 2009, một nguồn tiền lớn được đưa qua tín dụng để thúc đẩy sản xuất kinh doanh và tiêu thụ hàng hóa; gói giải pháp năm 2012 là gói hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Qua 4 tháng đầu năm 2012, tình hình sản xuất kinh doanh ngày càng ảm đạm, khó khăn cả trong sản xuất và tiêu thụ hàng hóa, lượng hàng tồn kho lớn. Cho nên, gói giải pháp hỗ trợ của Chính phủ lần này tập trung vào 2 nhiệm vụ, một là tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và hai là tập trung khơi thông đầu ra của sản phẩm.

Trong gói giải pháp hỗ trợ này, có giải pháp hoãn, giãn thuế cho doanh nghiệp 16 nghìn tỷ; giãn, hoãn, miễn giảm thuế giá trị gia tăng, thuế sử dụng đất. Đây là biện pháp giúp doanh nghiệp có thêm vốn, thêm điều kiện trang trải nợ nần về mặt tài chính để mua nguyên liệu, đầu tư trang thiết bị, trả lương người lao động, vượt qua khó khăn.

Tuy nhiên, có một phần nhỏ của gói giải pháp hỗ trợ lần này mang tính chất kích cầu. Trong đó, có một phần dành khoảng 4 nghìn tỷ để đưa vào các dự án thủy lợi, giao thông, tiêu thụ các sản phẩm để kích thích đầu ra cho doanh nghiệp. Phải khẳng định rằng, 4 nghìn tỷ so với cả một chu trình luân chuyển vốn và khó khăn của các doanh nghiệp hiện nay thì chưa thể có tác động kích cầu đáng kể.
 
- Doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ đến mức độ nào từ gói hỗ trợ này? Gói giải pháp hỗ trợ liệu có là phương thuốc thần kỳ cứu giúp các doanh nghiệp khỏi đình đốn và phá sản không, thưa Ông?

- ĐBQH Cao Sĩ Kiêm: Gói hỗ trợ này không phải là phương thuốc thần kỳ cứu giúp doanh nghiệp. Gói hỗ trợ chỉ tập trung vào một vài lĩnh vực về nghĩa vụ tài chính để giúp doanh nghiệp chậm phải nộp thuế, dành tiền để đầu tư sản xuất kinh doanh. Ví dụ như phần hoãn, giãn thuế 16 nghìn tỷ như trong gói hỗ trợ thì chỉ là lùi thời hạn nộp thuế thôi. Trong đó, số tiền miễn thuế chỉ vào khoảng 1/3 của 29 nghìn tỷ, còn lại là chậm lại thời gian phải nộp cho các doanh nghiệp. Việc sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp phải tiến triển và có lãi trong thời gian tới thì mới bảo đảm có nguồn tiền để nộp cả thuế hiện tại và khoản thuế nợ. Đây không thể là yếu tố quyết định để doanh nghiệp bứt qua khó khăn hiện nay.

Hiện doanh nghiệp khó khăn cả trong sản xuất và đầu ra. Bên cạnh lãi suất ngân hàng cao, thì đầu vào sản phẩm tăng cao, đầu ra thì không tiêu thụ nổi. Trong sản xuất, các doanh nghiệp có mối liên kết hữu cơ với nhau, đầu ra của doanh nghiệp này là đầu vào của doanh nghiệp khác. Vì vậy, để các doanh nghiệp vượt qua được khó khăn thì phải có một giải pháp đồng bộ giữa các lĩnh vực, khu vực, các quá trình, chu trình của sản xuất. Ví dụ, để hệ thống sản xuất vật liệu bán được hàng thì các dự án xây dựng phải được thực hiện, các dự án xây dựng muốn sản xuất kinh doanh thì phải phải "thông" lãi suất để có vốn xây dựng và kích thích sức mua của người tiêu dùng. Các chính sách cần phải được thực hiện đồng bộ trong sự liên thông gắn kết với nhau.

Có rất nhiều việc chúng ta phải làm để tháo gỡ khó khăn. Đối với tiêu thụ, bên cạnh lạm phát đang được khống chế và tăng ở mức rất thấp, chúng ta cũng cần có chính sách để hạ giá thành sản phẩm bằng cách làm thế nào để chi phí đầu vào thấp xuống để giá thành thấp xuống; quản lý các phí chặt chẽ, tăng sức mua bằng cách tạo việc làm, tăng thu nhập, chuyển thị trường về nông thôn, kích thích xuất khẩu, giảm tồn kho… Đó là các biện pháp, cùng với thuế, cùng với lãi suất ngân hàng, thủ tục hành chính, tạo điều kiện giải quyết có hiệu quả những khó khăn của doanh nghiệp và khiếm khuyết của nền kinh tế chúng ta hiện nay.
 
- Thưa Ông, gói giải pháp dường như chỉ hỗ trợ các doanh nghiệp còn duy trì sản xuất và có lãi, còn những doanh nghiệp ngừng hoạt động, phá sản thì chính sách không có giải pháp cụ thể nào, ý kiến của Ông về vấn đề này như thế nào?

- ĐBQH Cao Sĩ Kiêm: Vừa qua, tất cả các chính sách đưa ra đều hợp lý, giúp doanh nghiệp trụ vững trước khó khăn và kích thích hoạt động sản xuất kinh doanh. Nhưng những biện pháp trong gói giải pháp Chính phủ vừa đưa ra chủ yếu giúp các doanh nghiệp đang hoạt động sản xuất và có lãi, còn các doanh nghiệp ngừng hoạt động, đang bên bờ phá sản thì không thể tiếp cận gói hỗ trợ. Theo tôi, cần có chính sách “cứu” doanh nghiệp ngừng sản xuất, “chết lâm sàng”. Cụ thể, đối với những doanh nghiệp đã từng phát triển ổn định, có khả năng phát triển mà đang phải tạm ngừng hoạt động do những khó khăn khách quan thì cũng cần có sự giúp đỡ. Các chính sách cho nhóm doanh nghiệp này có thể tập trung vào hỗ trợ chính sách, cơ chế, bảo lãnh tín dụng, hỗ trợ vốn, đào tạo nhân lực, phát triển công nghệ, hỗ trợ phát triển thị trường. Nếu để các doanh nghiệp phá sản nhiều quá do môi trường kinh tế và chính sách của Chính phủ thì rất lãng phí, cả về lòng tin.
 
- Có ý kiến cho rằng, hiện tại các doanh nghiệp cần nhất là vốn để sản xuất kinh doanh, các giải pháp hỗ trợ về thuế trong gói giải pháp mà Chính phủ đưa ra chưa phải là điều mà các doanh nghiệp cần nhất, quan điểm của Ông về ý kiến này?

- ĐBQH Cao Sĩ Kiêm: Khó khăn của doanh nghiệp, ngoài vốn và lãi suất cao, thì nổi lên tình trạng tồn kho hàng hóa do sức mua giảm, điều này khiến doanh nghiệp khựng lại, không tiêu thụ được hàng, thì lỗ vốn và tiếp tục khó khăn. Vấn đề hiện nay, bên cạnh tiếp tục tháo gỡ các khó khăn về vốn và lãi xuất, cần có các giải pháp kích cầu, tìm kiểm và mở rộng thị trường xuất khẩu, tăng sức mua và sức tiêu thụ hàng hóa, khơi thông đầu ra của sản phẩm, kích thích sản xuất phát triển, tạo sự chu chuyển hàng hóa và dòng vốn bình thường.
 
- Cùng với sự hỗ trợ này, theo Ông, các doanh nghiệp cũng cần đổi mới như thế nào để có thể tồn tại và phát triển bền vững hơn?

- ĐBQH Cao Sĩ Kiêm: Chính sách hỗ trợ nhà nước đã mở ra nhiều, doanh nghiệp cần phải làm sao tận dụng tất cả các hỗ trợ, các giải pháp từ phía Chính phủ, khai thác thật tốt các chính sách của Nhà nước. Hơn nữa, trong điều kiện nền kinh tế hội nhập sâu rộng với quốc tế, các chiến lược phát triển sản xuất kinh doanh cần được đổi mới theo các nguyên tắc thị trường. Những khó khăn hiện nay vừa là thách thức, đồng thời cũng là cơ hội để doanh nghiệp nhìn nhận lại các ưu, khuyết điểm, thay đổi phương thức quản lý, chiến lược sản xuất kinh doanh khoa học và hiệu quả hơn. Doanh nghiệp không thể mang tâm lý chờ đợi và dựa hẳn vào nhà nước mà cần tự chủ động, tự cứu mình trên cơ sở sự sẻ chia từ các chính sách hỗ trợ của nhà nước.

Tự Cường thực hiện