Thành phố Hồ Chí Minh:

Đẩy nhanh xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung

- Thứ Bảy, 13/07/2019, 08:43 - Chia sẻ
Hiện nay, TP Hồ Chí Minh mới chỉ có 3 nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, xử lý được một phần nhỏ trong tổng khối lượng nước thải sinh hoạt đô thị hàng ngày, trong khi vấn đề ô nhiễm môi trường do nước thải sinh hoạt đã và đang gây nhiều khó khăn cho cuộc sống của người dân. Theo các chuyên gia, để giải quyết, cùng với việc tiếp tục đầu tư nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tập trung, thành phố cũng tăng cường kiểm soát các nguồn thải công nghiệp.

Chưa đáp ứng nhu cầu

 Trung tâm Điều hành chương trình chống ngập nước TP Hồ Chí Minh cho biết, trong giai đoạn 2019 - 2020 thành phố sẽ triển khai xây dựng 4 nhà máy là Nhà máy xử lý nước thải Tây Sài Gòn công suất 150.000m3/ngày, Nhà máy xử lý nước thải Tân Hóa Lò Gốm công suất 300.000m3/ngày, Nhà máy xử lý nước thải Bình Tân (Bình Hưng Hòa) công suất 180.000m3/ngày, Nhà máy xử lý nước thải Bắc Sài Gòn 1 công suất từ 170.000m3/ngày.

Ghi nhận thực tế tại các khu vực dân cư cho thấy, những kênh, rạch ở TP Hồ Chí Minh luôn trong tình trạng bị ô nhiễm, nước đen kịt, bốc mùi hôi khó chịu. Trong khi đó, đối với các cơ sở sản xuất, dịch vụ ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất nằm xen cài trong khu dân cư, có công nghệ sản xuất cũ kỹ, lạc hậu, các ngành nghề có khả năng gây ô nhiễm môi trường cao.

Theo đó, việc nhiều cơ sở chưa đầu tư xây dựng, cải tạo hoặc nâng cấp hệ thống xử lý nước thải, còn xả nước thải chưa qua xử lý hoặc xử lý chưa đạt chuẩn quy định ra môi trường làm ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân và môi trường nước mặt. Nước thải từ các khu dân cư, khu đô thị mới đã đi vào hoạt động và bàn giao cho ban quản trị vẫn chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải hoặc vận hành thiếu thường xuyên.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Thanh Mỹ cho biết, chương trình giảm ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016 - 2020 của TP Hồ Chí Minh đặt ra mục tiêu đến năm 2020 có 80% tổng lượng nước thải sinh hoạt đô thị được thu gom và xử lý tập trung đạt quy chuẩn quy định trước khi thải ra môi trường. Tuy nhiên, theo đánh giá, TP Hồ Chí Minh sẽ không thể đạt được mục tiêu này.

Nguyên nhân là để xử lý được nước thải sinh hoạt đô thị phục thuộc vào các giải pháp công trình, tức là hệ thống thu gom và các nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tập trung. Song cho đến nay, TP Hồ Chí Minh mới xây dựng và đưa được 3 nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tập trung vào hoạt động. Trong đó, Nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt Bình Hưng (huyện Bình Chánh) có công suất giai đoạn 1 là 141.000m3/ngày; Trạm xử lý nước thải Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân) có công suất xử lý 30.000m3/ngày đêm. Còn Nhà máy xử lý nước thải Tham Lương - Bến Cát (giai đoạn 1), với công suất 131.000m3/ngày mới được vận hành thử nghiệm trước khi vận hành chính thức.


Phần lớn nước thải sinh hoạt của người dân đều thải ra kênh rạch 
Nguồn: ITN

Kiểm soát nguồn thải

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Hồ Chí Minh Nguyễn Toàn Thắng cho biết, việc hiện nay thành phố mới chỉ có 2 nhà máy xử lý nước thải đô thị đi vào hoạt động, chỉ xử lý được khoảng 13% tổng khối lượng nước thải sinh hoạt của thành phố cũng gây khó khăn cho việc quản lý, thu gom và xử lý nước thải. Trong khi tại những khu vực chưa có nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt, nước thải sinh hoạt của người dân trong khu vực được thải trực tiếp ra hệ thống kênh rạch gây ô nhiễm và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch bệnh.

Theo ông Thắng, muốn giải quyết được tình trạng ô nhiễm nguồn nước mặt bắt buộc phải đầu tư nhà máy xử lý nước thải sinh hoạt tập trung. Đồng thời, cần tăng cường kiểm soát các nguồn thải công nghiệp. Theo đó, yêu cầu các khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp thực hiện việc quan trắc tự động chất lượng nước thải kết nối dữ liệu với Sở Tài nguyên và Môi trường để việc quản lý được chính xác hơn. Cũng như kêu gọi đầu tư xây dựng hạ tầng, hệ thống xử lý nước thải tập trung đối với các cụm công nghiệp chưa có chủ đầu tư kinh doanh hạ tầng.

Đặc biệt, yêu cầu các nguồn thải công nghiệp chưa có hệ thống xử lý nước thải phải thực hiện xây dựng hệ thống xử lý nước thải, thời hạn hoàn thành trong năm 2019. Triển khai việc thực hiện lắp đặt hệ thống quan trắc tự động đối với các doanh nghiệp có nguồn lưu lượng xả thải từ 1.000m3/ngày trở lên và thiết lập đường truyền về Sở Tài nguyên và Môi trường.

Ngoài ra, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Thị Thanh Mỹ cho rằng, thành phố cần tiếp tục tăng cường kiểm tra công tác bảo vệ môi trường đối với khu dân cư, chung cư có hệ thống xử lý nước thải tập trung theo thẩm quyền. Đôn đốc chủ đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung theo đúng cam kết trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt. Thành phố cũng rà soát quỹ đất, đẩy mạnh kêu gọi đầu tư xây dựng hệ thống thu gom và xử lý nước thải đô thị tập trung theo tiêu chí lựa chọn công nghệ xử lý nước thải bảo đảm hiện đại; hạn chế phát sinh mùi hôi tối đa; diện tích sử dụng đất, chi phí vận hành hợp lý. 

Nhật Phương