Dạy nghề trong trường phổ thông: lãng phí và hình thức

- Thứ Bảy, 23/05/2015, 08:27 - Chia sẻ
Mục đích chính của việc dạy nghề trong các trường trung học là bổ sung các kỹ năng thực tế cho học sinh, nhưng trên thực tế chỉ là học để được cộng điểm tốt nghiệp. Thành ra, câu chuyện dạy - học nghề trong trường phổ thông trở nên lãng phí và hình thức…

Nguồn: baohaiphong.com.vn

Kỳ vọng của Bộ GD - ĐT về công tác tư vấn hướng nghiệp, dạy nghề là giúp các em làm quen với các nghề phổ thông, rèn luyện trải nghiệm lao động và phát hiện sở trường, góp phần phân luồng và chuẩn bị cho học sinh lớp 9 lựa chọn các ban học ở trường THPT hợp lý và giúp học sinh lớp 12 lựa chọn ngành nghề, trường học. Đến nay, hoạt động giáo dục hướng nghiệp dạy nghề được áp dụng đối với học sinh THCS và THPT đã gần 35 năm, cho dù số lượng học sinh học nghề tăng nhanh hằng năm nhưng chất lượng và hiệu quả dạy nghề vẫn là điều cả thầy, trò và các bậc phụ huynh còn trăn trở.

Nhiều ý kiến cho rằng, hiệu quả dạy nghề còn quá thấp chỉ vì chương trình không được đổi mới, phù hợp các đối tượng học sinh từng khu vực. Do điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề và đội ngũ giáo viên ở phần lớn các trường phổ thông chưa đáp ứng được yêu cầu học nghề, vì thế trường có điều kiện dạy môn gì thì học sinh được học môn đó. Bên cạnh đó, hướng nghiệp cho học sinh các bậc học rất cần thì lại chưa được đầu tư thỏa đáng. Dạy nghề là dạy kỹ năng thực tế, nhưng thực sự của việc dạy và học nghề chỉ là cưỡi ngựa xem hoa. Thực tế, sau khi thi xong, được cấp giấy chứng nhận rồi thì các em hầu như nghề của thầy trả thầy. Vậy là học đông, học nhiều nhưng kết quả thu lại được từ việc dạy và học nghề phổ thông chẳng được bao nhiêu. Nhiều học sinh cho biết học xong nghề thì kiến thức cũng quên hết nên chẳng ứng dụng được gì vào cuộc sống.

Khi được hỏi về lý do tham gia các lớp học nghề, phần lớn các em học sinh, những đối tượng trực tiếp của công tác này đều trả lời rằng: học vì sẽ được điểm cộng ưu tiên khi tốt nghiệp. Thực tế, đa phần học sinh đều không mấy mặn mà và chú trọng đến việc học nghề. Bởi lẽ, điểm cộng cho việc tốt nghiệp nghề phổ thông chỉ là chiếc phao cứu sinh đối với những học sinh cá biệt, không đủ điểm để tốt nghiệp các cấp. Còn đối với những học sinh có lực học trung bình trở lên thì chứng chỉ nghề mà các em có được hoàn toàn không có chút giá trị nào. Đó là thực tế dạy nghề đang diễn ra trong các trường phổ thông hiện nay.

Đó là chưa kể đến sự lãng phí không nhỏ về thời gian, chi phí của phụ huynh, học sinh và ngân sách nhà nước. Nếu cho rằng việc dạy, học và thi nghề phổ thông là do nhu cầu của phụ huynh và học sinh, thì khi Bộ GD - ĐT bỏ chủ trương cộng điểm khuyến khích liệu sẽ còn bao nhiêu học sinh thực sự muốn học nghề? Việc duy trì chế độ cộng điểm khuyến khích cho học sinh trong khi chứng chỉ thi nghề không phản ánh đúng chất lượng học tập của học sinh có được xem là một biểu hiện của bệnh thành tích? Nhiều giáo viên bày tỏ quan điểm ủng hộ việc không cộng điểm nghề trong kỳ thi tốt nghiệp để trả việc dạy nghề ở bậc học phổ thông về đúng với mục đích đúng đắn ban đầu.

Việc dạy nghề, hướng nghiệp cho học sinh ở bậc THCS và THPT là cần thiết. Tuy nhiên, với cách làm như hiện nay thì tốt nhất nên bỏ hẳn, hoặc phải đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, thay đổi triệt để cách đánh giá, không chạy theo điểm số, hình thức. Đồng thời bỏ hẳn việc cộng điểm nghề khi thi lớp 10 hoặc tốt nghiệp THPT. Có vậy việc học nghề mới thực chất.

Phương Linh