BHXH thành phố Hà Nội:

Đẩy mạnh công tác thu, phát triển đối tượng

- Thứ Năm, 06/08/2020, 05:43 - Chia sẻ
Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội được Chính phủ cũng như các bộ, ngành đánh giá cao về vai trò, hiệu quả hoạt động thời gian qua. Song, trước diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19, việc mở rộng độ bao phủ gặp nhiều khó khăn, Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP Hà Nội xác định mục tiêu trong thời gian tới là đa dạng hóa các giải pháp nhằm phát triển đối tượng tham gia.

Tỷ lệ nợ bảo hiểm xã hội có xu hướng tăng

Thời gian qua, BHXH thành phố Hà Nội đã tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền; phối hợp tổ chức 129 cuộc tuyên truyền, tư vấn, đối thoại, tháo gỡ khó khăn với doanh nghiệp, người lao động về chính sách, pháp luật BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) tại 30 quận, huyện, thị xã với 5.895 lượt người tham dự. Đặc biệt, thông qua những lần tổ chức Lễ ra quân hưởng ứng Tháng vận động triển khai BHXH toàn dân và hưởng ứng kỷ niệm ngày BHYT Việt Nam 1.7, đơn vị đã vận động được gần 1.200 người tham gia BHXH tự nguyện, khoảng 1.800 người tham gia BHYT hộ gia đình.

Cần đa dạng hóa các giải pháp phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm trên địa bàn Thủ đô

Theo kết quả báo cáo của BHXH TP Hà Nội 6 tháng đầu năm 2020, tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn đạt 86,78% dân số, tương ứng trên 6,98 triệu người, tăng 199.623 người, tăng 2,94% so với cùng kỳ năm 2019. Tổng số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN, bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hiện chiếm 9,5% kế hoạch thu, giảm 91,3 tỷ đồng so với tháng 5.2020. Đồng thời, giải quyết các chế độ BHXH, BHTN cho 414.814 lượt người, với số tiền 3.156,2 tỷ đồng; bảo đảm chi lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng tới 583.000 người hưởng với tổng số tiền 16.601 tỷ đồng; bảo đảm 5.616.872 lượt khám, chữa bệnh BHYT tính đến ngày 25.7.

Ghi nhận và đánh giá cao những kết quả đạt được qua 7 tháng của BHXH thành phố Hà Nội, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho rằng, những kết quả này cho thấy sự nỗ lực, cố gắng của BHXH Thành phố trong việc tích cực tham mưu, chủ động và sẵn sàng phối hợp với các sở, ngành… nhằm phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT. 

Tuy nhiên, trên thực tế vẫn tồn tại nhiều khó khăn về công tác thu, phát triển đối tượng. Cụ thể, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 mà số người tham gia BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) có xu hướng giảm; việc phát triển đối tượng tham gia, thực hiện các chỉ tiêu đặt ra gặp nhiều khó khăn. 

Số đơn vị giải thể, ngừng sản xuất giao dịch, hết lao động, mất tích lên tới 9.807 đơn vị, số tiền nợ 1.157,3 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ có xu hướng tăng trong bối cảnh công tác thanh tra, kiểm tra gặp hạn chế do ảnh hưởng của dịch bệnh, trong khi mỗi tháng phải phát triển ít nhất 44.603 người tham gia BHYT, 26.626 người tham gia BHXH bắt buộc, 6.149 người tham gia BHXH tự nguyện.

Công tác quản lý, quỹ khám, chữa bệnh BHYT gặp nhiều áp lực; các bệnh viện thực hiện tự chủ, cơ cấu dịch vụ y tế bao gồm cả tiền lương của cán bộ y tế, dẫn đến tình trạng chỉ định xét nghiệm, chiếu chụp nhiều, chỉ định bệnh nhân vào điều trị nội trú rộng rãi... gia tăng chi phí khám, chữa bệnh BHYT.

Bên cạnh đó, khối lượng công việc ngày càng tăng, trong khi viên chức, người lao động giảm, nhất là tại BHXH các huyện xa trung tâm khi có viên chức nghỉ hưu, chuyển công tác, không có người thay thế, dẫn đến khó khăn trong việc thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao.

Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm

Trên tinh thần đề ra, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh yêu cầu BHXH thành phố Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác thu, phát triển đối tượng. Dư địa còn nhiều, nhất là các nhóm tham gia BHYT học sinh, sinh viên, hộ gia đình, hộ kinh doanh cá thể... cần đẩy mạnh hơn nữa công tác truyền thông theo hướng đa dạng, linh hoạt, tối ưu hóa nguồn lực hiện có; nâng cao hiệu quả của các hệ thống đại lý trên địa bàn.

Với tinh thần rõ người, rõ việc, giao trách nhiệm, phân chỉ tiêu cụ thể đến từng cán bộ, viên chức, lãnh đạo BHXH thành phố cũng nên chú trọng phát huy hơn nữa vai trò tham mưu, huy động để có đa dạng các nguồn lực hỗ trợ người dân tham gia BHXH, BHYT. Đồng thời chỉ đạo BHXH TP Hà Nội bám sát thực tiễn, tổng kết tình hình, báo cáo cụ thể để các vụ, ban chuyên môn của BHXH Việt Nam nghiên cứu, kịp thời có điều chỉnh.

Giải quyết được những khó khăn trên địa bàn Hà Nội cũng sẽ tháo gỡ cơ bản vướng mắc trên các tỉnh, thành phố trên cả nước bởi Hà Nội là địa bàn lớn, trung tâm và hội tụ đầy đủ những đặc điểm của các địa phương. Về phía các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam, cần chủ động nắm bắt tình hình, kịp thời hoàn thiện quy trình nghiệp vụ cho phù hợp với những thay đổi trên thực tế, từ đó tiến tới đề xuất sửa cơ chế, sửa Luật phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu phát triển và bảo đảm ngày càng tốt hơn quyền lợi BHXH, BHYT của người dân.

Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh cho rằng, BHXH TP Hà Nội phải thường xuyên quán triệt đội ngũ cán bộ công chức, viên chức, người lao động nêu cao tinh thần trách nhiệm, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, tác phong phục vụ, nhận được sự hài lòng của người dân, nhất là các bộ phận nghiệp vụ tại cơ sở.

Hải Yến