Thảo luận tại Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh Hà Nam Khóa XVIII

Đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp

- Thứ Tư, 17/07/2019, 08:17 - Chia sẻ
6 tháng đầu năm 2019, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh tiếp tục ổn định và có bước tăng trưởng, trong đó, tổng sản phẩm trong tỉnh tăng 11,3% so với cùng kỳ - mức tăng cao nhất từ năm 2016 đến nay. Tuy nhiên, các đại biểu cho rằng, để bảo đảm phát triển toàn diện, tăng trưởng bền vững, tỉnh cần tập trung thực hiện các nhóm giải pháp trọng tâm trong lĩnh vực nông nghiệp, đồng thời đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư.

Tạo bứt phá trong sản xuất nông nghiệp

 “Phiên thảo luận diễn ra sôi nổi với 27 lượt ý kiến của các đại biểu HĐND tỉnh liên quan đến các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của tỉnh. Các ý kiến của đại biểu nhìn chung ngắn gọn, rõ ràng, nêu cụ thể những tồn tại, bất cập và đưa ra được những giải pháp căn cơ. Thường trực HĐND tỉnh đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm cao của đại biểu. Trên cơ sở đó, Thường trực HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh nghiên cứu, làm rõ những kiến nghị của đại biểu HĐND tỉnh kiến nghị để chỉ đạo các cơ quan chức năng xác định các biện pháp, lộ trình triển khai, tổ chức thực hiện cụ thể trong thời gian tới”

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh PHẠM THỊ THANH HÀ

Với thế mạnh là một tỉnh nông nghiệp, những năm qua, lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn luôn là mũi nhọn trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, tỉnh Hà Nam đã xây dựng nhiều cơ chế, chính sách khuyến khích các hộ dân, doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư vào sản xuất nông nghiệp; đồng thời, triển khai nhiều chương trình, đề án, kế hoạch nhằm thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển theo hướng công nghiệp hóa.

6 tháng đầu năm 2019, tuy tình hình thời tiết và dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp, giá trị sản xuất ngành nông nghiệp tỉnh Hà Nam vẫn đạt trên 4.336 tỷ đồng, tăng 1,8% so với cùng kỳ. Năm 2019, tỉnh đặt mục tiêu đưa giá trị sản xuất ngành nông nghiệp tăng 1,7% so với năm 2018. Theo đánh giá của các đại biểu, thành tích tăng trưởng của ngành nông nghiệp những tháng đầu năm là đáng ghi nhận, song nếu lơ là thì có thể không đạt mục tiêu tăng trưởng cả năm. Đặc biệt, khó có thể bảo đảm lộ trình thực hiện chỉ tiêu mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra mức tăng trưởng bình quân 4%/năm trong giai đoạn 2016 - 2020.

Theo Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Phạm Tư Lành, muốn tạo được sự bứt phá đòi hỏi ngành nông nghiệp phải có những giải pháp đột phá. Trong đó, đại biểu cho rằng, tỉnh Hà Nam đã đặt ra mục tiêu phát triển nông nghiệp theo hướng liên kết chuỗi, ứng dụng công nghệ cao nhưng đến nay, việc triển khai thực hiện chưa hiệu quả. Bên cạnh đó, rất nhiều đề án chỉ triển khai được một thời gian rồi lại “chìm”, thậm chí không có đánh giá, rút kinh nghiệm. Đại biểu Lành khẳng định: Sản xuất nông nghiệp nếu không sớm tạo được liên kết chuỗi, ứng dụng KHCN thì điệp khúc được mùa rớt giá sẽ lại tiếp diễn. Nếu không đẩy mạnh công nghiệp hóa ngành nông nghiệp thì khó có thể bảo đảm mục tiêu tăng trưởng 4%/năm theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra.

Đại biểu thảo luận tại tổ Ảnh: Tường Vy

Thảo luận tại kỳ họp, các đại biểu HĐND tỉnh khẳng định, hiện nay đời sống của đại bộ phận người dân Hà Nam vẫn còn phụ thuộc nhiều vào sản xuất nông nghiệp. Do đó, mục đích đẩy mạnh phát triển nông nghiệp vừa là để bảo đảm tăng trưởng kinh tế - xã hội chung, vừa để nâng cao đời sống người dân. Do đó, các đại biểu đề nghị, UBND tỉnh sớm có những giải pháp đột phá mạnh mẽ, quyết liệt nhằm đẩy mạnh công nghiệp hóa nông nghiệp. Trong đó, tập trung xây dựng, hoàn thiện và nhân rộng các đề án, mô hình có hiệu quả trong sản xuất; quan tâm đầu tư hạ tầng, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao giá trị hàng hóa và tiêu thụ nông sản. Đặc biệt, tập trung thực hiện các Đề án phát triển chăn nuôi bò sữa, bò thịt, gia súc, gia cầm, thủy sản. Sản xuất cây trồng hàng hóa chất lượng cao, quy mô lớn, tập trung. Triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất lúa giai đoạn 2019 - 2020.

Đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình đô thị

Bên cạnh lĩnh vực nông nghiệp, cái đại biểu HĐND tỉnh cũng tập trung bàn thảo giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình xây dựng đô thị trên địa bàn, chú trọng công tác bảo vệ môi trường nhằm bảo đảm yêu cầu phát triển toàn diện, bền vững.

Theo báo cáo của UBND tỉnh tại kỳ họp, những tháng đầu năm, tổng vốn đầu tư phát triển trên địa bàn ước đạt 18.500 tỷ đồng, tăng 5,7% so với cùng kỳ. Tỉnh Hà Nam những năm qua đã và đang tập trung thu hút đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm, phát triển các khu đô thị, khu nhà ở, khi thương mại. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Đức Vượng nhận định, đến nay nhiều dự án còn chậm tiến độ, nhiều sai phạm, bất cập, điển hình như: Dự án khu đô thị Nam Trần Hưng Đạo, khu đô thị Nam Châu Giang, khu đô thị Minh Nhượng. Đại biểu Vượng cho rằng, nếu không có những giải pháp quyết liệt thì khó có thể bảo đảm sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Xoay quanh vấn đề này, nhiều đại biểu không ngần ngại nêu thực tế, trên địa bàn tỉnh Hà Nam hiện nay chưa có dự án nào thực hiện đầy đủ các hạng mục theo đúng đề án, mà chỉ nhanh chóng phân lô bán nền để tranh thủ trục lợi; thậm chí có những nhà đầu tư ôm những lô đất vàng nhưng không triển khai dự án. Tại phiên thảo luận, có đại biểu bức xúc: “Phát triển đô thị là hướng đi đúng. Tuy nhiên, hiện nay chúng ta đang mất tài nguyên nhưng không thu lại được gì”. Theo đó, nhiều đại biểu cho rằng, tỉnh cần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong các lĩnh vực, nhất là quy hoạch và đầu tư xây dựng các khu đô thị, khu nhà ở.

Trước thực trạng dự án chậm tiến độ gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình đô thị hóa và phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh, các đại biểu HĐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các ngành chức năng và địa phương tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân trong phát triển đô thị, chấp hành nghiêm quy định về quy hoạch và quản lý trật tự xây dựng đô thị, giải phóng mặt bằng. Bên cạnh đó, thường xuyên rà soát những dự án đã được chấp thuận đầu tư nhưng chậm triển khai để thu hồi giao cho nhà đầu tư khác, nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu đô thị, khu nhà ở đáp ứng nhu cầu sử dụng của nhân dân.

ĐÀO CẢNH