Đây là thời điểm thích hợp phát triển điện hạt nhân của Việt Nam

- Thứ Sáu, 25/03/2011, 11:23 - Chia sẻ
Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Đình Tiến, đây là thời điểm có thể nói là thích hợp để phát triển điện hạt nhân của Việt Nam. Bởi hiện nay, ở Việt Nam cũng như trên thế giới các nguồn năng lượng hóa thạch đang dần cạn kiệt; nguồn thủy điện ở nước ta cũng đã khai thác gần hết tiềm năng...

Trong buổi giao lưu trực tuyến mới đây, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Lê Đình Tiến cho biết, đây là thời điểm có thể nói là thích hợp để phát triển điện hạt nhân của Việt Nam bởi hiện nay, ở Việt Nam cũng như trên thế giới các nguồn năng lượng hóa thạch như than đá, dầu khí đang dần cạn kiệt, trữ lượng khai thác giảm dần. Nguồn thủy điện ở nước ta cũng đã khai thác gần hết tiềm năng. Việt Nam hiện tại cũng như trong tương lai đang trong tình trạng thiếu năng lượng. Và quan trọng hơn, năng lượng hạt nhân hiện nay với việc hoàn thiện về mặt công nghệ đã bảo đảm tính an toàn rất cao và hiệu quả kinh tế cũng cao; giảm được khí thải nhà kính. Do vậy, có thể bảo vệ được môi trường, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay các nước trên thế giới đang cố gắng giảm khí phát thải. Phó cục trưởng phụ trách Cục Năng lượng nguyên tử Việt Nam Hoàng Anh Tuấn, cũng cho biết, khi có điện nguyên tử, người dân trong nước và các ngành công nghiệp được cung cấp thêm nguồn năng lượng không phụ thuộc vào thời tiết và có công suất phát điện ổn định, hầu như không phát thải khí gây ô nhiễm môi trường.

Nước ta bắt đầu phát triển điện hạt nhân khi công nghệ về điện hạt nhân trên thế giới đã phát triển ở trình độ khá cao; những yếu tố an toàn đã được bảo đảm bởi công nghệ hiện đại và các quy định về an toàn, an ninh hạt nhân trên thế giới đã được chú trọng ở hầu hết các quốc gia. Tuy nhiên, sự cố hạt nhân vẫn luôn luôn tiềm ẩn và có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng cho con người và môi trường. Vì vậy, việc bảo đảm an toàn hạt nhân luôn luôn là mối quan tâm số một của cộng đồng quốc tế nói chung và các nước đang thực hiện chương trình điện hạt nhân nói riêng.

Khi xảy ra thảm họa hạt nhân Chernobyl cách đây hơn 20 năm tại Ukraine vào năm 1986, nhiều người đã đặt câu hỏi tại sao lại chọn Nga làm đối tác xây dựng nhà máy điện hạt nhân mà không chọn công nghệ của nước khác. Tiến sỹ khoa học công nghệ hạt nhân Trần Đại Phúc, chuyên gia phân tích an toàn nhà máy điện hạt nhân giải thích rằng, nhà máy điện hạt nhân đầu tiên Chính phủ đã cập nhật của Liên bang Nga là loại lò được đặt vào thế hệ 3 dựa trên các tiêu chí an toàn của các nước tiên tiến Âu - Mỹ và IAEA. Còn Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân Ngô Đặng Nhân cho biết thêm, với công nghệ điện hạt nhân hiện tại đã được cải tiến nhiều về an toàn sau khi phân tích sự cố Chernobyl, sẽ không thể xảy ra vụ việc tương tự như ở Ukraine. Đặc biệt trong thiết kế đã tính tới việc máy bay đâm vào cũng không để xảy ra sự phát tán phóng xạ ra môi trường.

Liên quan đến việc ứng phó sự cố đối với nhà máy điện hạt nhân, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Vương Hữu Tấn cho biết, nhà máy điện hạt nhân trong điều kiện hoạt động bình thường không phát thải khí gây ô nhiễm môi trường và khí gây hiệu ứng nhà kính; các chất thải phóng xạ hạt nhân trong nhà máy điện hạt nhân ít về số lượng và được quản lý rất chặt chẽ bảo đảm an toàn cho con người và môi trường.

Để ứng phó với sự cố trong nhà máy điện hạt nhân có thể dẫn đến sự phát tán phóng xạ ra môi trường, nhà vận hành, cơ quan chính quyền Trung ương và địa phương sẽ dựa trên kết quả tính toán trực tiếp của nhà vận hành, nhà thiết kế và cơ quan an toàn để phân tích tình huống, dựa trên thông tin khí tượng trong thời gian xảy ra sự cố, để ra các phương án giải quyết tình huống và bảo đảm an toàn cho dân cư trong vùng, cũng như hạn chế sự lưu thông của dân cư ở vùng đó, hoặc di dân ra khỏi khu vực bị ảnh hưởng.

Có thể nói, so với các nhà máy nhiệt điện khác thì điện hạt nhân là công nghệ mà chất thải phóng xạ được quản lý một cách chặt chẽ nhất, không làm ảnh hưởng đến con người và môi trường. Trong khi các nhà máy nhiệt điện bằng than, các sỉ than, bụi than phát ra trong đó chứa rất nhiều hạt nhân phóng xạ ảnh hưởng đến sức khoẻ con người cao hơn hàng trăm lần so với nhà máy điện hạt nhân. 

Diệu Huyền