“Đây là hội nghị lịch sử!”

- Thứ Ba, 09/10/2018, 08:23 - Chia sẻ
Đó là nhận định của cử tri về kết quả Hội nghị Trung ương 8, Khóa XII khi tham dự Hội nghị tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ Sáu, QH Khóa XIV của Đoàn ĐBQH TP Hà Nội, đơn vị bầu cử số 1, tại các quận Hoàn Kiếm, Ba Đình và Tây Hồ. Phấn khởi, tin tưởng với thành công của hội nghị, cử tri cho rằng, các nội dung được bàn thảo đều mang tính thời sự trọng đại đối với sự phát triển bền vững đất nước, với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và công tác cán bộ.

“Nếu không gương mẫu thì làm cán bộ làm gì”

Tại các cuộc tiếp xúc, đa số cử tri hoan nghênh, đánh giá cao việc Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất ban hành Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư và Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương. Trong đó, tập trung nêu 9 nội dung yêu cầu từng Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải gương mẫu đi đầu thực hiện cùng với 9 nội dung phải nghiêm khắc với bản thân và kiên quyết chống. Cử tri bày tỏ sự ủng hộ và khẳng định, đây là chủ trương đúng đắn, cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Cử tri Ngô Văn Thành (phường Điện Biên, quận Ba Đình) cho rằng, từ việc nhất trí với chủ trương và sớm ban hành Quy định này, nhân dân sẽ có căn cứ, cơ sở để giám sát cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ cấp cao, thiết thực góp phần xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền thật sự trong sạch.

Trao đổi và giải đáp các ý kiến, mong muốn xác đáng của cử tri, thay mặt Đoàn ĐBQH TP Hà Nội, đơn vị bầu cử số 1, phát biểu tại cuộc tiếp xúc, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ những lý lẽ vì sao lần này Ban Chấp hành Trung ương phải bàn, xem xét ban hành Quy định mới về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là những cán bộ lãnh đạo cao nhất.

Thực tế, đối với toàn Đảng, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có nhiều chủ trương, quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên. Gần đây nhất là Quy định số 47 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI về những điều đảng viên không được làm; Quy định số 101 của Ban Bí thư Khóa XI về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp; Quy định số 55 của Bộ Chính trị Khóa XII về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên và nội dung này cũng đã được đề cập ở nhiều nghị quyết, chỉ thị, quy định khác của Đảng. Hay, 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” (theo Nghị quyết Trung ương 4, Khóa XII). Và, về trách nhiệm nêu gương, thì tất cả cán bộ, đảng viên đều phải thực hiện. Như Bác Hồ đã dạy: “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau”; “Một tấm gương sống có giá trị hơn cả trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Tuy nhiên, với dự thảo Quy định lần này, Trung ương nêu rất rõ, là cách viết phải rất trong sáng, chặt chẽ, dễ hiểu, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát, không để cho các thế lực xấu, thù địch lợi dụng xuyên tạc, kích động chống phá.

Và điểm mới rất quan trọng, là lần này Quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên được nâng lên tầm Ban Chấp hành Trung ương xem xét, ban hành (chứ không phải Bộ Chính trị, hay Ban Bí thư như các Quy định, Quy chế trước), để khẳng định vị trí lớn hơn, thẩm quyền cao hơn và tính chất quan trọng hơn rất nhiều, Tổng Bí thư nói.

Tổng Bí thư cũng cho biết, trong quá trình thảo luận tại Trung ương, cũng có ý kiến băn khoăn, tại sao lại chỉ tập trung vào gần 200 Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, còn những cán bộ, đảng viên khác thì sao? Cho nên, dự thảo Quy định đã nói rất chặt chẽ là “về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng”. “Nếu không gương mẫu thì làm cán bộ làm gì”. Nhấn mạnh điều này, Tổng Bí thư chỉ rõ, vai trò và trách nhiệm nêu gương là tất cả cán bộ, đảng viên đều phải thực hiện. Như mong muốn, yêu cầu của cử tri và nhân dân là từng cán bộ, đảng viên đều phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư, phải làm công bộc của dân, gánh vác công việc chung cho dân, không được đè đầu cưỡi cổ nhân dân; “cán bộ càng cao càng phải nêu gương”, Tổng Bí thư nhấn mạnh.

Khẳng định đã là cán bộ, đảng viên phải thực hiện tất cả các quy định, quy chế đã có, nhưng lần này dự thảo Quy định nhấn mạnh vào gần 200 Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải có trách nhiệm nêu gương. “Đây cũng là lần đầu tiên trong lịch sử, chúng ta quy định nói thẳng ra là các Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương phải có trách nhiệm nêu gương”, Tổng Bí thư nói, và “từng đồng chí phải soi vào để làm gương cho nơi khác làm theo”.


Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với cử tri quận Tây Hồ, thành phố Hà Nội   
Ảnh: Trí Dũng

“Lòng dân - ý Đảng đồng thuận”

Một kết quả nữa của Hội nghị Trung ương 8, Khóa XII được đông đảo cử tri đồng tình, ủng hộ, đánh giá rất cao, và khẳng định đây là thể hiện “lòng dân - ý Đảng đồng thuận”, đó là việc Ban Chấp hành Trung ương đã sáng suốt lựa chọn và thống nhất cao giới thiệu Tổng Bí thư để QH bầu làm Chủ tịch Nước tại Kỳ họp thứ Sáu, QH Khóa XIV. “Ban Chấp hành Trung ương đã giới thiệu Tổng Bí thư là người có đủ đức tài, xứng đáng vào vị trí cực kỳ quan trọng, xứng tầm quốc gia và quốc tế… Nhân dân tuyệt đối tin tưởng, đồng tình, ủng hộ và kính mong Tổng Bí thư tiếp nhận trọng trách cao cả này để phụng sự Tổ quốc, phục vụ Đảng và nhân dân được lâu hơn, nhiều hơn”, cử tri Lê Đức Hạnh (phường Kim Mã, quận Ba Đình) nói.

Chân thành cảm ơn cử tri đã đồng tình, ủng hộ việc Ban Chấp hành Trung ương thống nhất cao giới thiệu Tổng Bí thư để QH bầu làm Chủ tịch Nước, Tổng Bí thư cho biết, trước đây Bác Hồ đồng thời làm Chủ tịch Đảng và Chủ tịch Nước, sau đó tách ra. Và đến bây giờ là tình huống. Vừa rồi, không may Chủ tịch Nước Trần Đại Quang từ trần rất đột ngột, mặc dù được các giáo sư, bác sĩ trong và ngoài nước hết lòng cứu chữa, nhưng do bệnh hiểm nghèo, không qua khỏi. Bây giờ khuyết chức danh này, phải có người làm ngay. Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương đã chuẩn bị nhiều phương án, qua quá trình thảo luận dân chủ, trách nhiệm đã thống nhất rất cao giới thiệu Tổng Bí thư để QH bầu làm Chủ tịch Nước.

Tuy nhiên, Tổng Bí thư lưu ý, không nên nói “Tổng Bí thư kiêm Chủ tịch Nước”, vì như vậy là không đúng nghĩa. “Đây là hai cơ chế khác nhau, hai cơ quan khác nhau, nói kiêm thì vai nào chính vai nào phụ”. Đồng thời, cũng không nên nói “nhất thể hóa” hai chức danh Tổng Bí thư và Chủ tịch Nước, mà là “bầu ông này để làm hai việc này” (Tổng Bí thư và Chủ tịch Nước - PV). Cũng theo Tổng Bí thư, rất mừng là bước đầu dư luận trong nước, quốc tế đều đồng tình, ủng hộ và qua Hội nghị tiếp xúc cử tri lần này, biết được tâm tư, tình cảm của cử tri. Trân trọng cảm ơn sự ủng hộ của cử tri, Tổng Bí thư nêu rõ, đây là ý kiến của Trung ương, còn tùy vào kết quả QH bầu tại Kỳ họp sắp tới.

Thanh Tâm