Quỹ Đầu tư phát triển Bắc Ninh

Đầu tư vì sự phát triển

- Thứ Tư, 04/12/2019, 07:58 - Chia sẻ
Được thành lập vào năm 2015, cho tới nay Quỹ Đầu tư phát triển Bắc Ninh đã thực hiện đầu tư, cho vay không lợi nhuận giúp đỡ cho nhiều dự án, doanh nghiệp hoạt động ổn định góp phần thúc đẩy sự phát triển của tỉnh. Đây là một tổ chức tài chính nhà nước sinh ra không vì lợi nhuận mà vì sự phát triển chung của địa phương, hoạt động theo mô hình ngân hàng chính sách.

Thành lập ngày 5.6.2015 theo Quyết định số 192/2015/QĐ-UBND của UBND tỉnh Bắc Ninh, Quỹ Đầu tư phát triển địa phương đã hoạt động rất tốt trong lĩnh vực tài chính, đi đúng định hướng ban đầu của nó. Quỹ đầu tư phát triển đã thực hiện tiếp nhận vốn ngân sách, huy động vốn trung và dài hạn từ các tổ chức cá nhân trong và ngoài nước để cho vay, đầu tư vào dự án, doanh nghiệp phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh.

Được thành lập với số vốn ban đầu là 500 tỷ đồng, đây là số tiền được UBND tỉnh cấp để thực hiện hoạt động cho vay đầu tư tuy nhiên cho vay này không hề vì lợi nhuận mà luôn hướng tới sự hỗ trợ, giúp đỡ nhằm giúp cho các đơn vị, doanh nghiệp địa phương thực hiện các dự án thúc đẩy sự phát triển của tỉnh. Cho tới nay, Quỹ đã thực hiện cho vay đầu tư đối với 11 dự án ưu tiên phát triển được UBND tỉnh quyết định, đặc biệt là Dự án đầu tư xây dựng Trung tâm thương mại, dịch vụ tổng hợp BNDIF tại xã Trung Nghĩa và xã Long Châu và Dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới Yên Trung tại huyện Yên Phong; Dự án lò đốt rác thải sinh hoạt tại huyện Tiên Du. Doanh nghiệp được vay vốn đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách cho tỉnh, góp phần bảo đảm an sinh xã hội ở địa phương.

Sau một khoảng thời gian hoạt động, Quỹ đã hỗ trợ và hoạt động tốt công tác cho vay và đồng thời cho thấy năng lực quản lý nguồn vốn cũng như hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động vẫn vướng phải những khó khăn nhất định: Quỹ là tổ chức tài chính nhà nước của tỉnh, hoạt động theo mô hình Ngân hàng chính sách không vì mục tiêu lợi nhuận, bảo toàn và phát triển vốn, do vậy việc thực hiện cho vay phải bảo đảm nghiêm ngặt các quy định, tránh thất thoát vốn và tài sản của Nhà nước. Các doanh nghiệp và dự án vay vốn phải đúng đối tượng, đáp ứng đủ điều kiện theo quy định.

Thủ tục vay vốn của Quỹ đòi hỏi rất chặt chẽ, đối tượng cho vay hạn chế ở lĩnh vực đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội nên ít khách hàng và khó cạnh tranh với hệ thống ngân hàng thương mại. Trong khi đó chế tài về xử lý thu nợ của Quỹ chưa đủ mạnh như các ngân hàng thương mại. Việc xử lý tài sản bảo đảm thu hồi nợ cũng còn nhiều hạn chế, chưa linh hoạt, tài sản bảo đảm tiền vay chủ yếu là tài sản hình thành từ vốn vay và có tính thanh khoản thấp, việc xử lý tài sản kéo dài dẫn đến mất giá trị tài sản do khấu hao, trong khi các quy định về phân loại nợ và trích lập dự phòng của Quỹ phải tuân thủ như các tổ chức tín dụng. Quỹ phải chịu sức ép từ nhiều phía trong việc thẩm định, cho vay, giải ngân… dẫn đến các trình tự, thủ tục cho vay để đáp ứng đầy đủ đúng quy định là điều khó khăn.

Năm 2019, Quỹ Đầu tư phát triển đã phối hợp chặt chẽ với tỉnh tổ chức thành công Hội nghị Quỹ Đầu tư phát triển địa phương năm 2019 tại thành phố Bắc Ninh. Đây là hội nghị thường niên do các Quỹ Đầu tư phát triển địa phương luân phiên tổ chức. Hội nghị lần này có đại diện Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và 44 Quỹ Đầu tư phát triển trên cả nước tham dự. Hội nghị nhằm giúp các Quỹ Đầu tư phát triển địa phương trên toàn quốc có cơ hội trao đổi, học tập kinh nghiệm trong công tác chuyên môn, phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đến các bộ, ngành, Trung ương để kịp thời tháo gỡ, giải quyết cho các quỹ.

Để tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trong hoạt động, từng bước phát huy hiệu quả vai trò của Quỹ, thời gian tới Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước cần sớm ban hành văn bản hướng dẫn chi tiết Nghị định số 138/2007/NĐ-CP và Nghị định số 37/2013/NĐ-CP về tổ chức và hoạt động của Quỹ Đầu tư phát triển địa phương, có các biểu mẫu cụ thể đính kèm; quy định và hướng dẫn cách tính toán mức lãi suất cho vay tối thiểu để các Quỹ thống nhất thực hiện. Tăng mức vốn điều lệ tối thiểu của Quỹ Đầu tư phát triển địa phương nhằm nâng cao năng lực tài chính đáp ứng yêu cầu các mặt hoạt động trong thời kỳ mới. Hoàn thiện khung pháp lý trong hoạt động tín dụng; nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm Thông tin tín dụng; Hỗ trợ đào tạo cán bộ chuyên môn về công tác tín dụng. Ban hành các văn bản hướng dẫn về việc phân loại nợ, trích lập dự phòng rủi ro đối với hoạt động cho vay của Quỹ Đầu tư phát triển; quy định và hướng dẫn cụ thể để bảo đảm tính thống nhất và phù hợp với các quy định pháp luật trong việc xử lý tài sản bảo đảm, thu hồi nợ tiền vay trong hệ thống Quỹ. Đồng thời tăng thẩm quyền xử lý rủi ro cho Quỹ.

Trong thời gian tới, để có thể hoạt động tốt hơn nữa, đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành, đơn vị liên quan phối hợp với Quỹ trong việc thẩm định, quản lý chặt chẽ các dự án đầu tư trước khi phê duyệt, tăng thẩm quyền cho Quỹ trong việc xem xét quyết định cho vay và xử lý thu hồi nợ, xử lý rủi ro. Đồng thời giao chỉ tiêu biên chế ổn định hàng năm, ổn định cơ cấu tổ chức bộ máy hoạt động cho Quỹ nhằm đáp ứng yêu cầu, nâng cao năng lực và vai trò trách nhiệm của cán bộ.

Nga Hoàng