Đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo để tạo ra tri thức mới

- Thứ Ba, 08/09/2020, 18:13 - Chia sẻ
Ngày 8.9, tại Hà Nội, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Hội thảo “Chỉ số Đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) năm 2020”.

Theo bảng xếp hạng GII 2020, Việt Nam xếp hạng 42/131 quốc gia/nền kinh tế duy trì thành công thứ hạng đã đạt được năm 2019, được các chuyên gia WIPO đánh giá là cao hơn so với trình độ phát triển hiện nay của Việt Nam. Đánh giá của WIPO, năm 2020 hệ thống đổi mới sáng tạo (ĐMST) của Việt Nam có kết quả nổi bật về trình độ phát triển của thị trường, xếp hạng 39, tăng 30 bậc từ vị trí 69 năm 2019.  

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy phát biểu tại hội thảo

Trong đó, tiến bộ đáng chú ý là về liên kết ĐMST, chỉ số Hợp tác Viện trường – Doanh nghiệp tăng 10 bậc và chỉ số Quy mô phát triển của cụm công nghiệp tăng 32 bậc, từ vị trí 74 lên 42. Năng lực Hấp thụ tri thức tăng 13 bậc, xếp hạng 10 nhờ sự dẫn đầu về nhập khẩu công nghệ cao và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) hạng 19.

Có nhiều yếu tố quan trọng tạo nên kết quả nói trên, trong đó phải kể đến việc từ năm 2017 đến nay, Chính phủ đã sử dụng chỉ số GII như một công cụ quản lý điều hành quan trọng đồng thời đã phân công tác bộ, cơ quan, địa phương có trách nhiệm cải thiện chỉ số này, và Bộ Khoa học và Công nghệ được giao nhiệm vụ là đầu mối theo dõi, điều phối chung. Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng như sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành, địa phương, các viện nghiên cứu, trường đại học, doanh nghiệp… chỉ số GII của Việt Nam liên tục được cải thiện từ vị trí 59 năm 2016 lên vị trí 42 năm năm 2020.

Toàn cảnh Hội thảo

Thảo luận tại Hội thảo, các chuyên gia cho rằng, trong bối cảnh các quốc gia/nền kinh tế khác luôn nỗ lực cải thiện kết quả ĐMST, chưa kể những biến động khó lường trên phạm vi toàn cầu đã và đang diễn ra trong thời gian qua, Việt Nam vượt qua thách thức, duy trì được thứ hạng 42, tiệm cận nhóm 40 quốc gia/nền kinh tế dẫn đầu như đã đạt được năm 2019 là một nỗ lực rất lớn.

Tổng giám đốc Tổ chức WIPO Francis Gurry cho biết: ĐMST là động lực chính của tăng trưởng và phát triển kinh tế. Mục tiêu của bộ chỉ số GII là cung cấp dữ liệu với thông tin chi tiết về ĐMST, năng lực để ĐMST và kết quả ĐMST cũng như cho phép các nhà hoạch định chính sách đánh giá hiện trạng ĐMST của họ, kết quả ĐMST của các quốc gia và đưa ra các quyết định sáng suốt về chính sách ĐMST.

“Trong bộ chỉ số GII năm 2020, Việt Nam tiếp tục được xem là hình mẫu của các nước đang phát triển khác trong việc thiết lập ĐMST như là một ưu tiên quốc gia. Việc ban hành Nghị quyết từ năm 2017, sử dụng bộ chỉ số GII như một công cụ đo lường và đánh giá hiệu quả hoạt động ĐMST của quốc gia là minh chứng rõ ràng nhất cho thấy Việt Nam đã nhận thức được tầm quan trọng của ĐMST đối với sự phát triển đất nước. Chúng tôi chúc mừng Việt Nam với những nỗ lực đã đạt được và hoan nghênh những chương trình hành động trong các năm qua để hoàn thành nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết đã nêu”, Tổng giám đốc Tổ chức WIPO nhấn mạnh.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy nhấn mạnh, để tiếp tục cải thiện năng lực ĐMST quốc gia, thể hiện qua thứ hạng chỉ số ĐMST toàn cầu, Việt Nam cần tiếp tục chú trọng các yếu tố đầu vào và đầu ra của ĐMST. Trong đó, đặc biệt lưu ý tập trung cải thiện những chỉ số mà Việt Nam đang được xếp vào nhóm yếu, hoặc có xu hướng giảm. Ngoài các vấn đề cụ thể cần khắc phục được nêu trên, cần phát huy khai thác tốt hơn hoạt động đầu tư nước ngoài, các hiệp định thương mại song phương và đa phương; gây dựng cộng đồng doanh nghiệp năng động, có khả năng học hỏi và ĐMST.

Chí Tuấn