Nhân chuyến thăm chính thức Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân

Dấu mốc mới trong quan hệ Việt Nam - Thổ Nhĩ Kỳ

- Thứ Hai, 08/10/2018, 07:21 - Chia sẻ
Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ Binali Yildirim, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Quốc hội nước ta thăm chính thức Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch QH nước ta, đồng thời cũng là chuyến thăm cao nhất của lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta tới Thổ Nhĩ Kỳ. Chính vì vậy, chuyến thăm có ý nghĩa quan trọng nhằm tiếp tục củng cố và tăng cường quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt với Thổ Nhĩ Kỳ, là dấu mốc mới trong quan hệ giữa hai QH và hai nước.

Đối tác mạnh mẽ và tin cậy

Ngày 7.6.1978, Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Trong suốt 40 năm qua, quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước phát triển tốt đẹp với nền tảng quan trọng là sự tin cậy chính trị. Hai bên thường xuyên trao đổi Đoàn các cấp.

Các đoàn cấp cao của Việt Nam đã thăm Thổ Nhĩ Kỳ như: Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn (tháng 1.1999); Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm (tháng 6.2009); Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Kiên (tháng 2.2011); Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Doan (tháng 6.2010; tháng 5.2011). Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã cử nhiều Đoàn cấp cao thăm Việt Nam như: Phó Thủ tướng kiêm Quốc vụ khanh Bulent Arinc (tháng 2.2011); Thủ tướng Binali Yildirim (tháng 8.2017). Hai nước đã tổ chức họp Tham vấn chính trị cấp Thứ trưởng ngoại giao lần thứ 3 vào tháng 3.2014, họp Ủy ban hỗn hợp lần thứ 7 vào tháng 7.2017 tại Hà Nội.


Một góc Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ

Dẫu xa cách về địa lý nhưng Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ chia sẻ với nhau những nét tương đồng trong lịch sử bảo vệ, xây dựng đất nước, cùng có truyền thống văn hóa lâu đời và đầy bản sắc. Là quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh trên thế giới, một trong những điểm sáng trong khu vực với tổng GDP đứng thứ 18 trên thế giới (năm 2017), Thổ Nhĩ Kỳ hiện là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế như OECD, G-20, NATO, OIC, OSCE… Ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay là gia nhập EU. Từ tháng 8.2017, Thổ Nhĩ Kỳ chính thức trở thành Đối tác đối thoại theo lĩnh vực của ASEAN. Thổ Nhĩ Kỳ đánh giá Việt Nam là một trong những đối tác tin cậy và mạnh mẽ trong khu vực ASEAN. Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ lập trường của Việt Nam và các nước ASEAN về việc giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại, tôn trọng luật pháp quốc tế; bày tỏ ủng hộ Việt Nam làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2020 -2021.

Thổ Nhĩ Kỳ hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam tại Trung Đông. Năm 2017, kim ngạch thương mại hai nước đạt trên 2,1 tỷ USD, trong đó, Việt Nam xuất siêu với tổng giá trị xuất khẩu khoảng 1,9 tỷ USD. Trong 6 tháng đầu năm nay, kim ngạch thương mại hai nước đạt 970 triệu USD. Thổ Nhĩ Kỳ là cửa ngõ để các mặt hàng như gạo, cao su, chè, hàng may mặc, giày dép, hàng điện tử, thủ công mỹ nghệ… vào thị trường Trung Đông và Liên minh châu Âu (EU). Đây cũng là những mặt hàng xuất khẩu thế mạnh của nước ta. Hiện nay, Thổ Nhĩ Kỳ chủ yếu xuất khẩu sang nước ta các mặt hàng như phôi thép, sắt thép, vật liệu xây dựng, bông, hóa chất, phụ tùng ô tô… Về đầu tư, Thổ Nhĩ Kỳ hiện có 15 dự án còn hiệu lực ở Việt Nam với tổng số vốn đăng ký khoảng 704 triệu USD, đứng thứ 26/126 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Tháng 6.2016, Hãng hàng không quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ (Turkish Airlines) đã mở đường bay thẳng từ Istanbul tới Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

Trên nền tảng của sự tin cậy chính trị, Việt Nam và Thổ Nhĩ Kỳ đã ký kết nhiều Hiệp định, thỏa thuận hợp tác như: Hiệp định hợp tác thương mại, kinh tế và kỹ thuật (1997); Nghị định thư về hợp tác kinh tế và thương mại; Thỏa thuận miễn thị thực cho hộ chiếu ngoại giao (1998); Hiệp định hợp tác văn hóa, khoa học và giáo dục (1999); Nghị định thư về hợp tác nông nghiệp; Hiệp định khung về hợp tác khoa học kỹ thuật và môi trường (2000); Hiệp định hợp tác du lịch (8.2004); Thỏa thuận Hợp tác giữa hai Bộ Ngoại giao (6.2005); Thỏa thuận hợp tác giữa hai phòng Thương mại và Công nghiệp và thành lập Hội đồng doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ - Việt Nam (2009)…

Cơ hội hợp tác phát triển rộng mở

Tròn 40 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, có thể nói rằng, con đường hợp tác phát triển giữa Việt Nam - Thổ Nhĩ Kỳ đang rộng mở hơn bao giờ hết. Trên nền tảng này, chuyến thăm chính thức của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao QH nước ta tới Thổ Nhĩ Kỳ được kỳ vọng sẽ là dấu mốc mới trong việc tăng cường và phát triển quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước và giữa QH hai nước.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân sẽ có các cuộc hội đàm, gặp gỡ với các nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ, nhóm Nghị sĩ hữu nghị Thổ Nhĩ Kỳ - Việt Nam, dự Tọa đàm “Cơ hội kinh doanh - đầu tư Việt Nam - Thổ Nhĩ Kỳ”…

Chuyến thăm của Chủ tịch QH sẽ tập trung đánh giá sự phát triển của quan hệ hai nước trên các lĩnh vực; khẳng định, Việt Nam coi trọng và mong muốn phát triển hợp tác với Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực Trung Đông, Tây Á; trao đổi và đề xuất biện pháp thúc đẩy hợp tác song phương trên các lĩnh vực hai bên có tiềm năng; thúc đẩy tin cậy chính trị và thực hiện hiệu quả các thỏa thuận đã ký kết hợp tác giữa hai nước; trao đổi các vấn đề quốc tế và khu vực mà hai bên cùng quan tâm và tăng cường phối hợp, hợp tác tại các diễn đàn đa phương. Đồng thời, giới thiệu về tình hình phát triền kinh tế - xã hội, môi trường đầu tư của Việt Nam với chính giới và doanh nhân Thổ Nhĩ Kỳ, tạo cơ hội cho doanh nhân hai nước tiếp xúc, trao đổi, tìm hiểu đối tác và cơ hội hợp tác đầu tư.

Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân và Chủ tịch QH Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ trao đổi về tình hình hợp tác giữa QH hai nước; phương hướng tăng cường hợp tác, trao đổi thông tin, kinh nghiệm hoạt động nghị viện trong khuôn khổ song phương và phối hợp tại các diễn đàn nghị viện đa phương.

Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và chủ trương đưa các mối quan hệ đối ngoại đi vào chiều sâu, ổn định và bền vững, chuyến thăm của Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân và Đoàn đại biểu cấp cao QH nước ta tới Thổ Nhĩ Kỳ thể hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, tích cực hội nhập quốc tế với phương châm Việt Nam sẵn sàng là bạn, là đối tác tin cậy của tất cả các nước trong cộng đồng thế giới vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và thế giới.

Phạm Thúy