Dư âm Kỳ họp thứ Tám, Quốc hội Khóa XIV

Dấu ấn sâu đậm về công tác dân tộc

- Chủ Nhật, 01/12/2019, 07:16 - Chia sẻ
Với nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH), việc bấm nút thông qua Nghị quyết phê chuẩn Đề án tổng thể phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 tại Kỳ họp thứ Tám vừa qua sẽ mãi là một dấu ấn sâu đậm. Không chỉ vì đây là lần đầu tiên Quốc hội thông qua một Nghị quyết dành riêng cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số và miền núi mà còn bởi những mục tiêu, nhiệm vụ cụ thể của Đề án này khi đi vào cuộc sống sẽ đem lại những đổi thay mạnh mẽ cho đồng bào ở khu vực này.

ĐBQH NGUYỄN THỊ THỦY (Bắc Kạn): Thực sự xúc động khi Quốc hội thông qua Nghị quyết phê chuẩn Đề án

Một trong những điểm nhấn quan trọng của Kỳ họp thứ Tám là lần đầu tiên Quốc hội thông qua Nghị quyết phê chuẩn Đề án tổng thể phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 (Nghị quyết số 88 - PV). Có thể nói, đây là một đề án mang tính lịch sử, tạo dấu ấn mạnh mẽ trong công tác dân tộc. Mặc dù hàng năm, Quốc hội và Chính phủ đều dành nhiều sự quan tâm tới các chính sách phát triển dành cho các tỉnh miền núi và vùng dân tộc thiểu số, tại mỗi kỳ họp, Quốc hội cũng đều có những các quyết sách liên quan đến lĩnh vực này nhưng đây là lần đầu tiên chúng ta có một đề án tổng thể với tầm nhìn dài hạn nhằm phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Là ĐBQH của một tỉnh miền núi phía Bắc, tôi thực sự xúc động khi Quốc hội thông qua Nghị quyết phê chuẩn Đề án.

Các ĐBQH đã phát huy tinh thần trách nhiệm, tập trung trí tuệ rất cao trong việc nghiên cứu, tham gia đóng góp ý kiến vào dự thảo Đề án để cùng với cơ quan chủ trì và cơ quan thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý nhằm hoàn thiện dự thảo Đề án. Tôi và nhiều đại biểu khác rất hài lòng và đánh giá cao nội dung của Đề án được Quốc hội thông qua.

Đề án có lộ trình thực hiện trong 10 năm, đặt ra các mục tiêu cụ thể trong từng giai đoạn và có tính tổng thể, từ những vấn đề lớn đến những vấn đề cụ thể đều được điều chỉnh trong Đề án này, ví dụ từ mục tiêu thu nhập bình quân, tỷ lệ hộ nghèo được dùng điện lưới quốc gia, tỷ lệ tiếp cận nguồn nước sạch đến tỷ lệ phụ nữ được khám thai định kỳ… Quan trọng nhất là thông qua việc Quốc hội đề ra các mục tiêu cụ thể, Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương có căn cứ để triển khai thực hiện. 
Với tinh thần trách nhiệm và tâm huyết của người đại biểu nhân dân, các ĐBQH đã đưa đến nghị trường nhiều ý kiến, nguyện vọng, mong mỏi của cử tri ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi đối với chính sách của Nhà nước dành cho vùng đặc thù này. Nội dung của Đề án cũng đã phản ánh được những mong mỏi, nguyện vọng chính đáng của cử tri ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.

Trong thời gian tới, các ĐBQH sẽ tích cực phối hợp với các bộ, ngành, địa phương trong việc tổ chức triển khai thực hiện các mục tiêu của Đề án. Chúng tôi cũng sẽ tích cực giám sát quá trình thực hiện nhằm bảo đảm đạt được các mục tiêu và cả những kỳ vọng đã gửi gắm trong Đề án.

ĐBQH NGUYỄN PHƯỚC LỘC (TP Hồ Chí Minh): Thay đổi lớn về nhận thức và cách tiếp cận trong chính sách dân tộc

Việc Quốc hội thông qua Nghị quyết phê chuẩn Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 là sự kiện có ý nghĩa chính trị rất quan trọng. Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm đến việc chăm lo, cải thiện cuộc sống của đồng bào dân tộc thiểu số, nâng cao trình độ phát triển của vùng đặc biệt khó khăn. Từ năm 1993, khi bắt đầu khởi động chương trình xóa đói, giảm nghèo đến nay, chúng ta vẫn tiếp cận chủ yếu từ góc nhìn giảm nghèo. Do đó, từ chỗ đặt vấn đề về Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số đến Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số là sự thay đổi lớn về nhận thức, là cách tiếp cận mới từ quan điểm phát triển, rất phù hợp với tuyên bố về chính sách dân tộc với nội hàm mới được ghi nhận tại Khoản 4, Điều 5, Hiến pháp năm 2013 là: Nhà nước thực hiện chính sách phát triển toàn diện và tạo điều kiện để các dân tộc thiểu số phát huy nội lực cùng phát triển với đất nước; Khoản 5, Điều 70, Hiến pháp năm 2013 là: Quốc hội quyết định chính sách dân tộc.

“Không gian nghèo” của nước ta hiện đang diễn biến theo hướng “lõi nghèo” tập trung vào vùng dân tộc thiểu số, trải rộng ở khu vực miền núi phía Bắc, Tây Bắc, Trung Bộ, Tây Nguyên, Tây duyên hải miền Trung và Tây Nam Bộ. So với sự phát triển chung của cả nước và từng địa phương, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều khó khăn, kinh tế - xã hội phát triển chậm, tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo và nguy cơ tái nghèo cao. Cơ hội tiếp cận các dịch vụ xã hội thiết yếu và chất lượng nguồn nhân lực, hạn chế, khoảng cách giàu nghèo có xu hướng tăng, tiềm ẩn phức tạp về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Theo đó, giải quyết vấn đề giảm nghèo bền vững vùng đồng bào dân tộc thiểu số phải đặt trong tổng thể gắn liền với phát triển KT - XH bền vững, với các giải pháp trọng yếu là: Phát triển kinh tế lâm nghiệp và các dự án sản xuất tạo sinh kế, tăng thu nhập cho người dân gắn với hỗ trợ đất ở, cải thiện nhà ở, hỗ trợ đất sản xuất, nước sinh hoạt, đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu cấp xã, thôn, bản, đơn vị sự nghiệp công lập liên quan đến lĩnh vực dân tộc gắn với bảo tồn, phát huy bản sắc các dân tộc thiểu số và phát triển du lịch. Nghiên cứu sự phân hóa chính sách phù hợp với từng nhóm dân tộc thiểu số rất ít người và nhóm dân tộc còn nhiều khó khăn. Đầu tư đào tạo, bồi dưỡng, phát triển nguồn nhân lực dân tộc thiểu số gắn với bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em.

ĐBQH NGUYỄN LÂM THÀNH (Lạng Sơn): Thể hiện trách nhiệm và tình cảm của Quốc hội với đồng bào

Việc Quốc hội thông qua Nghị quyết 88 đã thể hiện trách nhiệm, tình cảm của Quốc hội đối với những đóng góp của đồng bào dân tộc thiểu số cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, cũng như suốt chiều dài lịch sử phát triển đất nước.

Tất nhiên, từ Đề án đến thực hiện và đem lại những kết quả như kỳ vọng là một bước rất dài. Nghị quyết đưa ra những nguyên tắc cơ bản trong hệ thống chính sách với đồng bào dân tộc, cũng như các mục tiêu chủ chốt cho giai đoạn 2021 - 2030. Quốc hội cũng giao Chính phủ xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp thứ Chín, để thực hiện từ năm 2021. Hàng năm, Chính phủ báo cáo kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia trước Quốc hội; 5 năm tổ chức tổng kết, trình Quốc hội về cơ chế, chính sách tiếp tục thực hiện cho giai đoạn 2026 - 2030. Để thực hiện tốt yêu cầu được Quốc hội đưa ra, đòi hỏi sự chỉ đạo của Chính phủ, các bộ ngành, chính quyền địa phương, sự chung tay của cả nước, các tổ chức quốc tế.

Trong kỳ họp, với sự điều hành của Đoàn Chủ tịch, hoạt động của các ĐBQH, các cơ quan của Quốc hội đã hoàn thành tốt nhiều nội dung kỳ họp. Bên cạnh đó, tôi cũng đánh giá cao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng đã tham gia chuẩn bị tài liệu cho kỳ họp, giải trình, trả lời chất vấn. Nhiều vấn đề lớn của đất nước được Quốc hội đưa ra thảo luận kỹ càng, có quyết đáp phù hợp, tạo điều kiện cho Chính phủ, các bộ ngành thực hiện kế hoạch đã đề ra, thực hiện tốt các nghị quyết của Đảng.

Thanh Chi - Phương Thủy ghi; Ảnh: Q. Khánh