Góc nhìn

Đặt mình vào vị trí người dân

- Thứ Tư, 13/03/2019, 07:44 - Chia sẻ
“Khi xây dựng văn bản quy phạm pháp luật phải quan tâm đến đối tượng bị tác động. Nếu mình là người dân thì mình thấy quy định này có hợp lý hay không?” Phát biểu mới đây của Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải dường như rất đúng ý người dân trong bối cảnh 2 đề xuất đang khiến dư luận dậy sóng: Ai mất bằng lái xe đều phải thi lại và thí điểm cấm xe máy trên một số tuyến đường ở Hà Nội.

Thực tế, những đề xuất, chủ trương, quyết sách chưa chuẩn về pháp lý, chưa chín về khoa học, chưa thấu tình đạt lý, xa rời thực tế, đẩy cái khó về phía người dân trong thời gian qua không phải là ít. Nguyên nhân là bởi các quy định được xây dựng, ban hành theo ý chí chủ quan của cơ quan soạn thảo và ban hành, bỏ qua việc đánh giá tình hình, thực trạng trên thực tế; việc lấy ý kiến của người dân, chuyên gia trong lĩnh vực cũng gần như không được thực hiện. Nhiều cơ quan soạn thảo sử dụng các quy định tham khảo từ các quốc gia khác một cách thiếu chọn lọc dẫn đến quy định không phù hợp với thực tiễn. Khi áp dụng vào cuộc sống, người dân sẽ khó chấp hành, hoặc chấp hành miễn cưỡng. Nó cũng sẽ làm cho hoạt động quản lý của Nhà nước thêm rối rắm, thậm chí phát sinh tiêu cực.

Quan điểm tất cả những người mất bằng lái xe phải thi lại để tránh tình trạng lợi dụng việc này xin thêm bằng thứ 2, thậm chí bằng thứ 3 là một trong số đề xuất được nhiều chuyên gia đánh giá là chưa hợp lý với tình hình thực tiễn, gây tốn kém cho người dân. Bởi dẫu thực tế có những trường hợp người bị tạm giữ giấy phép lái xe do vi phạm có thời hạn nhưng không đến nộp phạt lấy lại bằng, mà giả mất bằng để xin lại, nhưng đâu phải người dân nào cũng gian lận, dối trá. Việc mất bằng lái xe không phải là hành vi vi phạm pháp luật để phải chịu chế tài. Việc mất bằng không thay đổi bản chất là họ đủ năng lực lái xe, cho nên việc thi lại chẳng qua chỉ làm cho người dân gánh thêm nhiêu khê mà thôi.

Lẽ ra, Bộ Giao thông - Vận tải phải nghĩ về việc quản lý bằng lái đồng bộ hơn, quản lý hồ sơ lái xe, dữ liệu hành trình một cách khoa học, có hệ thống… để những người liên quan, những người lái xe có ý đồ gian lận không thể vi phạm được. Cùng với đó là việc siết chặt công tác đào tạo lý thuyết và thực hành, tránh cấp giấy phép cho những đối tượng chưa đủ điều kiện điều khiển phương tiện giao thông. Không thể vì mục đích tạo thuận lợi cho sự quản lý của mình, giảm bớt tình trạng lách luật của một số người mà gây khó cho nhiều người.

Đề xuất thí điểm cấm xe máy trên 2 tuyến Nguyễn Trãi, Lê Văn Lương vì đây là các tuyến đường “có mạng lưới xe buýt dày đặc, có buýt nhanh BRT, còn có tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông sắp khai thác” cũng vậy. Cơ quan quản lý cho rằng, với sự phát triển, chuẩn bị cho lộ trình hơn 10 năm, đến thời điểm trên (2030), hệ thống phương tiện giao thông công cộng của thành phố chắc chắn sẽ đáp ứng được nhu cầu đi lại của người dân. Nhưng thử tính 10 năm qua (2008 - 2018), thực tế phương tiện giao thông công cộng đã có những bước tiến thế nào? Cơ sở nào để hy vọng rằng 10 năm sau, chắc chắn giao thông công cộng của Hà Nội sẽ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân?

Chỉ biết rằng, 10 năm qua, phương tiện công cộng duy nhất vẫn là xe buýt, và Hà Nội chỉ tăng thêm được 51 tuyến. Hiện xe buýt cũng chỉ đáp ứng khoảng 13,5% nhu cầu đi lại. Nhưng cũng khoảng thời gian 10 năm, tốc độ gia tăng phương tiện giao thông cá nhân đạt kỷ lục 12 - 15% mỗi năm. Nếu 2008, Hà Nội có 2,2 triệu phương tiện cá nhân thì tới 2017, con số này đã là 6 triệu, tăng gấp gần 3 lần với 540 nghìn ôtô và 5,4 triệu xe máy. Cấm đi xe máy hay ô tô khi chưa có phương tiện thay thế là điều không tưởng. Ngay cả khi có phương tiện, nhưng không thuận lợi, không an toàn, không vệ sinh, thì việc người dân phản ứng cũng là lẽ đương nhiên.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam từng nhận định: “Có tình trạng văn bản của bộ, ngành thường được soạn thảo theo hướng thuận lợi cho sự quản lý của mình, nên có những thông tư cài vào đó cả bộ máy, cả biện pháp thực hiện”. Văn bản pháp luật phải ghi nhận và xuất phát từ lợi ích hài hòa của cả Nhà nước và xã hội mới có thể đi vào cuộc sống. Một nền hành chính mà chỉ ban hành những quyết định không tính đến nhu cầu, khả năng và suy nghĩ của đối tượng bị điều chỉnh, cứ thực thi theo kiểu sai rồi sửa tất yếu sẽ dẫn đến việc quyết định này phủ nhận quyết định kia, mâu thuẫn nhau, đi ngược lại sự phát triển, thì chỉ tồn tại với danh nghĩa đủ để lấp chỗ trống về quản lý nhà nước trong lĩnh vực đó mà khó có thể đi vào thực tế cuộc sống.

Nhìn rộng ra, tất cả các quyết định của chính quyền không thể không đặt vào vị trí của người dân. Những quy định bất hợp lý, ảnh hưởng đến số phận, cuộc sống của hàng triệu con người như cấm những người thấp bé, nhẹ cân, ngực lép không được lái xe từ 50 phân khối trở lên; xe biển số chẵn đi ngày chẵn, xe biển số lẻ đi ngày lẻ; thịt tươi không được để qua tám tiếng sau khi giết mổ; thay đổi giờ làm việc lệch pha; chủ thuê bao điện thoại phải bổ sung ảnh chân dung… đã phải “chết yểu”. Hệ quả là quy định vừa ban hành đã khiến dư luận phản ứng và cơ quan ban hành phải vội vàng hủy bỏ hoặc thay thế, bổ sung, sửa đổi bằng một quy định khác. Điều này kéo theo sự lãng phí rất lớn khi mà xã hội liên tục phải thay đổi trong một thời gian ngắn theo các quy định đó.

Duy Anh